Bật khóc nhớ về kỷ niệm cùng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương

Bật khóc nhớ về kỷ niệm cùng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương

bởi

trong

Sáng 24.5, trong cơn mưa tầm tã của Hà Nội, GS-TSKH Phan Trường Thị (91 tuổi, nguyên Phó hiệu trưởng Trường đại học Tổng hợp Hà Nội) cùng đồng nghiệp hòa vào dòng người đến Nhà tang lễ Quốc gia thắp nén nhang, tiễn biệt người bạn.

Tại nhà tang lễ, ông Thị xúc động, xót thương trước sự ra đi của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương.

Bật khóc nhớ về kỷ niệm cùng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương

GS-TSKH Phan Trường Thị xúc động khi tiễn biệt nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương

ẢNH: ĐÌNH HUY

Bồi hồi nhớ lại khoảng thời gian khi nghiên cứu địa chất cùng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, ông Thị đánh giá, tuổi trẻ của nguyên Chủ tịch nước gắn liền với sự trưởng thành của ngành địa chất. Vì vậy, khi ở vai trò là Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất, ông rất lắng nghe và đáp ứng mọi yêu cầu của đồng nghiệp.

“Một lần, tôi phát hiện một mỏ phóng xạ ở Quảng Nam nên đã gọi điện thoại cho anh Lương đề nghị anh hỗ trợ máy bay đến đó để xác định. Sau đó, đề nghị của tôi được chấp thuận, máy bay đã đến Quảng Nam để thăm dò và phát hiện ra mỏ uranium lớn nhất Việt Nam”, ông Thị xúc động.

Một lần khác, trong chuyến đi khảo sát ở Biển Đông, tàu thủy của ông Thị bỗng nhiên bị hỏng máy khiến công việc gián đoạn. Sau đó, nhờ sự hỗ trợ, hướng dẫn quy trình của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương (khi đó là Phó thủ tướng Chính phủ), chiếc tàu thủy được đưa sang Pháp sửa và đưa về Việt Nam trong thời gian ngắn nhất, giúp chuyến công tác nghiên cứu của ông Thị diễn ra thuận lợi.

Đồng nghiệp bật khóc nhớ về kỷ niệm cùng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương - Ảnh 2.

Người dân xếp hàng chờ vào viếng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương

ẢNH: ĐINH HUY

GS-TSKH Phan Trường Thị tiết lộ, đó là những kỷ niệm sâu sắc nhất giữa ông – một nhà khoa học, và nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương với vai trò là nhà quản lý.

Trong cuộc đời nghiên cứu của mình, ông Thị rất nể phục tài năng của nguyên Chủ tịch nước, đặc biệt là vai trò của ông đối với ngành địa chất. Sự đóng góp ấy đã giúp ngành địa chất trở thành một ngành vững mạnh, cho nước Việt Nam một tài nguyên rất lớn, đó là trọng lượng của quốc gia.

Về công trình Bản đồ địa chất Việt Nam tỷ lệ 1/500.000 đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, ông Thị cho rằng, công lao của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương khi đó rất lớn.

“Anh Lương khi đó là tổng chủ biên, tôi là cố vấn. Để có được công trình này, các nhà địa chất phải đi bộ nghiên cứu. Ban đầu, họ phải đi hầu hết các con suối ở miền Bắc. Sau là miền Nam, họ tiếp tục trèo đèo, lội tất cả các con suối ở miền Nam trên đôi chân của mình mà anh Lương là người đi bước đầu tiên”, ông Thị nhớ lại.

Nguyên Phó hiệu trưởng Trường đại học Tổng hợp Hà Nội đánh giá, đây là công trình khoa học lớn nhất về địa chất ở Việt Nam, trên cơ sở đó đã mở ra cơ hội tìm kiếm những khoáng sản nằm dưới lòng đất Việt Nam.

Bước ra từ nhà tang lễ cùng GS-TSKH Phan Trường Thị là ông Đồng Điệt (88 tuổi, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học địa chất). Tâm trạng trĩu nặng, ông Điệt nói “trong lòng trống trải khi vừa mất người bạn lâu năm”.

Ông Điệt kể, khi nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất, ông Điệt ở vai trò cấp dưới, nhưng nguyên Chủ tịch nước không bao giờ tỏ ra quan cách. Thay vào đó, ông là một người bạn, đồng nghiệp chiến hữu rất tình cảm, hiền hậu.

Đồng nghiệp bật khóc nhớ về kỷ niệm cùng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương - Ảnh 3.

Ông Đồng Điệt (thứ 4 từ phải sang, hàng thứ 2) trong lần chụp ảnh cùng nguyên Chủ tịch nước tại sự kiện kỷ niệm 61 năm Ngày địa chất Việt Nam

ẢNH: TƯ LIỆU

“Tôi nhiều lần sang nhà anh Lương chơi, lần nào cũng được gia đình nấu những món tự trồng được khiến tôi nhớ mãi. Hôm nay, khi phải tiễn biệt anh, tôi thật đau xót, tiếc nuối”, ông Điệt xúc động.