Gần đây thông tin Ban quản trị một chung cư ở TPHCM bị xử phạt hành chính tổng cộng gần 120 tỷ đồng, do vi phạm nghiêm trọng về hóa đơn trong quá trình cung cấp dịch vụ quản lý và vận hành tòa nhà, đã thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Theo thông tin ban đầu, trong giai đoạn từ tháng 5/2022 đến tháng 10/2024, Ban quản trị chung cư nêu trên đã thu nhiều loại phí từ các căn hộ nhưng không lập hóa đơn theo quy định.
Cá nhân tôi khi biết thông tin này đã không khỏi giật mình vì số tiền phạt rất lớn, dù tôi cũng đã từng gặp nhiều trường hợp bị phạt vi phạm hành chính về hóa đơn lên đến hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, trước hết cần khẳng định nguyên tắc thượng tôn pháp luật, nghĩa là cả cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức và mọi công dân đều phải tuân thủ pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc làm của mình theo quy định.

Chung cư Conic Đông Nam Á tại huyện Bình Chánh, TPHCM (Ảnh: Conic).
Đối với sự việc nêu trên, chắc chắn mọi người từ các góc độ tiếp cận khác nhau, sẽ có rất nhiều câu hỏi xung quanh đối tượng lập hóa đơn, mức phạt vi phạm hành chính lên đến hơn 100 tỷ đồng, ai là người chịu trách nhiệm và phải nộp phạt… Với tinh thần thượng tôn pháp luật, xin để các băn khoăn này cho cơ quan có thẩm quyền xem xét. Vấn đề cần bàn ở đây là bài học rút ra cho tất cả chúng ta, những người đang hoặc có thể sẽ sinh sống trong các tòa nhà chung cư là gì?
Tôi cũng đang sinh sống ở một tòa chung cư, nếu hoạt động thu tiền của Ban quản trị thuộc trường hợp phải lập hóa đơn, thì hoạt động thu tiền của Tổ dân phố để chi cho các hoạt động chung ở Tổ dân phố cũng thuộc trường hợp phải lập hóa đơn. Có thể nói sự việc liên quan đến tòa chung cư ở TPHCM là một sự báo động rất lớn đối với hoạt động thu, chi quản lý ở chung cư cũng như thu, chi của các Tổ dân phố.
Cũng tiếp cận vấn đề từ góc độ một cư dân, giả sử Ban quản trị chung cư nơi tôi ở có vi phạm về hóa đơn thì ai là người chịu trách nhiệm và phải nộp phạt? Cách hiểu đơn giản nhất là các thành viên của Ban quản trị được cư dân bầu và trả thù lao thì họ phải chịu trách nhiệm và phải nộp tiền phạt. Thông thường, mỗi Ban quản trị chỉ có 3 đến 5 thành viên và số tiền phạt chia ra nếu quá lớn, thực sự sẽ là gánh nặng không có lối thoát cho các thành viên Ban quản trị.
Còn nếu các chủ hộ và cư dân phải chịu trách nhiệm chung về mức phạt này thì rất vô lý, vì họ có phải là đối tượng thực hiện hành vi vi phạm đâu mà phải chịu trách nhiệm, hơn nữa số tiền phạt chia ra hàng trăm triệu hoặc hàng tỷ đồng cho mỗi căn hộ khiến họ có thể sẵn sàng bán nhà và chuyển đi nơi khác. Nếu Ban quản trị lấy Quỹ bảo trì để nộp phạt thì cũng không phù hợp, vì mục đích của Quỹ bảo trì là để thực hiện bảo trì cho tòa chung cư, không phải để nộp phạt vi phạm hành chính.
Trong thực tế lâu nay, chúng ta đều biết rằng nhiều Ban quản trị chung cư được bầu ra bởi cư dân để quản lý vận hành tòa nhà, về nguyên tắc là tổ chức phi lợi nhuận, làm việc kiêm nhiệm, không có chuyên môn sâu về thuế, kế toán; không ít Ban quản trị chưa có tư cách pháp nhân, không có mã số thuế, dẫn đến khó khăn trong việc phát hành hóa đơn và tuân thủ các quy định về thuế.
