
– Bệnh giun rồng do ký sinh trùng Dracunculus medinensis gây ra, lây nhiễm sang người thông qua việc ăn uống thực phẩm có chứa ấu trùng của D. medinensis.
– Các ca nhiễm giun rồng chủ yếu ở các nước chưa phát triển, điều kiện vệ sinh kém, đặc biệt tại châu Phi, Nam Sudan, Ethiopia và Mali. Thường bệnh nhân là người sinh sống bằng nghề nông.
Đối tượng bệnh
– Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, song thường xảy ra với người từ 15 đến 45 tuổi, không phân biệt giới tính.
– Gần đây Việt Nam ghi nhận các ca nhiễm giun rồng hầu hết ở những tỉnh miền núi phía bắc như Yên Bái, Phú Thọ, Thanh Hóa, Hòa Bình. Hầu hết người bệnh là nam giới, có tiền căn ăn thực phẩm thủy sinh sống hoặc chưa được nấu chín.
Đường lây nhiễm
– Người bị nhiễm giun rồng nếu uống nước không vệ sinh, có chứa copepod – là loài giáp xác nhỏ mang ấu trùng của Dracunculus medinensis.
– Sau khi vào cơ thể người, giáp xác chết và giải phóng ấu trùng. Các ấu trùng này xuyên qua thành dạ dày và ruột vật chủ rồi xâm nhập vào ổ bụng và khoang sau phúc mạc.
– Sau khi trưởng thành và giao phối, giun đực chết, còn giun cái (dài 70-120 cm) di chuyển trong mô dưới da hướng về bề mặt da.
– Khoảng một năm sau khi nhiễm, giun cái gây ra mụn nước trên da, thường ở vùng chi dưới xa cơ thể, sau đó mụn sẽ vỡ ra. Khi tổn thương này tiếp xúc với nước, giun cái thoát ra khỏi da và phóng thích ấu trùng vào nước.
– Giáp xác ăn các ấu trùng này, sau hai tuần và hai lần lột xác, chúng phát triển thành ấu trùng giai đoạn lây nhiễm.
– Khi ấu trùng xâm nhập vào cơ thể, ấu trùng xuyên qua niêm mạc dạ dày và thành ruột, di chuyển vào mô liên kết, rồi phát triển thành giun trưởng thành. Giun cái trưởng thành sau 9-14 tháng, có thể dài tới 1 mét, di chuyển dưới da.
Triệu chứng
– Giai đoạn đầu bệnh thường không có triệu chứng.
– Khoảng 1 năm sau khi nhiễm, giun cái hướng đến bề mặt da mát hơn và bắt đầu thoát ra ngoài, thường là bàn chân.
-
Tại vị trí giun thoát ra có thể xuất hiện mụn nước, loét, phù, ngứa và đau. Người bệnh thường ngâm chân vào nước để giảm đau, khiến giun chui ra khỏi mụn nước và phóng thích ấu trùng giai đoạn 1 vào nước. Có thể có nhiều con giun cùng thoát ra một lúc.
-
Quá trình kéo dài đến 8 tuần hoặc lâu hơn.
-
Triệu chứng toàn thân có thể gồm: sốt, phát ban, buồn nôn, nôn, tiêu chảy.
Biến chứng
– Giun rồng hiếm khi gây tử vong.
– Các biến chứng nặng thường do nhiễm khuẩn thứ phát hoặc nhiễm khuẩn huyết.
-
Áp xe có thể xảy ra khi giun di chuyển đến các cơ quan khác như phổi, màng tim, tủy sống.
-
Khi giun đi qua khớp có thể gây đau khớp và co rút cơ.
-
Trong một số trường hợp, nếu giun chết trước khi thoát ra, chúng có thể bị vôi hóa, gây đau.
-
Giun bị đứt khi đang thoát ra có thể gây viêm nặng, phù, nhiễm khuẩn huyết hoặc viêm mô tế bào.
Chẩn đoán
– Chẩn đoán chủ yếu dựa trên triệu chứng lâm sàng, đặc trưng là thấy giun chui ra từ vết loét.
– Xét nghiệm máu có thể thấy tăng bạch cầu ái toan.
– Nếu giun chết và bị vôi hóa, có thể phát hiện qua hình ảnh X-quang.
– Chẩn đoán phân biệt với bệnh giun chỉ hay viêm mô tế bào.
Điều trị
Điều trị chủ yếu là lấy giun ra khỏi cơ thể một cách chậm rãi, kết hợp chăm sóc vết thương và kiểm soát đau.
Điều trị triệu chứng bằng thuốc giảm đau, kháng viêm; kháng Histamin để giảm ngứa, bôi kháng sinh tại chỗ phòng nhiễm trùng thứ phát hoặc kháng sinh toàn thân khi có viêm mô tế bào, nhiễm khuẩn huyết hoặc áp xe.
Phòng ngừa
Phòng ngừa là biện pháp hiệu quả duy nhất để chống lại bệnh này.
– Chủ yếu là ăn chín, uống sôi, không ăn các thực phẩm sống, chưa chế biến, đặc biệt là các loài thủy sinh.
– Người bệnh cũng phải tránh tiếp xúc với nguồn nước uống để tránh lây lan mầm bệnh.