
Đồng chí Phan Xuân Thủy – Phó trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương (giữa) chủ trì tọa đàm
ẢNH: H.M
Nghị quyết 68 cần được truyền tải chính xác, dễ hiểu và thuyết phục
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Phan Xuân Thủy – Phó trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, cho biết: Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66- NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị tổ chức ngày 18.5 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, 4 nghị quyết mà Bộ Chính trị vừa ban hành (gồm Nghị quyết số 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết số 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân) là “Bộ tứ trụ cột” tạo động lực mạnh mẽ đưa đất nước ta tiến lên trong kỷ nguyên mới, hiện thực hóa tầm nhìn Việt Nam phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Riêng Nghị quyết 68, tinh thần của Nghị quyết đã thể hiện rõ, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Tinh thần này cần được phân tích, lan tỏa từ các cơ chế, chính sách khuyến khích đổi mới, sáng tạo, tăng cường năng lực cạnh tranh, bảo đảm sự phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao của kinh tế tư nhân; đồng thời cổ vũ tinh thần, khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng trong đội ngũ doanh nhân, người lao động.
Bên cạnh đó, kịp thời biểu dương và nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả; kiên quyết phê phán những biểu hiện trì trệ, né tránh trách nhiệm, thiếu đổi mới, gây nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; tích cực đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc, kích động, gây chia rẽ, chệch hướng nhận thức, suy giảm niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước.
Trong bối cảnh đó, các cơ quan báo chí đóng vị trí, vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến sâu rộng tinh thần và nội dung của Nghị quyết 68, góp phần đưa Nghị quyết 68 nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Theo ông Phan Xuân Thủy, Nghị quyết 68 đề cập nhiều nội dung mới mẻ về quan điểm, mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế tư nhân. Vì vậy, báo chí cần thông tin một cách chính xác, dễ hiểu và thuyết phục để mọi tầng lớp người dân, đặc biệt là đội ngũ doanh nhân, tiếp cận được một cách rõ ràng và đầy đủ.
Thực tế triển khai Nghị quyết 68 chắc chắn sẽ nảy sinh những vấn đề mới, những vướng mắc trong cơ chế, chính sách, hoặc trong tổ chức thực hiện ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Báo chí cần mạnh dạn phản ánh những bất cập, đề xuất những sáng kiến, giải pháp để góp phần hoàn thiện chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh, thực hiện rõ chức năng, nhiệm vụ của báo chí cách mạng Việt Nam là thực hiện vai trò “cầu nối” giữa chính sách và cuộc sống, giữa Nhà nước và người dân – doanh nghiệp, giữa ý Đảng và lòng dân.
“Để báo chí phát huy tốt các vai trò trong tuyên truyền, phổ biến, góp phần nhanh chóng đưa Nghị quyết 68 vào cuộc sống. Tôi đề nghị, các ý kiến, tham luận tại buổi tọa đàm hôm nay cần tập trung vào 5 nội dung trọng tâm: Thứ nhất, làm sao để báo chí tạo được sự quan tâm rộng rãi trong xã hội đối với Nghị quyết 68, từ đó nâng cao nhận thức về vai trò của kinh tế tư nhân. Thứ hai, báo chí cần đổi mới hình thức, nội dung như thế nào để các chủ trương, chính sách kinh tế vừa đúng định hướng chính luận, vừa hấp dẫn, dễ tiếp cận. Thứ ba, làm thế nào để phát huy vai trò phản biện xã hội của báo chí trong phát hiện, kiến nghị tháo gỡ những điểm nghẽn chính sách. Thứ tư, mô hình phối hợp hiệu quả giữa báo chí với các bộ, ngành, địa phương trong tuyên truyền và giám sát thực hiện nghị quyết là gì? Có kinh nghiệm nào nên nhân rộng? Thứ năm, nhu cầu thông tin, tuyên truyền, quảng bá của các doanh nghiệp để báo chí sẵn sàng hỗ trợ…” – Phó trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, gợi mở.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn – Tổng biên tập Báo Thanh Niên phát biểu tại tọa đàm
Báo chí góp phần đưa Nghị quyết 68 lan tỏa nhanh, mạnh
Phát biểu tại tọa đàm, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn – Tổng biên tập Báo Thanh Niên khẳng định: Trong hệ sinh thái kinh tế thị trường hiện đại, báo chí đã trở thành một cấu phần không thể thiếu, nếu không muốn nói là rất quan trọng. Một chính sách đúng đắn nhưng không được chuyển tải rõ ràng, có thể dẫn tới hiểu sai, dẫn tới thực thi sai, có thể gây ra những hệ quả khó lường.
