Bão thuế quan ập tới, thị trường tiền số sắp sóng gió ra sao?

Bão thuế quan ập tới, thị trường tiền số sắp sóng gió ra sao?

bởi

trong

Cuộc chiến thương mại và các hàng rào thuế quan tưởng chừng là câu chuyện của hàng hóa hữu hình, nhưng dư chấn của nó đang lan tỏa mạnh mẽ đến thế giới tài sản số. Giá tiền mã hóa gần đây liên tục biến động và có xu hướng giảm trên diện rộng, phần lớn xuất phát từ những bất ổn xung quanh chính sách thuế quan toàn cầu.

Vậy, những yếu tố nào từ “cuộc chiến” này có thể tác động sâu sắc nhất đến thị trường crypto vào năm nay?

Tâm lý mong manh: Khi nỗi sợ bao trùm, altcoin “mất mùa”

Yếu tố dễ nhận thấy nhất chính là tâm lý nhà đầu tư. Chỉ số Sợ hãi & Tham lam (Crypto Fear & Greed Index) hiện ở mức 29/100, một “con số biết nói” cho thấy sự e dè đang bao phủ thị trường. Chỉ số này thậm chí trước đó đã rơi xuống dưới ngưỡng 20 trùng khớp với những lo ngại leo thang về thuế quan.

Trong bối cảnh bất an đó, khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư sụt giảm nghiêm trọng. Các đồng meme coin mang tính đầu cơ cao hay những altcoin (khái niệm dành cho những đồng tiền điện tử thay thế cho bitcoin) tiềm ẩn nhiều biến động không còn là lựa chọn hấp dẫn. Điều này đặt ra một dấu hỏi lớn cho “mùa altcoin” (altcoin season) – giai đoạn bùng nổ thường thấy của các đồng tiền mã hóa ngoài bitcoin.

Lịch sử cho thấy, ethereum (ETH) thường là “đầu tàu” kéo “mùa altcoin”. Thế nhưng, với việc ETH đã mất tới 53% giá trị từ đầu năm và giảm 16% chỉ trong 30 ngày qua, thật khó để kỳ vọng vào một kịch bản tăng trưởng mạnh mẽ cho các altcoin khác.

Thay vào đó, dòng tiền có xu hướng tìm đến nơi trú ẩn an toàn hơn, và bitcoin (BTC) – với biệt danh “vàng kỹ thuật số” – đang nổi lên như một lựa chọn ưu tiên, dù tính chất lưu trữ giá trị dài hạn của nó vẫn còn gây tranh cãi. Rõ ràng, trong cơn bão thuế quan, Bitcoin đang tỏ ra vững vàng hơn các đối thủ.

Bão thuế quan ập tới, thị trường tiền số sắp sóng gió ra sao?

Giá tiền mã hóa gần đây liên tục biến động và có xu hướng giảm trên diện rộng, phần lớn xuất phát từ những bất ổn xung quanh chính sách thuế quan toàn cầu (Ảnh: Getty).

Định giá crypto nhạy cảm hơn với vĩ mô: Thời kỳ “miễn nhiễm” đã qua

Cách nhà đầu tư nhìn nhận và định giá tiền mã hóa cũng đang thay đổi. Nếu như trong các chu kỳ tăng trưởng trước đây, họ tập trung vào tăng trưởng người dùng, khối lượng giao dịch hay cải tiến công nghệ, thì nay, các yếu tố vĩ mô lại chiếm vị trí trung tâm.

Chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ (đặc biệt là động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ – Fed) và các dữ liệu kinh tế vĩ mô như lạm phát đang được giới đầu tư crypto theo dõi sát sao hơn bao giờ hết. Việc Fed cắt giảm lãi suất, chẳng hạn, luôn được xem là tín hiệu cực kỳ tích cực.

Trước đây, crypto thường được coi là một loại tài sản độc lập, ít tương quan với thị trường tài chính truyền thống. Những biến động ở Phố Wall hay Washington dường như không ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, sự ra đời của các quỹ hoán đổi danh mục bitcoin giao ngay (spot bitcoin ETFs) vào tháng 1/2024 đã thay đổi hoàn toàn cuộc chơi.

Giờ đây, nhà đầu tư tổ chức và cá nhân từng mua cổ phiếu công nghệ cũng dễ dàng tiếp cận bitcoin qua các quỹ ETF. Họ theo dõi cùng một bộ dữ liệu kinh tế, dẫn đến sự tương quan ngày càng chặt chẽ giữa crypto và cổ phiếu công nghệ. Trong phần lớn năm 2024 và dự báo cho 2025, bitcoin đang hành xử giống như một cổ phiếu công nghệ đắt đỏ và đầy biến động.

Crypto trở thành “quân bài” chiến lược của các chính phủ?

Khi căng thẳng thương mại leo thang, xuất khẩu đình trệ và tăng trưởng kinh tế chậm lại, các chính phủ có thể buộc phải tìm đến những giải pháp phi truyền thống. Tiền mã hóa, với những đặc tính độc đáo, hoàn toàn có thể trở thành một công cụ chiến lược.

Ví dụ điển hình là đề xuất về việc thành lập “Dự trữ bitcoin chiến lược” của Mỹ dưới thời chính quyền ông Trump vào tháng 3. Quan điểm này xem bitcoin như một tài sản chiến lược quốc gia, tương tự vàng hay dầu mỏ, cần được tích trữ. Thậm chí, một số nhà lập pháp còn đưa ra kịch bản táo bạo, là sử dụng kho dự trữ bitcoin này để góp phần trả khoản nợ công khổng lồ lên tới 37.000 tỷ USD của Mỹ.

Không chỉ bitcoin, stablecoin (các đồng tiền mã hóa được neo giá trị vào tiền pháp định như USD) cũng đang được cân nhắc cho các mục tiêu chính sách tiền tệ. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đã công khai đề cập đến khả năng này.

Do stablecoin thường được bảo chứng bằng tiền mặt hoặc trái phiếu chính phủ Mỹ ngắn hạn, chúng tạo ra một cầu nối mới giữa thị trường trái phiếu và thị trường crypto. Có ý kiến cho rằng việc sử dụng stablecoin một cách chiến lược có thể giúp hạ nhiệt lợi suất trái phiếu chính phủ, qua đó giảm gánh nặng chi phí lãi vay cho quốc gia.

Mặc dù thuế quan không đánh trực tiếp vào giao dịch tiền mã hóa, nhưng những tác động gián tiếp thông qua tâm lý thị trường, sự liên kết vĩ mô ngày càng tăng và khả năng trở thành công cụ chính sách của chính phủ là không thể xem nhẹ.

Nhà đầu tư tiền mã hóa cần hết sức thận trọng và theo dõi chặt chẽ các diễn biến kinh tế – chính trị toàn cầu trong năm 2025, bởi “bóng ma” thuế quan hoàn toàn có thể tạo ra những cơn địa chấn bất ngờ trên thị trường tài sản số.