Yêu cầu trên được Bí thư Nguyễn Văn Nên nêu ra tại phiên họp thứ nhất của Ban chỉ đạo phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị TP.HCM ngày 22.5.
Theo quyền Giám đốc Sở Xây dựng Trần Quang Lâm, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2035 hoàn thành 355 km đường sắt đô thị và nâng lên 510 km vào năm 2045. Nếu tính thêm tuyến Thủ Thiêm – Long Thành và quận 7 nối Cần Giờ thì chiều dài lên tới gần 600 km.
Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh khi TP.HCM hợp nhất với Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu thì việc triển khai chủ trương xây dựng kết hạ tầng kinh tế – xã hội, trong đó có giao thông đặt ra cơ hội mới, tư duy mới, tầm nhìn mới và bối cảnh thực hiện mới. Về cơ bản, hiện trạng các đường sắt đô thị ở TP.HCM không thay đổi nhưng mở ra hướng mới về phía biển Cần Giờ và Đồng Nai.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên lưu ý huy động nhiều nguồn lực đầu tư mạng lưới đường sắt đô thị
ẢNH: NGUYÊN VŨ
Liên quan đến nguồn vốn, ông Nên cho rằng cần đa dạng hóa hình thức huy động, với nguồn ngân sách địa phương thì phải chủ động nguồn vốn, tham mưu HĐND TP.HCM bố trí đủ vốn theo tiến độ, lộ trình triển khai dự án. Riêng mô hình quản lý vận hành, ông đề nghị sớm nghiên cứu mô hình bài bản, thực tiễn, khoa học, phù hợp thực tế thành phố.
“Chính sách tài chính, huy động vốn liên quan đến mô hình quản lý nên cần xây dựng đề án. Phải tính kế hoạch tối ưu hóa vốn ODA, đối tác công tư để giảm gánh nặng ngân sách, phân bổ vốn hiệu quả”, ông Nên lưu ý.
Trong các công việc ưu tiên, người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM lưu ý quan tâm khâu giải phóng mặt bằng khi không còn cấp quận, huyện thì cần có tổ chức chính danh thực hiện, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ vào năm 2027 – 2028.
“Đây là khâu rất quan trọng, không chỉ là bồi thường mà còn tính toán tái định cư hợp lý, xây dựng chính sách đảm bảo lợi ích người dân bị thu hồi đất. Đây là khâu lớn và đặc biệt quan trọng, phải thực hiện công khai, minh bạch”, ông Nên nhấn mạnh.
Riêng tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương), Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã thống nhất chủ trương chuyển vốn đầu tư từ ODA sang ngân sách, nên cần ưu tiên đủ vốn trung hạn đáp ứng nhu cầu. Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết đây là tuyến đầu tiên thực hiện theo cơ chế đặc thù nên cần tập trung làm để rút kinh nghiệm triển khai các tuyến khác.