
Giảng viên, sinh viên khối ngành sức khỏe trong một tiết thực hành (Ảnh: Thúy Huyền).
Thay đổi mang tính hệ thống
Kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh cấp quốc gia đầu tiên dự kiến được tổ chức vào năm 2027. Thông tin này được nhấn mạnh tại Hội thảo “Kỳ thi cấp phép hành nghề y Quốc gia: Quản trị, chính sách và thực tiễn” do Hội đồng Y khoa Quốc gia phối hợp với Đại học Y Dược TPHCM (UMP) và Đại học Yonsei (Hàn Quốc) tổ chức.
GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, cho biết Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 đã quy định Hội đồng Y khoa Quốc gia có chức năng đánh giá độc lập năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Luật mới quy định việc hành nghề y không chỉ cần có bằng tốt nghiệp bác sĩ y khoa cũng như một số ngành liên quan, mà còn phải vượt qua kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề, do Hội đồng Y khoa Quốc gia tổ chức.

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia (Ảnh: Huyên Nguyễn).
Thời gian áp dụng từ 1/1/2027 đối với chức danh bác sĩ, từ 1/1/2028 đối với chức danh y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, từ 1/1/2029 đối với các chức danh kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng.
Đến nay, Hội đồng Y khoa Quốc gia đã và đang xây dựng các nền tảng cần thiết cho việc tổ chức kỳ kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Kỳ kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh không chỉ là một bài kiểm tra kỹ năng cuối cùng, mà là phần mở rộng của quá trình đào tạo y khoa theo hướng dựa trên năng lực (competency-based medical education – CBME).
“Việc này đòi hỏi sự gắn kết chặt chẽ giữa hệ thống y tế, mô hình bệnh tật và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân – năng lực đầu ra của người học – công cụ và chính sách lượng giá – chương trình đào tạo”, ông Thuấn bày tỏ.
Đây là một thay đổi mang tính hệ thống, đòi hỏi sự đồng thuận và tham gia tích cực của tất cả các bên liên quan: từ cơ sở đào tạo, cơ sở thực hành, cơ quan quản lý đến bản thân người học.
Cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản và mang tính hệ thống
GS.TS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Dược TPHCM, chia sẻ những nội dung được bàn thảo sẽ đánh dấu một bước khởi đầu có ý nghĩa đặc biệt trong lộ trình đổi mới toàn diện hệ thống quản lý hành nghề y tại Việt Nam.
Đó là chuẩn bị tổ chức kỳ thi quốc gia cấp chứng chỉ hành nghề y lần đầu tiên ở nước ta, theo đúng quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.
GS Tuấn nhận định từ quy định đến triển khai thực hiện là một chặng đường dài, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản và mang tính hệ thống.
“Chúng ta không chỉ cần xây dựng ngân hàng câu hỏi, chuẩn hóa quy trình khảo thí, mà còn phải bảo đảm tính công bằng, minh bạch, và hội nhập quốc tế trong toàn bộ quá trình triển khai tổ chức kỳ thi”, GS Diệp Tuấn nhận định.

GS.TS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Dược TPHCM phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Huyên Nguyễn).
Các kinh nghiệm của Hàn Quốc trong tổ chức kỳ thi cấp phép hành nghề y quốc gia, tập trung vào cấu trúc, quy trình, tiêu chuẩn và khung chính sách cấp quốc gia được chia sẻ qua các bài trình bày từ hai báo cáo viên đến từ Hàn Quốc: GS Park Hoon-ki (Chủ tịch Hội đồng Khảo thí, Viện Khảo thí Cấp phép hành nghề Y Hàn Quốc) và GS Seo Ji-hyun (Ủy ban Kỳ thi Thực hành Cấp phép Hành nghề Y khoa, Hội đồng Khảo thí Cấp phép hành nghề Y Quốc gia).
Điều này giúp Việt Nam học hỏi và nâng cao năng lực nội tại trong tổ chức kỳ thi quốc gia trong thời gian tới.
GS An Shinki, Giám đốc, nhóm Công tác Phát triển Giáo dục Y khoa Toàn cầu, Đại học Yonsei, Hàn Quốc cho biết thêm Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên ở châu Á áp dụng kỳ thi kiểm tra kỹ năng lâm sàng (clinical skills) cho các bác sĩ.
Ông nhận định việc cung cấp dịch vụ y tế chất lượng là trọng tâm đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam. Trong đó, đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế giỏi chính là nguồn lực then chốt tạo nên dịch vụ y tế đảm bảo cả về chất và lượng ấy.

GS An Shinki, Giám đốc, nhóm Công tác Phát triển Giáo dục Y khoa Toàn cầu, Đại học Yonsei nhấn mạnh tầm quan trọng của tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề (Ảnh: Huyên Nguyễn).
Bên cạnh đó, dịch vụ y tế có chất và lượng tốt cần được cung cấp trên toàn lãnh thổ Việt Nam chứ không chỉ ở một khu vực nào đó. Để làm được điều đó vậy, chúng ta cần phải lượng giá được liệu sinh viên tốt nghiệp các trường y có đáp ứng được năng lực mà xã hội mong đợi hay không.
Từ đó, vị GS Hàn Quốc cho rằng, việc tổ chức kỳ thi quốc gia cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ là một dự án tầm quốc gia đòi hỏi nguồn tài chính lớn, nên cần cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề này.
Tính đến nay, cả nước đã có 214 cơ sở đào tạo nhân lực y tế, trong đó 66 cơ sở giáo dục đại học. Số bác sĩ tốt nghiệp năm 2024 khoảng 12.000 người.