Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng đất nước phát triển dựa phần lớn vào tài sản trí tuệ nên cần thúc đẩy tại Việt Nam.
Thông điệp được Bộ trưởng nói tại buổi làm việc kéo dài gần 9 tiếng với Cục Sở hữu trí tuệ ngày 14/5. Đây là cuộc tiếp theo trong chuỗi gặp gỡ của ông với các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, nhằm tháo gỡ khó khăn của đơn vị và đưa ra định hướng phát triển của ngành.
“Trí tuệ là vô hạn. Nhiều quốc gia nhỏ nhưng vĩ đại nhờ tài sản trí tuệ”, ông nói, nhấn mạnh vai trò quan trọng của sở hữu trí tuệ trong sự phát triển của quốc gia. Tuy nhiên, Bộ trưởng đánh giá việc tạo ra tài sản trí tuệ tại Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng, vì vậy ngành cần có tư duy và cách tiếp cận mới.
Sở hữu trí tuệ là cơ sở để phát triển khoa học công nghệ
Cùng với các trụ cột của Bộ là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Bộ trưởng dùng hình ảnh các ngón tay trên một bàn tay để nói về mối liên kết cũng như tầm quan trọng của hai cơ quan trong Bộ là Cục Sở hữu trí tuệ và Ủy ban tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc gia. Trong khi “tiêu chuẩn” dùng để , sở hữu trí tuệ (SHTT) là cơ sở để phát triển khoa học công nghệ.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng trong buổi làm việc với Cục Sở hữu trí tuệ, tháng 5/2025. Ảnh: Lưu Quý
Theo ông, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo muốn tồn tại và phát triển phải thu hút được đầu tư và có tiền cho nghiên cứu. Để tạo động lực lâu dài cho lĩnh vực, các nghiên cứu cần được thương mại hóa, đồng thời hình thành một thị trường cho các kết quả tạo ra.
“Sở hữu trí tuệ biến kết quả nghiên cứu thành tài sản. Khi thành tài sản mới có thể định giá, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp để có vốn”, ông nói. “Kinh nghiệm các nước cho thấy ai mạnh về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thì phải mạnh về sở hữu trí tuệ”.
Nhìn nhận sự phát triển khoa học công nghệ tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, Bộ trưởng cho rằng cần tận dụng trí tuệ toàn cầu, bởi có những nơi, như châu Âu, “có nghề nghiên cứu” và mạnh về nghiên cứu cơ bản, trong khi những quốc gia châu Á như Việt Nam có thế mạnh trong việc biến những nghiên cứu thành ứng dụng thực tiễn.
“Không có trí tuệ toàn cầu, sẽ không có phát triển Việt Nam, nhất là phát triển hai con số”, ông nói.
Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng cho rằng ngành SHTT đang ở vị thế quan trọng khi có cơ hội tiếp cận với cơ sở dữ liệu SHTT toàn cầu. Ông đề nghị Cục mạnh dạn đầu tư các công cụ tốt, với mục tiêu cao nhất là khai thác được nguồn dữ liệu này để định hướng phát triển khoa học công nghệ, xác định các lĩnh vực nào có thể tạo tài sản giá trị cao, từ đó định hướng cho các tổ chức, doanh nghiệp trong nước đi theo, tránh tình trạng “thiết kế lại xe đạp”.
Cùng với phát triển tài sản trí tuệ, ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo hộ. Nếu một nhà khoa học công bố kết quả, nhưng hôm sau có người thương mại hóa trước, nhà nghiên cứu sẽ mất động lực. Doanh nghiệp nhỏ sáng tạo cái mới nhưng bị các “ông lớn” sao chép rồi bán, họ cũng không muốn làm tiếp.
“Không có SHTT, không ai muốn làm nghiên cứu. Không có bảo hộ không tạo ra được sân chơi để phát triển thị trường. Trộm cắp trí tuệ tràn lan sẽ không có sáng tạo trí tuệ, không có khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo”, Bộ trưởng nhấn mạnh, cho rằng cần coi việc trộm cắp trí tuệ cũng như trộm cắp tiền, tài sản và ngành SHTT cần lưu ý hơn về vấn đề này.
Ngành Sở hữu trí tuệ cần tư duy, cách làm mới
Tại buổi làm việc, Cục trưởng Sở hữu trí tuệ Lưu Hoàng Long chia sẻ quá trình hình thành và phát triển của Cục, từ năm 1982, khởi đầu bằng tên Cục Sáng chế với 27 nhân sự. Sau hơn 40 năm, số lượng công chức viên chức và người lao động tăng lên hơn 350 người. Trong giai đoạn 2020-2024, Cục đã tiếp nhận hơn 707.000 đơn sở hữu công nghiệp, tăng 34,4% so với giai đoạn 2015-2019. Hơn 617.800 đơn được xử lý, đồng thời hơn 212.370 văn bằng được bảo hộ. Với cam kết sẽ giải quyết hết đơn tồn và đơn đến hạn trước tháng 11, Cục cho biết năm 2025 sẽ cần xử lý khoảng 208.000 đơn, tăng 46% so với 2024.

Cục trưởng Sở hữu trí tuệ Lưu Hoàng Long trong buổi làm việc với Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, tháng 5/2025. Ảnh: Lưu Quý
Đánh giá cao cam kết của Cục, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận đây là thách thức, nhưng cũng là dịp để tổ chức nhận ra nhiều điều mới, tìm ra những cá nhân xuất sắc, cách làm mới, nhân dịp Cục bước vào thập kỷ thứ năm.
Trong bối cảnh nhân lực chưa thể bổ sung ngay, Bộ trưởng gợi ý Cục sử dụng các phương án như thuê ngoài, phân cấp và đặc biệt là chuyển đổi số. “Nếu mỗi người sử dụng một trợ lý AI, 400 người có thể biến thành 800. Tăng người bằng công nghệ là cách tốt nhất”, ông nói.
Bộ trưởng khuyến nghị các đơn vị khi chuyển đổi số cần lưu ý đầu tư cho dữ liệu nhiều hơn hệ thống công nghệ thông tin. Ông gợi ý tỷ lệ đầu tư có thể là 7:3 với ngành SHTT vốn có lịch sử phát triển dài, lượng dữ liệu lớn và nhiều dữ liệu chưa được làm sạch. Ngoài ra, dữ liệu này có cơ chế chia sẻ, có thể thu hút đơn vị bên ngoài vào khai thác để tạo ra các giá trị mới.
Để chuyển đổi số thành công, nhấn mạnh Cục cần đào tạo nhân sự “nắm thật vững” các khái niệm cơ bản của ngành. Đồng thời cần nhìn ra các thị trường xung quanh để biết vị trí của mình. Với tiềm năng về chuyển đổi số hiện có, ông đề nghị Cục đặt mục tiêu top 30 thế giới, top 3 trong khu vực về chuyển đổi số trong lĩnh vực SHTT.
Với tầm quan trọng của tài sản trí tuệ đề cập trước đó, Bộ trưởng cho rằng Cục SHTT không nên chỉ là nơi “cấp giấy”, mà còn cần làm những việc lớn hơn cho quốc gia. Dẫn một quy luật được đúc kết trên thế giới rằng ở các nước phát triển, trên 80% tổng tài sản của quốc gia là tài sản trí tuệ, tài sản vô hình, Bộ trưởng đề nghị Cục cần coi mình là nơi sẽ giúp Việt Nam thịnh vượng, bằng cách biến các kết quả sáng tạo nói chung, không chỉ các nghiên cứu, thành tài sản. Ông yêu cầu xây dựng bộ chỉ số đo lường tài sản trí tuệ, hoàn thành trong tháng 6.
“Làm sao để một đứa trẻ 5 tuổi có ý tưởng cũng có thể đăng ký để biến thành tài sản trí tuệ và đem bán”, ông nói.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng trong buổi làm việc với Cục Sở hữu trí tuệ, tháng 5/2025. Ảnh: Lưu Quý
Bộ trưởng chỉ đạo Cục SHTT về lâu dài cần nâng cao nhận thức xã hội về sở hữu trí tuệ. “Không có nhận thức đúng thì không có những thứ tiếp theo”, ông nói, đề nghị Cục dành 5-10% kinh phí thường xuyên để tuyên truyền, đào tạo và thực hiện trong 5-10 năm để nâng cao nhận thức xã hội. Ngoài ra, ông cho rằng phải đào tạo nhân sự chuyên ngành Sở hữu trí tuệ trong trường đại học, xây dựng phương án tôn vinh những người làm sáng chế.
Lưu Quý
Góp ý kiến tạo
Bạn có thể đặt mọi câu hỏi, vấn đề về Khoa học công nghệ, Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi số trực tiếp cho Bộ Khoa học và Công nghệ