
Nhà máy Sữa bột Việt Nam của Vinamilk đặt tại Khu công nghiệp VSIP 1 (Thuận An, Bình Dương). Công trình khánh thành vào năm 2013, với diện tích nhà xưởng 16.000 m2 trên tổng diện tích đất 60.000 m2, được xem là “siêu nhà máy” sữa bột lớn nhất Việt Nam và hàng đầu châu Á.

Tại nhà máy Sữa bột Việt Nam, các quy trình được tự động hóa hơn 90% từ khâu nhập liệu tới kho thành phẩm. Nhờ dây chuyền tự động và khép kín, nhà máy kiểm soát được chất lượng và hiệu quả sản xuất đạt ở mức cao nhất.
Trong nhà máy có hai tháp sấy riêng, cho phép khả năng tự chủ khâu xử lý thành phần nguyên liệu, nhờ đó đảm bảo hàm lượng đầy đủ và mức độ tinh khiết đúng theo các tiêu chuẩn mà Vinamilk theo đuổi.
Đơn cử, một trong các thành phần có trong sữa bột là dầu thực vật, cần được sấy trước khi trộn với bột sữa và các dưỡng chất vi lượng khác. Nếu không có tháp sấy riêng, nhà máy buộc phải phụ thuộc nhà cung cấp bên ngoài cho công đoạn này, đồng nghĩa không kiểm soát được hoàn toàn điều kiện sản xuất – một trong những yếu tố quan trọng nhất để giữ gìn độ tinh khiết của sữa.
Mỗi tháp sấy trong nhà máy cao đến 32 mét, tương đương một tòa nhà 5 tầng, cho công suất 100 tấn bột mỗi ngày – đủ cho khẩu phần sữa của hàng triệu đứa trẻ. Mỗi tháp sấy chỉ cần đúng một người vận hành, bởi đã được tự động hóa hoàn toàn.

Người tiêu dùng tham quan tháp sấy tại Nhà máy Sữa bột Việt Nam của Vinamilk (Bình Dương).
Không dừng lại ở sản xuất sữa, nhà máy tự chủ luôn khâu cuốn lon và làm bao bì. Sữa kém chất lượng thường do nguyên liệu không đạt chuẩn, nhưng chưa đủ. Nguy cơ thôi nhiễm kim loại nặng ngược từ bao bì vào sữa hoàn toàn có thể xảy ra. Tương tự như câu chuyện tháp sấy, nếu không tự chủ được khâu cuốn lon, nhà máy phải phụ thuộc bên ngoài. Chưa bàn tới chất lượng thiếc và kỹ thuật sản xuất, chỉ riêng việc vận chuyển lon từ nơi sản xuất đến nhà máy đã đủ là một “khoảng hở” cho các nguy cơ phơi nhiễm từ môi trường.
Tại Nhà máy Sữa bột Việt Nam, các tấm thiếc nhập khẩu từ Nhật đạt tiêu chuẩn dùng cho thực phẩm được đưa vào dây chuyền tự động khép kín để cuốn thành lon, luôn nằm trong tầm kiểm soát của đèn UV thanh trùng, camera kiểm tra lòng lon và rất nhiều bước kiểm định khác.
Sau khi các tấm thiếc được cuốn thành lon, các lon thiếc rỗng sẽ được đưa vào phòng sạch, chuẩn bị cho quá trình chiết rót sữa bột. Các lon thiếc khi chạy từ phân đoạn sản xuất sang khu vực chiết rót ở phòng sạch đều được lật úp xuống để tránh bất kỳ khả năng phơi nhiễm nào vào lòng lon dù là nhỏ nhất.

Mỗi tháp sấy có công suất sản xuất cho hàng triệu trẻ em mỗi ngày nhưng chỉ cần rất ít người vận hành.

Đại diện nhà máy cho biết, phòng sạch là khu vực “trái tim” của nhà máy, nơi bột sữa được rót vào lon trong môi trường vô trùng toàn phần, có độ sạch tương đương với phòng mổ bệnh viện. Người tham quan chỉ được nhìn vào phòng qua tấm cửa kính dày. Chỉ ít những nhân sự có nhiệm vụ mới có thể vào được phòng sạch. Những nhân sự này phải mặc đồ bảo hộ trùm kín cơ thể, khử khuẩn nhiều lần trước khi bước vào. Họ cũng không hề tiếp xúc với bột sữa – vốn lưu chuyển trong lồng kính được sục nitơ. Bằng cách này, bột sữa được “cách ly” với oxy, nhờ đó không xảy ra các phản ứng hóa học làm biến đổi chất lượng sữa.

