Viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn, gây viêm các khớp đối xứng hai bên cơ thể, còn gout phát triển do axit uric trong máu cao, thường chỉ gây đau một khớp.
Viêm khớp dạng thấp (RA) và bệnh gout là hai loại bệnh viêm khớp, đều gây đau và viêm tại các khớp. Các nốt RA và cục tophi của bệnh gout cũng có thể có hình dạng giống nhau. Tuy nhiên, nguyên nhân và cách điều trị cho từng loại khác nhau.
Mọi người có thể mắc RA và gout cùng lúc. Một nghiên cứu năm 2020 tại Mỹ xem xét dữ liệu của 1.999 người mắc RA cho thấy 6,1% trong số họ cũng bị gout.
Nguyên nhân
Viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể vô tình tấn công các tế bào khỏe mạnh trong các mô hoạt dịch khớp. Phản ứng này gây viêm, đau và sưng khớp, thường xảy ra ở tay, cổ tay, mắt cá chân và đầu gối ở cả hai bên cơ thể. Theo thời gian, các cơn sưng lặp đi lặp lại có thể dẫn đến tổn thương khớp.
Bệnh gout cũng là rối loạn viêm nhưng không phải tình trạng tự miễn. Bệnh phát triển do nồng độ axit uric trong máu cao. Axit uric có trong thực phẩm và đồ uống. Dùng một số loại thuốc nhất định cũng có thể làm tăng lượng axit uric trong cơ thể. Các tinh thể axit uric lắng đọng trong các mô hoạt dịch, đặc biệt là ở tay, chân và khuỷu tay, gây sưng đau các khớp này.
Yếu tố nguy cơ
RA ảnh hưởng đến nữ giới nhiều hơn nam giới. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, người ở độ tuổi 60, béo phì, hút thuốc, có một số yếu tố di truyền thì nhiều khả năng mắc RA hơn.
Gout ảnh hưởng đến đàn ông nhiều hơn phụ nữ. Bệnh này phổ biến hơn ở nam giới từ 40 tuổi trở lên và nữ giới sau thời kỳ mãn kinh. Một số người tự nhiên sản xuất quá nhiều axit uric, có thể khiến bệnh dễ xảy ra hơn.
Các yếu tố nguy cơ khác như tiền sử huyết áp cao, tiểu đường, bệnh tim, các vấn đề về thận, hội chứng chuyển hóa, dùng các loại thuốc như thuốc lợi tiểu, tiêu thụ nhiều bia rượu và đồ uống nhiều đường, ăn nhiều thực phẩm có chứa purin, béo phì.

Viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng đến nữ giới nhiều hơn nam giới. Ảnh minh họa: Hoàng Giang
Triệu chứng
Hai loại bệnh đều liên quan đến tình trạng sưng và viêm, nhưng một số triệu chứng, các khu vực bị ảnh hưởng cũng như các tác động lâu dài lại khác nhau. Không giống viêm khớp dạng thấp, gout không gây viêm khắp cơ thể và không gây tổn thương mô ở các cơ quan khác như tim và phổi. Tuy nhiên, theo Tổ chức Viêm khớp Mỹ, cả RA và gout đều có thể liên quan đến thận.
Người mắc RA trải qua các đợt bùng phát, khi triệu chứng nặng hơn, sau đó có thể giảm và biến mất. Trong các đợt bùng phát đầu tiên, triệu chứng có thể bao gồm mệt mỏi, sốt, đau, nhức hoặc cứng ở nhiều khớp, đau và cứng ở các khớp hai bên cơ thể, sụt cân… có khả năng liên quan đến nhiều khớp cùng lúc.
Bệnh có thể dẫn đến các biến chứng tiến triển và lâu dài ngay cả khi dùng thuốc như thúc đẩy bệnh tim sớm, huyết áp cao, cholesterol cao và tiểu đường đối với những người bị RA và béo phì, tổn thương mô khớp, mất thăng bằng, thay đổi về ngoại hình và khả năng vận động của bàn tay và bàn chân. Ngoài ra còn có các vấn đề về tim, phổi, mắt và các cơ quan khác.
Các triệu chứng của gout cũng có thể đến rồi đi. Những đợt bùng phát xảy ra khi các tinh thể axit uric dư thừa lắng đọng trong các khớp. Những tác nhân kích hoạt tình trạng tăng axit uric có thể là uống rượu bia, ăn thực phẩm giàu purin như hải sản, thịt đỏ và nội tạng động vật.
Người bệnh gout bị giảm phạm vi chuyển động, sưng nhức và ấm ở khớp. Khớp thường bị ảnh hưởng nhất là ngón chân cái, nhưng cũng có thể xảy ra ở các khớp khác khi bệnh tiến triển.
Điều trị
Mục đích điều trị của cả hai bệnh là nhằm kiểm soát triệu chứng, ngăn ngừa các đợt bùng phát và tiến triển của bệnh. Các phương pháp điều trị bao gồm dùng thuốc để giảm nồng độ axit uric trong cơ thể, thay đổi chế độ ăn uống.
Viêm khớp dạng thấp có thể được điều trị bằng thuốc chống thấp khớp, thay đổi lối sống như bỏ hút thuốc. Một số loại thuốc can thiệp vào phản ứng miễn dịch, giúp ngăn ngừa các đợt bùng phát, ngăn ngừa tình trạng viêm phát triển.
Anh Ngọc (Theo Medical News Today)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh cơ xương khớp để bác sĩ giải đáp |