Bất ổn trên cầu dân sinh qua kênh hồ Kẻ Gỗ

Bất ổn trên cầu dân sinh qua kênh hồ Kẻ Gỗ

bởi

trong

Cầu chỉ đủ một xe ô tô đi

Theo phản ánh của người dân, trên tuyến kênh thủy lợi N19 thoát nước của hồ Kẻ Gỗ có một cây cầu dân sinh bắc qua, nối thôn 18 và thôn Nhân Hòa (thuộc xã Tân Lâm Hương, TP.Hà Tĩnh). 

Cầu được xây dựng bằng bê tông, cốt thép dài hơn 8 m, rộng hơn 2,5 m. Hằng ngày, người dân ở 2 thôn trên và các thôn lân cận đều qua lại rất đông, nhưng do thiết kế cầu nhỏ hẹp nên việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Đã có một số vụ tai nạn xảy ra tại khu vực cầu này.

Bất ổn trên cầu dân sinh qua kênh hồ Kẻ Gỗ

Cầu bắc qua kênh N19 chỉ đủ lọt cho một xe ô tô đi qua

ẢNH: PHẠM ĐỨC

Ông Nguyễn Văn Phú (62 tuổi, ngụ tại thôn 18) cho biết, tuyến đường dân sinh kết nối vào hai đầu cầu đều có chiều rộng khoảng 5 m, trong khi mặt cầu chỉ rộng gần 3 m khiến cầu bị “thắt cổ chai“. Đáng nói, đường kết nối hai bên thấp, cầu lại nằm cao hơn nên các phương tiện khi di chuyển để qua cầu bị khuất tầm nhìn.

“Cầu hẹp nên chỉ đủ lọt một xe ô tô. Không ít lần cả xe ô tô từ hai phía cùng di chuyển vào cầu nên đã xảy ra va chạm. Cũng không ít lần các xe ô tô đi vào buổi tối tự đâm vào thành cầu hoặc va chạm với các phương tiện khác. Thôn 18 và thôn Nhân Hòa đều có dân số rất đông, thường xuyên qua lại nên người dân chúng tôi rất mong cầu được nâng cấp, mở rộng để đảm bảo an toàn”, ông Phú bày tỏ.

Theo ông Lê Văn Tuấn, Trưởng thôn Nhân Hòa, đường dân sinh kết nối với cây cầu bắc qua kênh N19 lâu nay phục vụ đi lại cho 209 hộ dân với hơn 1.000 nhân khẩu trong thôn. Do là tuyến đường “độc đạo” nối thôn Nhân Hòa với các thôn lân cận để ra trung tâm xã nên hàng ngày đều có số lượng lớn phương tiện của người dân qua lại.

“Cầu nhỏ hẹp lại bị khuất tầm nhìn nên tại đây luôn tiềm ẩn xảy ra tai nạn giao thông. Đáng lo ngại là có nhiều vụ va chạm mà nạn nhân là các em học sinh. Người dân kiến nghị cho mở rộng mặt cầu thêm 4 m và hạ thấp chiều cao của cầu để có tầm nhìn. Ban cán sự thôn cũng đã nhiều lần trình bày nguyện vọng của bà con lên xã nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết”, ông Tuấn nói.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Ninh, Chủ tịch UBND xã Tân Lâm Hương, thừa nhận cây cầu bắc qua kênh N19 có chiều rộng mặt cầu rất hẹp, nếu có xe ô tô đi trên cầu thì các phương tiện khác phải nhường đường. Xã cũng đã nhiều lần đề xuất với cấp trên bố trí kinh phí để xây dựng cầu mới rộng hơn để đảm bảo an toàn cho người dân qua lại.

“Sau nhiều lần kiến nghị, mới đây, UBND TP.Hà Tĩnh cũng đã cho chủ trương làm cầu mới bắc qua kênh N19 thay thế cầu cũ đã xuống cấp với tổng kinh phí khoảng 4 tỉ đồng. Dự kiến cầu sẽ có chiều rộng khoảng trên 6 m và sẽ triển khai thi công trong năm nay. Thành phố đang hoàn thiện hồ sơ thiết kế và cho đấu thầu tìm đơn vị xây cầu”, ông Ninh thông tin.