Nhận thức rõ điều đó, không chỉ Báo Thanh Niên mà tất cả các cơ quan báo chí thời gian qua đã và vẫn đang tiếp tục chuyển tải nội dung, thông điệp cũng như tinh thần Nghị quyết 68 bằng nhiều phương tiện khác nhau. Nhờ thế, Nghị quyết 68 dù được soạn thảo, thông qua và triển khai trong thời gian rất ngắn nhưng hiệu ứng với xã hội, với thị trường và với cộng đồng doanh nghiệp rất lớn, rất nhanh, rất mạnh mẽ; góp phần tạo nên một bầu không khí hứng khởi, lạc quan và tự tin trong cộng đồng doanh nghiệp cũng như trong xã hội.
Đi vào từng vấn đề cụ thể trong việc tuyên truyền Nghị quyết 68, Tổng biên tập Báo Thanh Niên khẳng định, không chỉ tuyên truyền, báo chí tham gia ngay từ quá trình định hình chính sách. Thời điểm đầu tháng 3, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân – Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”, trong đó yêu cầu xây dựng một nghị quyết mới nhằm khuyến khích, hỗ trợ và định hướng sự phát triển của kinh tế tư nhân; tạo ra động lực đột phá, mở ra kỷ nguyên vươn mình của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.
Ngay sau đó, Báo Thanh Niên đã triển khai loạt 7 bài “Tháo chốt để kinh tế tư nhân bứt phá” ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, doanh nhân, chuyên gia ở khắp các lĩnh vực, ngành nghề trên thị trường; từ các tập đoàn lớn cho tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ. Bởi tiếng nói của họ chính là thực tiễn sinh động và xác thực nhất về những rào cản đang kìm hãm khối doanh nghiệp tư nhân phát huy nội lực của mình suốt nhiều thập kỷ qua. Loạt bài này, Báo Thanh Niên thực hiện với mong muốn góp thêm những kiến nghị, đề xuất trong bối cảnh Chính phủ đang xây dựng đề án phát triển kinh tế tư nhân để Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, giàu có và thịnh vượng.
“Đó là loạt bài đầu tiên về kinh tế tư nhân do cơ quan báo chí thực hiện và tôi tin rằng Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan soạn thảo dự thảo Nghị quyết khi đọc loạt bài của Báo Thanh Niên cũng ít nhiều nhìn thấy một bức tranh tổng thể về thực tiễn hoạt động kinh doanh, môi trường đầu tư, những trăn trở của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân” – nhà báo Ngọc Toàn nói.

Tọa đàm ghi nhận nhiều kinh nghiệm, sáng kiến của lãnh đạo các cơ quan báo chí trong quá trình tuyên truyền Nghị quyết 68 về kinh tế tư nhân cũng như “bộ tứ trụ cột”
Trong suốt quá trình soạn thảo dự thảo Nghị quyết sau đó, bên cạnh việc đưa tin đầy đủ, chính xác, Báo Thanh Niên tiếp tục thực hiện các bài viết chuyển tải ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp đến Chính phủ và cơ quan soạn thảo.
Cùng ngày Nghị quyết 68 được ban hành, Báo Thanh Niên tiếp tục thực hiện loạt 7 bài “Nghị quyết tạo niềm tin, sự hứng khởi cho kinh tế tư nhân”. Loạt bài phân tích cụ thể những giải pháp đột phá, chưa từng có trước đây trong Nghị quyết 68 để khu vực kinh tế tư nhân có thể bứt phá. Từ đó, truyền sự hứng khởi, lạc quan đến cộng đồng doanh nghiệp, khơi dậy khát vọng cống hiến, khát vọng làm giàu trong mọi tầng lớp nhân dân.
Không dừng ở đó, để tăng tương tác giữa chính sách và đối tượng thụ hưởng là cộng đồng doanh nghiệp, báo chí tiếp tục đóng vai trò thúc đẩy sự tương tác giữa chính sách với thị trường. Nghị quyết 68 lần đầu tiên khẳng định khu vực kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng hàng đầu của nền kinh tế. Ngay sau đó, Nghị quyết 198 được Quốc hội ban hành để thể chế hóa các chủ trương lớn, tạo hành lang pháp lý ổn định và cởi mở cho khu vực kinh tế này phát triển. Tuy nhiên, giữa chính sách và thực tiễn luôn tồn tại một khoảng cách – và để lấp đầy khoảng cách đó, không có công cụ nào hiệu quả hơn báo chí chính thống.