Để đảm bảo độ sạch tối đa cho không gian và dây chuyền sản xuất, toàn bộ trần nhà xưởng không hề có thiết bị treo nào để tránh bám bụi, ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất bên dưới. Các nhà xưởng đều lắp hệ thống lọc gió HEPA, lọc được các hạt bụi thậm chí nhỏ hơn 0,3 micromet.
Nhà máy thường xuyên tổ chức các buổi tham quan trực tiếp, đón người tiêu dùng đến thăm. Tại đây, khách tham quan được tận mắt chứng kiến quy trình khép kín làm ra sữa bột đạt tiêu chuẩn tinh khiết của Mỹ và Liên minh Châu Âu. Để đến nhà máy, khách tham quan cần khai báo y tế trước một ngày. Ngay khi tới nơi, họ được kiểm tra thân nhiệt, sức khỏe tại chỗ, vì chỉ “một cái hắt hơi” cũng không thể bước vào không gian nhà máy.
“Điều khiến tôi bất ngờ khi bước vào là nhà máy có rất ít người. Không thể tin được là hàng triệu phần sữa mỗi ngày lại chỉ cần vài người đứng chuyền như thế”, chị Lê Thị Thanh Tâm (quận 8, TP HCM) chia sẻ sau chuyến đi thăm nhà máy.

Quy trình đóng lon tự động, khép kín với nhiều bước kiểm soát chất lượng.

Mỗi lon sữa chỉ mất vài phút để chạy trên chuyền, nhưng trải qua hàng chục lần kiểm tra hóa lý, vi sinh, cảm quan ở mỗi khâu. Mỗi lô sản phẩm trước khi xuất đi đều được đích thân giám đốc nhà máy lấy mẫu pha uống trực tiếp để đảm bảo hương vị luôn đạt chuẩn. “Làm đúng từ đầu” và “làm tới đâu, kiểm soát tới đó” là nguyên tắc sản xuất của nhà máy Vinamilk.

Quy trình kiểm soát chặt chẽ cho tới khâu kiểm tra thành phẩm và lưu kho.
Những sản phẩm sữa tinh khiết là thành quả của chuỗi nguyên liệu – sản xuất sạch từ đầu đến cuối. Vinamilk hợp tác và nhập khẩu nguyên liệu từ các tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực, như Tập đoàn dinh dưỡng DSM (Thụy Sĩ), Tập đoàn khoa học sinh học Novonesis (Đan Mạch), Tập đoàn sản xuất và phân phối dầu thực vật AAK (Thụy Điển)… Mỗi lô hàng nhập khẩu đều có giấy chứng nhận phân tích (COA) và lưu trực tuyến tới 5 năm. Khi sản xuất ra tới thành phẩm, mỗi lô sữa lại được lấy 5 mẫu đối chứng và kiểm tra tại phòng lab đạt chuẩn ISO 17025.
Năm 2023, toàn bộ thương hiệu sữa bột trẻ em của Vinamilk đều đạt giải thưởng Purity Award từ tổ chức Clean Label Project (Mỹ). Vinamilk trở thành công ty đầu tiên tại châu Á đạt được thành tích này. Clean Label Project nổi tiếng khắt khe về minh bạch – an toàn – tinh khiết cho các sản phẩm trẻ em: buộc nhà sản xuất phải đáp ứng hơn 400 tiêu chí về chất lượng và điều kiện sản xuất nhằm đảm bảo không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, chất làm dẻo phthalates, BPA, BPS. Những chất này được gọi là các chất ô nhiễm mới nổi, tuy chưa bị xem là “chất cấm” nhưng đủ khả năng gây tổn thương hệ thần kinh và làm rối loạn nội tiết của trẻ em nếu sử dụng lâu dài.

Loạt sữa bột và sữa uống dinh dưỡng của Vinamilk được trao giải Purity Award của tổ chức Clean Label Project (Mỹ), chứng nhận uy tín về tính minh bạch – an toàn – tinh khiết của sản phẩm.
Bà Jaclyn Bowen, Giám đốc điều hành tổ chức Clean Label Project nhận xét người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng và sự minh bạch thông tin của các sản phẩm, nhất là thực phẩm cho trẻ em. Thực phẩm cho trẻ em là nhóm đối tượng cần có sự quan tâm hơn về tiêu chuẩn chất lượng và sự an toàn. Clean Label Project chỉ trao giải thưởng cho các thương hiệu có sản phẩm chú trọng đến độ tinh khiết của các thành phần. “Chúng tôi đánh giá rất cao sự nỗ lực và tích cực của các doanh nghiệp như Vinamilk trong việc luôn thiết lập các chuẩn cao hơn cho các sản phẩm sữa dành cho trẻ em”, bà Jaclyn Bowen nói.
Ở các quốc gia phát triển như châu Âu và Mỹ, logo của các tổ chức kiểm định độc lập như Clean Label Project trên bao bì được xem là bảo chứng an toàn cho các bậc cha mẹ khi lựa chọn sản phẩm cho con. Trong bối cảnh thị trường sữa tại Việt Nam hiện nay, các chứng nhận khách quan góp phần giúp người tiêu dùng đặt niềm tin đúng chỗ, để chăm sóc sức khỏe của thế hệ tương lai.

Bên ngoài Nhà máy Sữa bột Việt Nam của Vinamilk tại Bình Dương.
Nội dung: Hoàng Anh I Ảnh: Vinamilk I Thiết kế: Ngân Hà