Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo về công tác nhân sự khi sáp nhập tỉnh, xã

Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo về công tác nhân sự khi sáp nhập tỉnh, xã

bởi

trong
Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo về công tác nhân sự khi sáp nhập tỉnh, xã

Tổng Bí thư Tô Lâm và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự hội nghị quán triệt sáng 18-5 – Ảnh: GIA HÂN

Theo VTV, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành kết luận về một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện từ nay đến ngày 30-6-2025.

Không để chậm trễ bất cứ công việc nào

Theo đó, ngày 16-5, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã nghe báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương về tình hình, tiến độ triển khai thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.

Báo cáo của Đảng ủy Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với việc thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan chức năng hết sức khẩn trương, chủ động, bảo đảm tiến độ, bám sát các kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, không để chậm trễ bất cứ công việc nào.

Các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan chức năng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện việc xây dựng văn kiện, chuẩn bị đại hội cấp tỉnh, cấp xã và các cấp ủy trực thuộc ở những nơi sáp nhập, hợp nhất; thực hiện đúng chỉ đạo về bố trí, sắp xếp nhân sự cấp tỉnh, cấp xã.

Chú trọng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm thực hiện tốt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.

Đồng thời, yêu cầu các tỉnh ủy, thành ủy thực hiện nghiêm kết luận 150 của Bộ Chính trị và hướng dẫn 31 của Ban Tổ chức Trung ương về xây dựng phương án nhân sự cấp ủy, cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới.

Từ đó xây dựng đề án thành lập đảng bộ (mới), phương án nhân sự cấp tỉnh, cấp xã đúng nguyên tắc, yêu cầu, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, trình cấp có thẩm quyền đúng tiến độ.

Tập trung chỉ đạo cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng tốt yêu cầu phân cấp, phân quyền và mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng yêu cầu đánh giá kỹ tác động và thực hiện hiệu quả chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng bởi sắp xếp, nhất là đối tượng người dân tộc thiểu số, người theo các tôn giáo.

Yêu cầu kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ khi thực hiện sắp xếp; chấn chỉnh tình trạng làm việc cầm chừng, ảnh hưởng đến hoạt động của bộ máy.

Đồng thời yêu cầu tập trung chỉ đạo sát sao việc quản lý, lưu trữ hồ sơ, số hóa tài liệu, kiểm kê, kiểm soát, chuẩn bị tất toán tài khoản, tài sản, dự án công…

Việc này để chuẩn bị sẵn sàng bàn giao khi không tổ chức cấp huyện, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã (phòng tránh nguy cơ thất lạc, làm mất hoặc tiêu hủy tài liệu; nhất là hồ sơ liên quan đến đất đai, dự án đầu tư…).

Khẩn trương ban hành chế độ, chính sách hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách cấp xã

Kết luận giao Đảng ủy Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo các đảng ủy Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ khẩn trương thực hiện phân bổ ngân sách, cấp bổ sung kinh phí, kịp thời chi trả chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc do sắp xếp.

Ban hành chế độ, chính sách hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

Triển khai thực hiện phân cấp, phân quyền theo một số nguyên tắc chính: Trung ương tập trung quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chiến lược, giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát; phân cấp, phân quyền đủ mạnh, đủ rõ, hợp lý các nhiệm vụ ở trung ương đang thực hiện về cho địa phương.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và phân định rõ giữa thẩm quyền chung của UBND và thẩm quyền riêng của chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp xã (không để tình trạng đùn đẩy, né tránh và chậm trễ trong việc triển khai các nhiệm vụ, quyền hạn; gửi xin ý kiến tràn lan).

Rà soát, thực hiện phân cấp, phân quyền giữa các ngành, lĩnh vực có liên quan bảo đảm đồng bộ, liên thông, không bỏ sót hoặc chồng lấn, giao thoa nhiệm vụ.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu dự thảo các văn bản liên quan cần hoàn chỉnh trước ngày 1-6 và ban hành trước ngày 25-6.

Đảng ủy Quốc hội được giao chủ trì, phối hợp với Đảng ủy Chính phủ và các cơ quan liên quan thực hiện tốt việc triển khai lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 bảo đảm công khai, minh bạch, đúng tiến độ, yêu cầu và bám sát chủ trương, kết luận của trung ương.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao các ban đảng trung ương, Đảng ủy Chính phủ, đảng ủy các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh ủy, thành ủy khẩn trương thành lập bộ phận thường trực để tiếp nhận, hướng dẫn, giải đáp các nội dung, đề xuất, kiến nghị do các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ánh.

Các bộ phận thường trực hoạt động từ nay đến hết tháng 10-2025.

Yêu cầu Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương theo dõi việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, nội dung theo các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư đánh giá kết quả thực hiện của các cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.