Bộ Chính trị sẽ có 2 nghị quyết quan trọng về giáo dục và y tế

Bộ Chính trị sẽ có 2 nghị quyết quan trọng về giáo dục và y tế

bởi

trong

Sáng 10.7, phát biểu khai mạc phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị phiên họp cho ý kiến vào 8 nội dung chính.

Theo đó, phiên họp sẽ cho ý kiến bước đầu về dự thảo báo cáo kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bộ Chính trị sẽ có 2 nghị quyết quan trọng về giáo dục và y tế

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

ẢNH: PHẠM THẮNG

Chủ tịch Quốc hội đánh giá chuyên đề giám sát này rất thiết thực và có ý nghĩa chiến lược trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn mới cần nguồn nhân lực chất lượng cao làm nền tảng cho tăng trưởng nhanh, bền vững.

Chủ tịch Quốc hội cũng thông tin, Bộ Chính trị sẽ cho ý kiến về nghị quyết tập trung phát triển giáo dục và đào tạo cũng như nghị quyết liên quan chăm sóc sức khỏe nhân dân.

“Chúng ta sẽ có 6 nghị quyết và vừa qua đã triển khai 4 nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị. Quốc hội đã thông qua 3 nghị quyết về khoa học, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; nghị quyết về xây dựng, thực thi pháp luật; nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân. Đây là các nghị quyết rất quan trọng”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Vừa qua, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thông qua luật Nhà giáo, nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí, về chăm lo cho học sinh ở các vùng sâu, vùng xa… Hiện nay HĐND các địa phương như Hà Nội đã quyết định chi hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh.

Ngoài ra, một nội dung khác cũng được phiên họp sẽ xem xét, quyết định điều chỉnh chương trình lập pháp năm 2025.

Trên cơ sở các tờ trình của Chính phủ, báo cáo của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cho ý kiến sự cần thiết, cấp bách, khả thi của từng dự án luật đề xuất, đảm bảo chương trình lập pháp bám sát yêu cầu thực tiễn, đảm bảo chất lượng…

Năm 2025 Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên tục điều chỉnh chương trình xây dựng pháp luật để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng bộ máy.

Tại kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về tổng kết kỳ họp thứ 9 và bước đầu về chuẩn bị kỳ họp thứ 10. Đây là kỳ họp cuối nhiệm kỳ khóa XV, hoàn tất các nhiệm vụ đề ra và tạo dựng tiền đề cho nhiệm kỳ mới.

Với tính chất quan trọng như vậy, việc chuẩn bị phải thật bài bản, chủ động đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung, phương thức, chất lượng, khẳng định vai trò dẫn dắt, kiến tạo của Quốc hội, Chính phủ.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các nội dung khác như báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 4, 5 và 6.2025. Xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…