Chưa có bằng chứng khoa học cho thấy hành tím gây mù lòa
Ngày 25.7, bác sĩ chuyên khoa 2 Tăng Hồng Châu, Giám đốc Bệnh viện Mắt Sài Gòn Cách Mạng Tháng Tám, cho biết hiện chưa có bằng chứng y khoa nào cho thấy việc tiếp xúc lâu dài với hành tím gây mù lòa hay tổn thương vĩnh viễn giác mạc. Tuy nhiên, việc tiếp xúc liên tục và không bảo hộ có thể gây ra kích ứng tạm thời, như rát, chảy nước mắt, đỏ mắt, thậm chí là viêm kết mạc nhẹ nếu không vệ sinh tốt.
Trong y văn cũng chưa ghi nhận ca tổn thương giác mạc vĩnh viễn do hành tím gây ra. Tuy nhiên, có một số báo cáo liên quan đến viêm kết mạc dị ứng, kích ứng kết mạc kéo dài, nhưng thường hồi phục tốt sau khi ngưng tiếp xúc hoặc điều trị.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Tăng Hồng Châu phân tích trên mô hình cấu trúc mắt
ẢNH: LÊ CẦM
“Chất cay trong hành tím là do enzyme alliinase được giải phóng khi cắt hoặc đập dập hành. Enzyme này tạo ra propanethial-S-oxide – một hợp chất khí dễ bay hơi, kích thích tuyến lệ, gây chảy nước mắt, xót mắt và cảm giác cay rát. Nếu tiếp xúc nhiều lần trong ngày, niêm mạc mắt có thể bị kích ứng nhẹ, gây đỏ, mỏi hoặc khó chịu kéo dài”, bác sĩ Châu phân tích.
Nhiều trường hợp tổn thương mắt do đặc thù nghề nghiệp
Trong thực hành lâm sàng, bác sĩ Châu cho biết đã gặp nhiều trường hợp bệnh nhân bị tổn thương mắt liên quan đến đặc thù nghề nghiệp từ thợ hàn, công nhân mộc cho đến người làm nông do tiếp xúc với bụi, hóa chất hoặc ánh sáng mạnh mà không có biện pháp bảo vệ phù hợp.
Với người trồng hoặc sơ chế hành tím, nguy cơ cũng tương tự nếu không đeo kính hoặc làm việc trong môi trường kém thông thoáng.
“Những rủi ro thường gặp nếu người dân trồng hành tím trong điều kiện thiếu bảo hộ gồm viêm kết mạc kích ứng, khô mắt, hoặc thậm chí xước giác mạc nhẹ do chà mắt mạnh khi bị cộm. Về lâu dài, nếu không chăm sóc đúng cách, có thể làm tăng nguy cơ viêm nhiễm hoặc ảnh hưởng đến thị lực tạm thời,” bác sĩ Châu cho hay.

Chất cay trong hành tím là do enzyme alliinase được giải phóng khi cắt hoặc đập dập hành
Cách phòng tránh tổn thương mắt khi làm việc trong môi trường bụi, cay
“Tiếp xúc với hành tím không gây mù lòa nếu được bảo vệ đúng cách. Tuy nhiên, việc chủ quan, thiếu bảo hộ và không chú trọng chăm sóc mắt có thể dẫn đến các vấn đề kích ứng kéo dài. Quan tâm đến đôi mắt không chỉ giúp bảo vệ thị lực mà còn giữ vững sức khỏe lao động cho người dân trồng hành – một nghề truyền thống giàu giá trị ở nhiều địa phương”, bác sĩ Châu chia sẻ.
Để phòng tránh các tổn thương mắt, bác sĩ Châu khuyến cáo người lao động nên đeo kính bảo hộ trong suốt khi làm việc để ngăn bụi và hơi cay, rửa mắt bằng nước muối sinh lý sau mỗi ngày lao động, không dụi mắt bằng tay bẩn, đặc biệt khi vừa tiếp xúc với hành; làm việc ở nơi thông thoáng, hoặc có quạt hút khi bóc hành trong nhà. Sử dụng nước nhỏ mắt nếu cảm thấy cay nhiều và đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu đỏ mắt kéo dài hoặc đau nhức.
Lãnh đạo Cần Thơ ‘bác’ thông tin nhiều người dân trồng hành tím bị… mù
Như Thanh Niên đưa tin, ngày 23.7, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ VN TP.Cần Thơ tổ chức hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, nhà đầu tư năm 2025. Đại diện hơn 100 doanh nghiệp, nhà đầu tư đang hoạt động trên địa bàn đã đến dự.
Tại hội nghị, ông Lê Xuân Đắc, Tổng giám đốc Công ty TNHH đầu tư – sản xuất – kinh doanh Đặc Ân (gọi tắt là Công ty Đặc Ân), cho biết TX.Vĩnh Châu của tỉnh Sóc Trăng (cũ) có khoảng 4.000 – 6.000 ha đất trồng nông nghiệp; trong đó có khoảng 1.700 ha trồng hành tím. Theo tìm hiểu của ông Đắc, trong số hàng ngàn nông dân trồng hành tím, có tới khoảng 1.200 người bị mù lòa do chất cay từ hành tím dính làm hỏng giác mạc. Dẫu vậy, người dân ở đây vẫn xem nghề này là nghề truyền thống, cha truyền con nối.
Tuy nhiên, theo ông Ngô Thái Chân, Giám đốc Sở NN-MT TP.Cần Thơ việc trồng hành tím dẫn đến bị mù là không đúng. Thời điểm khoảng 20 năm về trước bà con chưa có phương thức bảo quản hành tím, chưa biết cách bảo vệ sức khỏe cho chính mình nên ảnh hưởng đến mắt. Còn hiện tại, người trồng hành tím không bị mù với số lượng nhiều như Công ty Đặc Ân ghi nhận.