Ban Chỉ đạo Trung ương nêu 7 hành vi gây lãng phí cần phòng, chống

Ban Chỉ đạo Trung ương nêu 7 hành vi gây lãng phí cần phòng, chống

bởi

trong

Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo, lãng phí là việc quản lý, sử dụng các nguồn lực như ngân sách, vốn nhà nước, tài sản công, lao động, thời gian, tài nguyên, năng lượng… vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ hoặc sử dụng không hiệu quả, không đạt mục tiêu, cản trở phát triển kinh tế – xã hội, hoặc làm mất cơ hội phát triển của đất nước.

Ban Chỉ đạo Trung ương nêu 7 hành vi gây lãng phí cần phòng, chống

Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại Hà Nam là một trong nhiều dự án lãng phí trong nhiều năm

ẢNH: TUYẾN PHAN

Vụ án, vụ việc gây lãng phí được xác định là nghiêm trọng khi để lại hậu quả lớn về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; liên quan nhiều cấp, ngành, lĩnh vực. 

Ngoài ra, các vụ việc gây bức xúc dư luận, được báo chí phản ánh nhiều, được đại biểu Quốc hội, HĐND, cử tri, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội kiến nghị xử lý cũng được xếp loại nghiêm trọng. Đặc biệt, các vụ việc bị thế lực thù địch lợi dụng để chống phá cũng thuộc nhóm này.

7 nhóm hành vi gây lãng phí 

Hướng dẫn của Ban Chỉ đạo cũng chỉ rõ 7 nhóm hành vi gây lãng phí cần tập trung phòng, chống. Theo đó, thứ nhất là nhóm hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công gây lãng phí.

Hướng dẫn của Ban Chỉ đạo cũng chỉ rõ các hành vi cụ thể buông lỏng trách nhiệm; chỉ đạo sai hoặc không rõ ràng gây lãng phí; bao che, không xử lý nghiêm hành vi gây lãng phí có dấu hiệu hình sự; xử lý nội bộ hoặc hành chính không phù hợp với mức độ vi phạm.

Thứ 2 là nhóm hành vi gây lãng phí trong xây dựng, ban hành thể chế về quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Các hành vi được xác định trong nhóm hành vi này bao gồm việc ban hành trái quy định hoặc chậm ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan đến quản lý tài chính công, tài sản công; cố ý ban hành sai quy định về định mức, chế độ, tiêu chuẩn…

Thứ 3 là nhóm hành vi gây lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước

Các hành vi được xác định cụ thể gồm lập, phân bổ, giao, sử dụng, quyết toán ngân sách sai quy trình, vượt định mức, sử dụng không đúng mục đích; trì hoãn giải ngân; sử dụng ngân sách để cho vay, góp vốn trái quy định; quản lý các quỹ có nguồn từ ngân sách sai mục tiêu; vay vượt khả năng cân đối ngân sách.

Thứ 4 là nhóm hành vi lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; đầu tư xây dựng, mua sắm, quản lý sử dụng tài sản công.

Hành vi cụ thể bao gồm: quyết định đầu tư trái quy hoạch, sai trình tự; thông đồng với đơn vị tư vấn, định giá; đầu tư chưa được phê duyệt; giao tài sản vượt định mức, sai đối tượng; sử dụng sai mục đích, không hiệu quả; chậm giải ngân, không quyết toán; để hư hỏng, chiếm dụng, xử lý sai quy định.

Thứ 5 là hành vi gây lãng phí trong quản lý đất đai, tài nguyên.

Các hành vi gồm giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất sai đối tượng, sai quy hoạch; không đấu giá, chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính; khai thác tài nguyên trái phép, vượt khả năng tái tạo; cố tình dùng công nghệ lạc hậu; gây ô nhiễm, suy thoái; quản lý dữ liệu số sai quy định.

Thứ 6 là nhóm hành vi gây lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước trong dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Các hành vi gồm: đầu tư PPP không phù hợp quy hoạch, sai trình tự, không xác định được vốn nhà nước; đầu tư ra ngoài doanh nghiệp nhà nước sai mục đích, kém hiệu quả; buông lỏng vai trò đại diện vốn nhà nước; quản lý tài sản, nợ kém dẫn đến thua lỗ, phá sản; trích lập, sử dụng quỹ sai chế độ.

Thứ 7 là nhóm hành vi khác gây lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.