Bất chấp quan điểm ‘hoàn toàn đối lập’, Nga ủng hộ đàm phán ngừng bắn với Ukraine

Bất chấp quan điểm ‘hoàn toàn đối lập’, Nga ủng hộ đàm phán ngừng bắn với Ukraine

bởi

trong
Bất chấp quan điểm ‘hoàn toàn đối lập’, Nga ủng hộ đàm phán ngừng bắn với Ukraine

Xung đột Nga – Ukraine đã kéo dài đến năm thứ ba và vẫn chưa cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt – Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin Reuters ngày 21-7, Điện Kremlin tuyên bố ủng hộ việc tổ chức một vòng đàm phán hòa bình mới với Ukraine, nhưng nhấn mạnh lập trường giữa hai bên hiện “hoàn toàn đối lập”, khiến tiến trình này còn nhiều trở ngại và đòi hỏi nỗ lực ngoại giao lớn để thu hẹp khác biệt.

Tuyên bố được đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cuối tuần qua xác nhận Kiev đã gửi đề xuất chính thức tới Matxcơva, về việc tổ chức vòng đàm phán mới trong tuần này.

Ông Zelensky cũng cho biết Ukraine muốn thúc đẩy nhanh tiến trình nhằm đạt được lệnh ngừng bắn.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói Matxcơva đang phối hợp xác định thời điểm cụ thể cho cuộc đàm phán tiếp theo.

“Ngay khi có thống nhất về thời gian, chúng tôi sẽ thông báo ngay”, ông cho biết.

Ông Peskov cho hay hai bên đã trao đổi dự thảo thỏa thuận, nhưng nội dung vẫn còn nhiều khác biệt sâu sắc.

“Chúng tôi cần tiếp tục trao đổi quan điểm và đàm phán về hai bản dự thảo hiện còn hoàn toàn đối lập. Phía trước vẫn còn rất nhiều việc ngoại giao phải làm”, ông Peskov nói.

Ngày 18-7, Tổng thống Zelensky kêu gọi Nga tiến hành đàm phán ngay trong tuần. Phía Nga tuyên bố sẵn sàng tham gia, nhưng chưa thống nhất thời gian cụ thể.

Trước đó, hai bên đã có hai vòng đàm phán tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 16-5 và 2-6. 

Các kết quả đạt được chủ yếu xoay quanh việc trao đổi hàng ngàn tù binh và thi thể binh sĩ, nhưng không tạo ra đột phá nào về lệnh ngừng bắn hay giải pháp kết thúc cuộc chiến đã kéo dài gần ba năm rưỡi.

Dù cả hai phía đều thể hiện thiện chí nối lại đàm phán, nhiều nhà quan sát cho rằng khả năng đạt được thỏa thuận toàn diện vẫn rất mong manh, nếu không có những nhượng bộ thực chất từ cả hai bên.

Tháng trước, Nga yêu cầu quân đội Ukraine rút khỏi bốn vùng lãnh thổ mà Matxcơva tuyên bố sáp nhập từ tháng 9-2022, dù hiện chưa kiểm soát hoàn toàn các khu vực này, để đổi lấy lệnh ngừng bắn. Ngoài ra, Nga cũng đề nghị Ukraine chấm dứt mọi hình thức nhận viện trợ quân sự từ phương Tây.

Kiev đã bác bỏ các yêu cầu này, coi đó là tối hậu thư không thể chấp nhận, đồng thời bày tỏ hoài nghi về triển vọng đàm phán nếu Matxcơva không thể hiện thiện chí nhượng bộ.

Ukraine tiếp tục kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, đồng thời yêu cầu Nga tôn trọng mong muốn gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU).