Vì sao hàng loạt trường đại học danh tiếng của Mỹ bị “trừng phạt”?
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang siết chặt quản lý đối với các trường đại học hàng đầu nước Mỹ. Một số trường bị cho là dung túng những sinh viên có tư tưởng cực đoan, đi ngược lại những giá trị được Chính phủ Mỹ đề cao.
Hiện tại, Chính phủ Mỹ đã triển khai chiến dịch cắt giảm hoặc đe dọa cắt giảm hàng chục tỷ USD tiền tài trợ dành cho các trường đại học lớn chính vì lý do này.
Nhiều trường đại học danh tiếng đã bị Chính phủ Mỹ đưa vào danh sách cắt giảm hoặc đình chỉ toàn bộ tiền tài trợ. Ngoài trường hợp điển hình như Đại học Harvard, các trường đại học khác như Brown, Columbia, Cornell, Pennsylvania, Princeton… cũng đang bị “trừng phạt” ở khía cạnh kinh tế.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần tuyên bố, các trường bị nhắm đến là những cơ sở giáo dục không kiểm soát được nhóm sinh viên có tư tưởng cực đoan, để hoạt động biểu tình từng có thời điểm lan rộng không kiểm soát.
Một bộ phận sinh viên tại Mỹ từng quá tự do trong việc thể hiện quan điểm trước các vấn đề chính trị diễn ra trên thế giới. Những cuộc biểu tình của sinh viên nhiều khi đi ngược lại những giá trị mà Chính phủ Mỹ đề cao.
Trong bối cảnh ấy, nhiều trường đại học danh tiếng bị Chính phủ Mỹ đánh giá là thiếu tập trung vào hoạt động đào tạo các ngành học đưa lại hiệu quả thực tiễn, để có đóng góp đắc lực cho mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của Mỹ.

Tiền tài trợ của Chính phủ Mỹ đưa lại “sức khỏe tài chính” cho Đại học Harvard (Ảnh minh họa: Sportico).
Liệu Harvard có thể trụ vững trước sóng gió?
Trước khi bị cấm tuyển sinh viên quốc tế, Đại học Harvard đã theo đuổi vụ kiện Chính phủ Mỹ vì bị cắt tiền tài trợ. Câu hỏi đặt ra là: Hiện tại, khi đã bị cấm tuyển sinh viên quốc tế, liệu Harvard có đệ thêm đơn kiện không? Nếu thua kiện, Harvard có trụ nổi trước cơn sóng gió này không?
Nếu thực sự bị tước quyền miễn thuế, Đại học Harvard sẽ bắt đầu phải nộp thuế thường niên. Việc được miễn thuế từng giúp Đại học Harvard không phải đóng thuế thu nhập từ các hoạt động đầu tư. Các nhà tài trợ hiến tặng vào quỹ trường cũng từng được miễn các nghĩa vụ thuế đối với khoản tiền quyên tặng.
Tờ tạp chí tài chính Bloomberg (Mỹ) ước tính lợi ích từ việc được miễn thuế đưa về cho Đại học Harvard và các đối tác khoản lợi nhuận lên tới hơn 465 triệu USD trong năm 2023.
Trong báo cáo tài chính gần đây nhất của trường, Harvard sở hữu khối tài sản ròng lên tới 64 tỷ USD. Trong đó, hơn 53 tỷ USD nằm trong quỹ tài trợ của trường. Quỹ này vốn hoạt động như một kênh đầu tư dài hạn để sinh lợi cho trường, không ưu tiên chi dùng ngắn hạn.
Ngoài ra, quỹ tài trợ này gồm hơn 14.000 quỹ nhỏ, tiền trong hầu hết các quỹ đều gắn với điều kiện chi dùng do nhà tài trợ đặt ra, vì vậy, các quỹ này không thể chi dùng linh hoạt.
