Ban công chung cư không chỉ là nơi đón nắng, đón gió mà còn là điểm hút sinh khí, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tài lộc của gia chủ. Tuy nhiên, nhiều người lại vô tình biến khu vực này thành “góc độc” vì sai phong thủy.
“Tôi cứ thấy nhà ngột ngạt, dù mở hết cửa sổ. Mãi đến khi dọn lại ban công chung cư, dẹp đống đồ cũ, treo vài giỏ cây tôi mới cảm nhận được căn nhà thực sự ‘thở’ lại”, chị Trần Thu Hà (cư dân một chung cư ở TP.HCM) chia sẻ.
Trong một căn hộ chung cư bốn bề tường gạch, ban công là nơi duy nhất còn “mở ra thiên nhiên”. Theo phong thủy, ban công là nơi hút khí trời (thiên khí). Ánh sáng và thông gió tốt là yếu tố quan trọng để tạo ra “dương khí” và lưu thông năng lượng tích cực. Ban công thiếu ánh sáng và thông gió sẽ tạo ra “âm khí”, gây trì trệ, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần.
Về khoa học, một ban công sáng – sạch – thoáng – đẹp có thể cải thiện tâm trạng trong một căn hộ khép kín.

Ban công sạch, thoáng, đẹp có thể cải thiện tâm trạng
Ban công chung cư tối, bị che chắn kín mít
Kiểu này thường thấy ở những chung cư cũ, phải bít thành chuồng cọp để nới diện tích sử dụng cũng như… ngăn trộm. Việc này làm giảm khả năng đối lưu không khí, khiến độ ẩm trong nhà tăng cao, dễ sinh vi khuẩn, nấm mốc, nhất là mùa mưa ở TP.HCM.
Từ góc nhìn khoa học, ánh sáng tự nhiên có vai trò quan trọng trong việc điều hòa nhịp sinh học, tổng hợp vitamin D. Thông gió tốt giúp loại bỏ các chất ô nhiễm trong không khí, giảm nguy cơ mắc các bệnh hô hấp.
Tâm lý cảm thấy ngột ngạt, thiếu kết nối với thiên nhiên dễ gây trầm cảm nhẹ. Nghiên cứu từ Viện Sức khỏe Môi trường Tokyo chỉ ra rằng căn hộ có ít nhất một không gian tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên và cây xanh sẽ giúp cải thiện rõ rệt chỉ số tâm trạng (mood index).
Cách xử lý: không che chắn ban công quá nhiều để ánh sáng tự nhiên có thể chiếu vào, không khí dễ dàng lưu thông. Sử dụng đèn dịu nhẹ vào buổi tối để kéo dài hiệu ứng ánh sáng tự nhiên.

Ban công bị che chắn kín mít sẽ ảnh hưởng đến sự đối lưu không khí
ẢNH: L.Y
Ban công đối diện cửa chính
Theo phong thủy, nếu ban công đối diện trực tiếp với cửa chính, khí sẽ đi thẳng qua nhà mà không lưu lại, gây thất thoát tài lộc và năng lượng tốt.
Về khoa học, khi đồng thời mở cửa chính và cửa ở ban công, luồng khí mạnh sẽ đi dọc theo trục đó. Nếu bên ngoài ô nhiễm, người ngồi trong căn hộ, trên đường đi của gió sẽ “hứng hết”, dễ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe đặc biệt là người già và trẻ nhỏ, nhất là khi trời lạnh.
Cách xử lý: Hầu hết căn hộ chung cư đều có cửa kính nơi ban công. Ta có thể mở rộng hoặc khép bớt cửa để điều chỉnh lượng gió và tốc độ gió vào nhà cho phù hợp. Dùng rèm mỏng nơi cửa ban công để ngăn bớt ánh sáng gắt trực tiếp chiếu vào (cũng như ánh mắt từ ngoài nhìn vào đối với những chung cư xây quá sát nhau) và cũng có tác dụng “làm dịu” dòng khí.

Khi ban công đối diện cửa chính, ta có thể mở rộng hoặc khép bớt cửa để điều chỉnh lượng gió vào nhà cho thích hợp
Ban công biến thành nhà kho, phơi đồ
Theo phong thủy, ban công căn hộ chung cư tiếp xúc trực tiếp với nắng gió nhiều nhất nên (cùng với cửa chính) được xem là nơi thu hút và dẫn khí vào nhà. Thực tế, do nhiều căn hộ nhỏ hẹp nên ban công thường tận dụng để… phơi đồ hoặc làm nhà kho. Đồ phơi, xô chậu, đồ đạc lộn xộn (đặc biệt là đồ cũ, hư hỏng) được coi là mang “âm khí” mạnh, cản trở luồng năng lượng tích cực (sinh khí) vào nhà, làm rối loạn tài lộc, sức khỏe, và hòa khí gia đình. Về khoa học, điều này làm rối thị giác (cluttered view effect). Sự lộn xộn khiến não bộ cảm thấy căng thẳng, khó thư giãn.
Cách xử lý: Không để đồ bừa bãi. Nếu đồ nhiều nên đóng một tủ, kệ nhỏ để xếp đồ gọn gàng. sử dụng giá phơi di động hoặc gấp gọn để giữ ban công thông thoáng. Tận dụng ban công làm “góc tái tạo năng lượng” như ghế ngồi thư giãn cùng vài chậu cây hương liệu như bạc hà, hương thảo…
Nếu biết cách khai thác, ban công không chỉ là chỗ phơi đồ, đây còn có thể là nơi hồi phục cảm xúc, là nơi bạn đứng nhìn mưa, uống một ly trà, hít một hơi nắng sớm… Vậy nên, đừng bỏ quên ban công chung cư, hãy để nơi ấy trở thành “buồng phổi” xanh cho căn hộ và cả tâm hồn bạn.

Ban công để đồ đạc lộn xộn sẽ khiến não bộ cảm thấy căng thẳng

Ban công một chung cư ở TP.HCM được kiến trúc sư Đặng Phan Lạc Việt biến thành một góc thư giãn thú vị
ẢNH: NVCC