Khánh HòaBên cạnh mũi nhọn du lịch, bất động sản Nam Khánh Hòa sẽ hưởng lợi từ dự án đường sắt tốc độ cao và năng lượng sạch với điện mặt trời, điện gió, LNG.
Sau sáp nhập với Khánh Hòa, Ninh Thuận cũ, nay là Nam Khánh Hòa định hướng trở thành cực tăng trưởng mới, gắn với thương hiệu du lịch Nha Trang – Khánh Hòa. Dưới đây, ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam, chuyên nghiên cứu về đầu tư công, phát triển cơ sở hạ tầng và năng lượng, chia sẻ cơ hội, thách thức của Nam Khánh Hòa trong bối cảnh mới.
– Cơ hội phát triển của Nam Khánh Hòa thế nào sau sáp nhập, thưa ông?
– Sáp nhập giúp Nam Khánh Hòa nâng tầm hình ảnh và thu hút đầu tư, hướng đến trở thành cực phát triển mới về du lịch – dịch vụ – đô thị. Đây cũng là cơ hội để tạo nên trục du lịch biển xuyên suốt từ Nha Trang, Cam Ranh xuống Nam Khánh Hòa, giúp kéo dài thời gian lưu trú và tăng tiêu dùng du lịch tại chỗ.
Song song đó, sự đồng bộ về quy hoạch cũng sẽ thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị kinh tế ven biển, từ khai thác hải sản, logistics, đến thương mại – dịch vụ và đô thị hóa. Địa phương thừa hưởng hệ thống hạ tầng của vùng lõi Khánh Hòa như sân bay quốc tế Cam Ranh, cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo – Dầu Giây, cảng biển nước sâu Vân Phong, đường ven biển DT702 kết nối Ninh Chữ – Bình Tiên – Vĩnh Hy, tạo thế mở cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng, đô thị biển và logistics.

Một góc thành phố Phan Rang cũ về đêm. Ảnh: An Housing
– Hạ tầng của khu vực này có những thay đổi gì đáng chú ý?
– Việc sáp nhập tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển hạ tầng giao thông cả nội tỉnh, liên vùng và trên trục Bắc – Nam. Trong đó, đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam được xem là động lực chính, đặc biệt đoạn Nha Trang – TP HCM được dự báo có lưu lượng hành khách lớn nhất và thường được ưu tiên đầu tư sớm. Tuyến này đi qua Nam Khánh Hòa, chủ yếu phục vụ vận tải hành khách. Hai ga dừng quan trọng tại Nam Khánh Hòa là Diên Khánh (cách trung tâm Nha Trang 11 km) và Tháp Chàm (thuộc TP Phan Rang cũ). Khi hoàn thành, hành trình TP HCM – Tháp Chàm sẽ chỉ mất khoảng 1,5 giờ, góp phần thúc đẩy du lịch và liên kết vùng.
Hệ thống đường bộ cũng đang hoàn thiện với tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông dự kiến thông suốt vào cuối năm. Tuyến đường ven biển Cam Ranh – Nha Trang – Vân Phong mở ra tiềm năng cho du lịch và bất động sản ven biển.
Về hàng không, sân bay quốc tế Cam Ranh tiếp tục được nâng cấp, đóng vai trò là cửa ngõ chiến lược kết nối Nam Khánh Hòa với các đô thị lớn và thị trường quốc tế, thúc đẩy du lịch, thương mại và đầu tư.
– Bên cạnh du lịch, Nam Khánh Hòa còn tiềm năng phát triển những ngành nào?
– Việc kết nối giao thông và cơ sở hạ tầng tốt hơn giúp tăng tính hấp dẫn của địa phương về lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo. Nhiều dự án khu công nghiệp trước đây có tính khả thi thấp sẽ được cải thiện. Ngoài ra, Nam Khánh Hòa còn có tiềm năng trở thành trung tâm năng lượng quốc gia, với các dự án điện mặt trời, điện gió, LNG.
Đặc biệt, hai dự án điện hạt nhân có tổng vốn lên đến 22 tỷ USD dự kiến khởi động lại từ năm 2026, nhà máy Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 sẽ có tổng công suất khoảng 4.000 MW và cần tới hơn 4.000 kỹ sư, chuyên gia, lao động kỹ thuật cao, trong đó 670 người được đào tạo ở nước ngoài. Sau khi đi vào hoạt động, hai nhà máy này sẽ mang lại nguồn thu ngân sách lớn.