Vì vậy, tiền tài trợ và tiền đầu tư nghiên cứu của Chính phủ Mỹ rất có ý nghĩa đối với hoạt động của trường. Trong báo cáo về năm tài chính vừa qua, Harvard đã tiếp nhận tới 687 triệu USD từ nhà chức trách Mỹ. Tiền tài trợ của Chính phủ Mỹ đưa lại “sức khỏe tài chính” cho Đại học Harvard, đây cũng là mảng đang bị ảnh hưởng mạnh nhất, khiến Harvard lao đao.
Không được nhận ngân sách liên bang đồng nghĩa với việc nhà trường gặp rất nhiều khó khăn để duy trì các dự án nghiên cứu khoa học, y học, kỹ thuật… Chất lượng nghiên cứu và vị thế học thuật của trường sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tương lai của ngôi trường lâu đời và giàu có nhất nước Mỹ rồi sẽ ra sao là điều chưa ai có thể hình dung (Ảnh minh họa: CNBC).
Tác động dây chuyền từ các biện pháp “trừng phạt” kinh tế đối với Harvard
Đại học Harvard hiện đã “đóng băng” hoạt động tuyển dụng. Theo đánh giá của truyền thông Mỹ, tới đây, trường có thể phải sa thải nhân sự, đóng cửa phòng thí nghiệm, cắt giảm một số chương trình đào tạo…
Sau việc cắt tiền tài trợ và cấm tuyển sinh viên quốc tế, động thái tước quyền miễn thuế – nếu được thực thi – sẽ là đòn giáng nghiêm trọng thứ 3 mà Chính phủ Mỹ thực hiện đối với Harvard.
Khi ấy, các khoản quyên góp cho trường sẽ bị đánh thuế, lượng tiền quyên góp sẽ bị ảnh hưởng. Học phí của trường cũng có thể sẽ phải thay đổi do việc bị đánh thuế doanh thu. Những thay đổi này sẽ làm giảm sức hấp dẫn của Harvard đối với sinh viên và các nhà tài trợ.
Hiện tại, việc bị mất quyền tuyển sinh viên quốc tế cũng làm ảnh hưởng tới nguồn thu của trường. Theo thống kê của Đại học Harvard, trường đang đào tạo gần 22.000 sinh viên và nghiên cứu sinh, trong đó, có gần 10.000 người là người nước ngoài.
Việc mất đi lượng sinh viên và nghiên cứu sinh quốc tế sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng các nghiên cứu của trường. Sinh viên quốc tế vốn được xem là một nguồn lực to lớn thúc đẩy những nghiên cứu có tính đổi mới sáng tạo tiến hành tại trường.
Hiện tại, việc Harvard bị cấm tuyển sinh viên quốc tế khiến những sinh viên nước ngoài theo học tại Harvard phải chuyển trường, hoặc có nguy cơ bị đưa vào diện cư trú bất hợp pháp. Điều này khiến các giáo sư của Harvard lo ngại tới đây, nhiều phòng thí nghiệm của trường sẽ phải đóng cửa.
Chủ tịch Đại học Harvard – ông Alan Garber – đã tuyên bố trong thông điệp gửi toàn trường hồi tháng trước: “Việc buộc phải thu hẹp quy mô hoạt động của Đại học Harvard sẽ không chỉ gây tổn thất cho nhà trường, mà còn tác động tới các bệnh nhân, những người lẽ ra đã có thể được chữa khỏi bệnh.
Việc cắt giảm hoạt động nghiên cứu y tế, khoa học và công nghệ trong trường sẽ làm suy yếu khả năng cứu chữa người bệnh, tiềm năng phát triển đất nước, cũng như khả năng giữ vị thế dẫn đầu toàn cầu của nước Mỹ”.
Những căng thẳng leo thang giữa Chính phủ Mỹ và Đại học Harvard đang có những diễn biến sửng sốt. Tương lai của ngôi trường lâu đời và giàu có nhất nước Mỹ rồi sẽ ra sao là điều chưa ai có thể hình dung.
Theo New York Times/CNBC