Bí mật của gia tộc ba đời giàu nhất Trung Quốc

Bí mật của gia tộc ba đời giàu nhất Trung Quốc

bởi

trong

Ba thế hệ liên tiếp là người giàu nhất Trung Quốc, gia tộc họ Rong đã xây dựng một đế chế công nghiệp – tài chính hùng mạnh, phá vỡ lời nguyền “không ai giàu ba họ”.

“Một nửa người Trung Quốc sẽ mặc đồ của tôi, một nửa ăn đồ của tôi”, Rong Zongjing, một trong hai người gây dựng nên đế chế họ Rong, từng tuyên bố năm 1933. Lịch sử hơn một thế kỷ của gia tộc này là hành trình đi lên từ hai bàn tay trắng, dựa vào sự nhạy bén và những nguyên tắc kinh doanh sắt đá.

Rong Xitai là người đặt nền móng cho sự thịnh vượng của gia tộc họ Rong. Ông khởi đầu từ một tiệm cầm đồ ở Thái Thương. Năm 1896, ông mở ngân hàng Guangsheng tại Thượng Hải, đưa hai con trai Rong Zongjing và Rong Desheng vào làm quản lý và kế toán. Đây là bước ngoặt giúp gia sản nhà họ Rong ngày càng lớn mạnh.





Bí mật của gia tộc ba đời giàu nhất Trung Quốc

Các thành viên chủ chốt của gia tộc họ Rong (từ trái sang phải) qua nhiều đời gồm: Rong Zongjing, Rong Desheng, Rong Yiren, Rong Zhijian. Ảnh: The Paper

Đế chế bột mì và sợi bông

Năm 1899, ý tưởng kinh doanh nảy ra khi Rong Desheng nhìn thấy những núi bột mì của phương Tây tại bến cảng. Ông hiểu rằng càng nhiều hàng nhập khẩu đồng nghĩa tiền của Trung Quốc đang chảy vào túi người nước ngoài. Rong Desheng, khi đó 27 tuổi, cùng anh trai Rong Zongjing, 29 tuổi, quyết định xây dựng nhà máy bột mì của riêng người Trung Quốc.

Nhà máy bột mì Bảo Hưng ra đời năm 1902. Khởi đầu của họ khá gian nan cho đến khi chiến tranh Nga – Nhật (1904) và Thế chiến I bùng nổ, khiến nguồn cung bột mì từ nước ngoài bị cắt đứt. Anh em họ Rong liên tục vay nợ, nhập khẩu máy móc hiện đại để tăng năng suất và chiếm lĩnh thị trường.

Đến năm 1922, các nhà máy của họ đã chiếm 1/3 thị trường bột mì toàn quốc. Nhận thấy ăn và mặc là hai nhu cầu lớn nhất, họ lấn sân sang ngành dệt. Lợi nhuận khổng lồ đến mức người ta ví “một kiện sợi bông lãi một nén vàng”. Khi phong trào tẩy chay hàng Nhật nổ ra, sản phẩm của họ càng bán chạy, đưa Rong Zongjing và Rong Desheng lên ngôi “Vua bột mì” và “Vua sợi”, thống lĩnh hai ngành công nghiệp thiết yếu nhất Trung Quốc.

Truyền thừa đến đỉnh cao

Đỉnh cao của gia tộc được xác lập ở thế hệ thứ ba, với Rong Yiren. Năm 1979, ông được nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình giao trọng trách thành lập Công ty Tín thác và Đầu tư Quốc tế Trung Quốc (CITIC), cánh cửa tiên phong thu hút vốn nước ngoài vào Trung Quốc.

Dưới sự chèo lái của ông, CITIC trở thành tập đoàn đa quốc gia. Dấu ấn lịch sử là việc phát hành thành công 10 tỷ yen trái phiếu tại Nhật Bản năm 1982, huy động nguồn vốn quý giá cho đất nước. Năng lực của ông được cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger ca ngợi: “Một doanh nhân vừa hiểu kinh tế kế hoạch, vừa am tường kinh tế thị trường như ông Rong quả là của hiếm”.





Một chức ảnh chụp gia đình Rong Yiren trước khi giải phóng. Ảnh: The Paper

Một chức ảnh chụp các thành viên trong gia đình Rong Yiren. Ảnh: The Paper

Rong Yiren không nhận lương hay cổ phần trong suốt thời gian lãnh đạo, nhưng để lại một di sản khổng lồ. Sự nghiệp này được con trai ông, Rong Zhijian, tiếp nối và từng được vinh danh là người giàu nhất Trung Quốc. Bất chấp những sóng gió, đế chế họ Rong vẫn đứng vững với các thế hệ sau tiếp tục nắm giữ những vị trí quan trọng.

Bí quyết thịnh vượng trăm năm

Gia tộc họ Rong phá vỡ lời nguyền “không ai giàu ba họ” nhờ vào những di sản tinh thần truyền lại qua nhiều thế hệ.

Bí quyết nằm trong hai lời gia huấn cốt lõi. Thứ nhất là lời dạy của người cha Rong Xitai: “Giữ vững sự ổn định, hành sự thận trọng, tuyệt đối không đầu cơ”. Thứ hai là lời của Rong Desheng khắc trên một cặp câu đối: “Mang hoài bão thượng đẳng, kết duyên trung đẳng, hưởng phúc hạ đẳng; Chọn nơi cao mà đứng, tìm nơi phẳng mà ngồi, đi về phía rộng mà đi”. Gia huấn này có thể hiểu: Phải có chí lớn, nhưng chỉ cầu duyên phận vừa phải và sống một cuộc đời giản dị; phải có tầm nhìn xa, nhưng làm người phải khiêm tốn, làm việc phải chừa lại không gian cho người khác.





Chân dung gia đình của Rong Yiren trong những năm cuối đời. Ảnh: The Paper

Chân dung các thành viên gia đình của Rong Yiren trong những năm cuối đời. Ảnh: The Paper

Bên cạnh gia huấn, sự thịnh vượng của gia tộc đến từ một cơ cấu quản lý tài sản đặc biệt: “văn phòng gia đình” (family office). Tổ chức này vừa quản lý tài sản chung, vừa giám sát hoạt động của các doanh nghiệp, đảm bảo sự chuyển giao quyền lực êm thấm và minh bạch.

Chính nhờ quỹ gia tộc này mà thế hệ sau có nguồn vốn để khởi nghiệp. Khi Rong Zhijian một mình đến Hong Kong, ông đã dùng tiền lãi từ quỹ để tạo dựng sự nghiệp riêng. Các hậu duệ khi đủ 18 tuổi đều trở thành thành viên hội đồng quản trị của quỹ, được tham gia vào việc quản lý và có quỹ riêng để tự do sử dụng.

“Các bậc trưởng bối không đặt ra nhiều giới hạn. Ranh giới của nhà họ Rong rất đơn giản: không nghiện ma túy, không lừa lọc, không cờ bạc”, bà Rong Hailan, một thành viên thế hệ thứ ba, chia sẻ.

Bí quyết thực sự giúp họ Rong thịnh vượng qua 5 thế hệ là sự kết hợp giữa tầm nhìn kinh doanh vượt trội và những nguyên tắc đạo đức không thể phá vỡ.

Minh Phương (Theo Paper, kknews)