Song song với việc tuyên truyền Nghị quyết 68, báo cũng ghi nhận các ý kiến đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp về các giải pháp để Nghị quyết đi vào đời sống thị trường, đi vào thực tiễn hoạt động được nhanh hơn, thực chất hơn; tránh tình trạng “trên rải thảm, dưới rải đinh”. Mới nhất, cách đây 10 ngày (30.5), Báo Thanh Niên đã tổ chức hội thảo “Xây dựng nền kinh tế tự lực, tự cường” đặt trong bối cảnh Nghị quyết 68 về kinh tế tư nhân mới được ban hành. Tại hội thảo, có hơn 100 người tham dự, các đại biểu đã phân tích rất kỹ, rất xác đáng các cơ chế trong Nghị quyết 68 để tháo các nút thắt về tiếp cận vốn, tiếp cận tài nguyên, tiếp cận các cơ hội tham gia thị trường của khối kinh tế tư nhân…
“Với tính chất đặc thù – vừa có khả năng tiếp cận thực tiễn, vừa có nền tảng chuyên môn và có công cụ đa phương tiện, báo chí không chỉ thực hiện nhiệm vụ đưa tin đơn thuần mà còn tham gia từ quá trình định hình chính sách, phản biện những điểm nghẽn thể chế và phản ứng nhanh với những bất cập phát sinh từ quá trình áp dụng luật pháp vào đời sống. Từ đó, góp phần thúc đẩy đưa chính sách vào cuộc sống, vừa là nơi ghi nhận, sàng lọc, chuyển tải tiếng nói của người dân, doanh nghiệp, chuyên gia một cách đúng đắn và có trách nhiệm nhất” – nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các lãnh đạo của hơn 10 cơ quan thông tấn, báo chí đã trình bày tham luận về nhiều nội dung, đề xuất các phương thức, chia sẻ những kinh nghiệm, sáng kiến nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả tuyên truyền Nghị quyết 68 về kinh tế tư nhân cũng như “bộ tứ trụ cột” để giúp Việt Nam cất cánh.
Phát biểu kết luận Tọa đàm, ông Huỳnh Thành Đạt – Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, đánh giá rất cao chất lượng của các bài tham luận cùng phần ý kiến mà lãnh đạo các cơ quan thông tấn báo chí đã trao đổi tại buổi Tọa đàm. Thời gian qua, các cơ quan báo chí đã góp công lớn trong việc khơi dậy sự quan tâm của xã hội đối với Nghị quyết 68. Các tham luận thống nhất: muốn Nghị quyết thấm vào đời sống cần ngôn ngữ giản dị, hình thức đa dạng, nội dung gần gũi. Báo chí phải chuyển hóa các chính sách khô khan thành câu chuyện về cơ hội để các doanh nhân, nhà đầu tư, người lao động thuộc nhiều tầng lớp dễ dàng tiếp nhận. Báo chí đóng 4 vai trò trong việc tuyên truyền triển khai Nghị quyết 68: Một là tuyên truyền Nghị quyết; Hai là nêu gương việc làm hay, cách làm tốt; Thứ 3 là đồng hành, giám sát việc thực hiện Nghị quyết; Thứ 4 là phản biển, hiến kế, tham gia xây dựng cơ chế chính sách.
“Nghị quyết 68 là Nghị quyết của Đảng, song, để triển khai thành công cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Trong quá trình đó, báo chí và cơ quan quản lý nhà nước phải song hành, liên kết, xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan báo chí với các ban, ngành, địa phương, đảm bảo các thông tin được chuyền tải đầy đủ, chính sách tinh thần của Nghị quyết…” – ông Huỳnh Thành Đạt lưu ý.
Báo Thanh Niên luôn ‘rộng cửa’ chào đón các sinh viên ngành báo chí
Bày tỏ ấn tượng với phần phát biểu của lãnh đạo Báo Thanh Niên, tại tọa đàm, sinh viên Nguyễn Lâm Phương Thanh (sinh viên năm nhất thuộc Khoa Báo chí – Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) đã đặt câu hỏi riêng cho nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, mong được chia sẻ những kinh nghiệm để có thể trở thành một nhà báo giỏi trong tương lai. Trước sự quan tâm của một bạn sinh viên trẻ, Tổng biên tập Báo Thanh Niên gởi gắm: “Là sinh viên năm nhất, các em còn rất nhiều thời gian và kinh nghiệm để học hỏi kiến thức, kỹ năng từ các “cây báo” gạo cội thuộc khoa, từ đó lĩnh hội thêm kiến thức, trau dồi kinh nghiệm. Báo Thanh Niên luôn sẵn lòng đón các em sinh viên về thực tập, kiến tập, trở thành phóng viên tốt của Báo Thanh Niên trong tương lai.