Sáp nhập xã xong sẽ xin kinh phí làm cầu

Tương tự, cây cầu bắc qua kênh chính thoát nước của hồ Kẻ Gỗ nằm trên tuyến đường huyện ĐH131, nối thôn Yên Bình (xã Cẩm Bình, TP.Hà Tĩnh) và thôn 3 (xã Cẩm Quang, H.Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) là mối lo thường trực của người dân khi lưu thông qua đây.

Bất ổn trên cầu dân sinh qua kênh hồ Kẻ Gỗ - Ảnh 2.

Cầu nằm trên đường huyện ĐH131 bắc qua kênh chính hồ Kẻ Gỗ hẹp chiều rộng, đã có dấu hiệu xuống cấp

ẢNH: PHẠM ĐỨC

Theo ghi nhận của phóng viên, cây cầu này có chiều dài hơn 9 m, rộng chỉ khoảng 3 m. Sau nhiều năm đưa vào sử dụng, cầu đã có dấu hiệu xuống cấp, lan can cầu được đúc bằng bê tông bị đổ gãy.

Nhà ở gần cầu, ông Trần Đình Thường (70 tuổi, ngụ tại thôn 3, xã Cẩm Quang) cho biết ông đã chứng kiến một số vụ tai nạn xảy ra tại đây, do cầu hẹp và bị “thắt cổ chai”.

“Đường dẫn vào hai đầu cầu rộng, trong khi mặt cầu hẹp nên có sự chênh lệch tạo thành nút thắt. Cách đây 4 năm, có hai vợ chồng đi xe máy qua đây bị rơi xuống kênh nhưng may mắn chỉ bị xây xát nhẹ. Nguyên nhân là do đêm tối, đường rộng mà cầu lại hẹp và bị khuất tầm nhìn nên người này chạy xe nhầm ra bên ngoài cầu. Ở đây, thỉnh thoảng lại có vụ va chạm nhẹ xảy ra hoặc cả người lẫn phương tiện lao xuống kênh, rất may chưa có người chết”, ông Thường lo lắng nói.

Ông Vũ Đình Cường, Chủ tịch UBND xã Cẩm Quang, cho hay lâu nay người dân ở thôn 3 của xã cũng đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương cho xây dựng mở rộng cầu mới, ít nhất là chiều rộng phải đồng bộ với đường huyện ĐH131. Nguyện vọng này của bà con là rất chính đáng vì cầu hẹp khiến nguy cơ tai nạn luôn tiềm ẩn.

“Trước đây, khi đường ĐH131 được mở rộng nâng cấp, huyện cũng đã tính đến phương án cho xây dựng lại cầu bắc qua kênh chính hồ Kẻ Gỗ. Tuy nhiên, do vướng mắc liên quan đến thủy lợi nên hạng mục xây cầu phải đưa ra khỏi dự án. Chúng tôi rất mong huyện sớm có phương án xây lại cầu để đáp ứng mong muốn của người dân”, ông Cường chia sẻ.

Theo một cán bộ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng H.Cẩm Xuyên, cách đây hơn 10 năm, khi tỉnh thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo các tuyến kênh chính của hồ Kẻ Gỗ ở vùng hạ lưu đã tiến hành xây dựng nhiều cây cầu bắc qua kênh để kết nối với tuyến đường dân sinh, trong đó có cầu nằm trên đường ĐH131.

“Cầu được thiết kế xây dựng vĩnh cửu nhưng chiều rộng mặt cầu lại khá hẹp. Vào năm ngoái, khi thực hiện dự án nâng cấp đường ĐH131, chúng tôi cũng có tính đến phương án làm lại cầu nhưng cây cầu này đưa vào sử dụng chưa lâu, nếu phá bỏ đi thì lãng phí. 

Thời gian tới, khi bỏ cấp huyện và sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã, đơn vị xã mới sẽ có đề xuất với tỉnh để xin kinh phí làm cầu mới thay thế cho cầu này”, vị cán bộ cho biết.