Thực tế này một mặt là yếu tố khách quan nên được tính đến trên tinh thần “hợp lý, hợp tình” khi xem xét trách nhiệm của một Ban quản trị chung cư nào đó, mặt khác là vấn đề mà các Ban quản trị chung cư cần coi là bài học để bổ sung kiến thức, làm đúng quy định pháp luật trong các phần việc vận hành tòa nhà. Ở góc độ nào đó thì Ban quản trị chung cư cần tự đặt mình vào tâm thế hoạt động chuyên nghiệp như… Hội đồng quản trị của một công ty.
Cần lưu ý rằng Luật Nhà ở hiện hành đã dành một điều để quy định về trách nhiệm của Ban quản trị nhà chung cư, như: đăng ký con dấu, tài khoản hoạt động của Ban quản trị, rồi tài khoản để quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì… Việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phải thực hiện theo quy chế thu, chi tài chính do hội nghị nhà chung cư quyết định.
Ở các đô thị ngày nay, Ban quản trị nhà chung cư giữ vai trò quan trọng trong việc đại diện cư dân thực hiện các thủ tục pháp lý với chủ đầu tư và chính quyền, đảm bảo quyền lợi tập thể trong quá trình vận hành tòa nhà. Từ giám sát hệ thống phòng cháy chữa cháy, thang máy, điện nước đến các hoạt động bảo trì, Ban quản trị đóng vai trò như một “người gác cổng” giúp duy trì sự an toàn và ổn định kỹ thuật của không gian sống chung.
Không chỉ giới hạn ở công việc kỹ thuật, Ban quản trị còn góp phần quan trọng trong việc kết nối cộng đồng cư dân, xây dựng đời sống chung cư văn minh, hạn chế mâu thuẫn và nâng cao chất lượng sống.
Tuy nhiên, hoạt động của Ban quản trị hiện nay vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Thứ nhất, như đã phân tích, nhiều thành viên Ban quản trị còn thiếu kiến thức chuyên môn về pháp luật, tài chính và kỹ thuật tòa nhà – những yếu tố cốt lõi để đảm bảo quản lý hiệu quả. Thứ hai, sự thờ ơ của một bộ phận cư dân – từ việc không tham gia bầu cử đến không giám sát hoạt động của Ban quản trị – đang làm suy yếu cơ chế tự quản vốn được kỳ vọng là nền tảng cho mô hình chung cư hiện đại.
Để khắc phục các vấn đề trên, cần triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu về pháp lý và nghiệp vụ cho các thành viên Ban quản trị; đồng thời đẩy mạnh truyền thông nội bộ nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cư dân. Việc áp dụng công nghệ vào quản lý tòa nhà, công khai số liệu thu chi trực tuyến, cùng với xây dựng quy chế hoạt động minh bạch và cơ chế giám sát độc lập sẽ giúp nâng cao hiệu quả vận hành.
Trong tổng thể cấu trúc đô thị hiện đại, Ban quản trị nhà chung cư không chỉ là thiết chế tự quản dân chủ, phi lợi nhuận mà còn là tổ chức góp phần bảo vệ lợi ích cộng đồng, thúc đẩy minh bạch tài chính và hướng tới một môi trường sống văn minh, bền vững.
Tác giả: Anh Nguyễn Mạnh Hà là Giám đốc tư vấn thuế, hiện công tác tại một công ty tư vấn kiểm toán hàng đầu ở Việt Nam, anh có trên 20 năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực kiểm toán, kế toán và tư vấn thuế. Anh có chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục thuế từ năm 2010 và là hội viên kỳ cựu của Hiệp hội kế toán công chứng Anh Quốc (ACCA).
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!