Ông Nguyễn Xuân Thành nhận định Nam Khánh Hòa hưởng lợi từ sáp nhập, hạ tầng và năng lượng. Ảnh: NVCC
– Địa phương này cần làm gì để phát huy lợi thế năng lượng sạch, tránh phụ thuộc đơn chiều và đảm bảo phát triển bền vững?
– Các dự án quy mô lớn như điện hạt nhân mang lại tác động tích cực ngay từ giai đoạn giải ngân và xây dựng, không chỉ tạo việc làm trực tiếp mà còn thúc đẩy chuỗi cung ứng và dịch vụ địa phương. Dù phần lớn chi phí đầu tư là nhập khẩu máy móc, hoạt động xây dựng vẫn chiếm tỷ trọng cao, góp phần lan tỏa kinh tế trong vùng – tương tự trường hợp Dung Quất (Quảng Ngãi) hay Formosa (Hà Tĩnh).
Quá trình triển khai sẽ thu hút chuyên gia trong và ngoài nước, kéo theo nhu cầu lớn về lưu trú, y tế, giáo dục và dịch vụ, qua đó thúc đẩy đô thị hóa. Doanh nghiệp nhỏ và vừa tại miền Trung, đặc biệt ở các tỉnh như Bình Thuận, Quảng Ngãi, Phú Yên, cũng có cơ hội tham gia xây dựng và cung ứng, mở rộng lợi ích kinh tế trong vùng.
Ngoài ra, việc đầu tư nhà máy còn góp phần hoàn thiện hạ tầng kết nối, thu hút lao động từ nơi khác đến làm việc và sinh sống lâu dài. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả toàn diện, cần chiến lược truyền thông rõ ràng nhằm định vị hình ảnh trung tâm năng lượng sạch, hiện đại và an toàn, tăng độ tin cậy với cộng đồng và nhà đầu tư.
Song song đó, đại phương cần phát triển đa ngành như du lịch, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp chế biến, nhằm xây dựng nền kinh tế đa dạng và đảm bảo tăng trưởng trong dài hạn.
– Ngành nào sẽ cùng hưởng lợi trong hệ sinh thái phát triển xoay quanh năng lượng sạch và điện hạt nhân tại Nam Khánh Hòa?
– Thúc đẩy logistics sẽ là tiềm năng và hướng đi quan trọng với Nam Khánh Hòa. Tuy nhiên, thách thức là cần xác định vị trí phù hợp cho trung tâm logistics và các hoạt động liên quan giữa Nam Khánh Hòa Nha Trang, Vân Phong, Cam Ranh. Điều này đòi hỏi tỉnh phải rà soát quy hoạch và xác lập thứ tự ưu tiên rõ ràng, tránh đầu tư dàn trải.

Việc kết nối giao thông và cơ sở hạ tầng tốt hơn giúp Nam Khánh Hòa thêm thu hút. Ảnh: An Housing
– Địa phương cần tập trung vào những yếu tố nào để trở thành vùng kinh tế đa dạng và bền vững?
– Du lịch vẫn là ngành mũi nhọn nhờ lợi thế tự nhiên sẵn có và khả năng tạo việc làm cao. Hạ tầng giao thông đa phương thức gồm đường bộ, hàng không và đường sắt đóng giúp mở rộng cả thị trường nội địa lẫn quốc tế. Mỗi triệu lượt khách quốc tế, có thể tạo ra tới 50.000 việc làm, kéo theo sự phát triển đô thị, dịch vụ và bất động sản.
Việc tái khởi động các dự án năng lượng lớn cũng sẽ thu hút hàng nghìn kỹ sư và chuyên gia đến sinh sống và làm việc lâu dài, tạo nhu cầu lớn về nhà ở và dịch vụ. Ngoài ra, địa phương nên thu hút đầu tư vào các ngành sản xuất thâm dụng lao động như mô hình khu công nghiệp VSIP tại Quảng Ngãi để đa dạng hóa nền kinh tế, đồng thời tạo nền tảng cho đô thị hóa dựa trên nhu cầu cư trú và làm việc của người dân.
Trong quá trình này, Nam Khánh Hòa cần cân đối giữa phát triển hạ tầng, kiểm soát tác động của các siêu dự án và định hướng bất động sản theo nhu cầu thực, tránh tình trạng đầu cơ để bảo đảm tăng trưởng bền vững.
Song Anh