Thị trấn Bodh Gaya ở Ấn Độ là nơi Thái tử Siddhartha Gautama giác ngộ dưới gốc bồ đề, trở thành Đức Phật cách đây 2.500 năm.
Nằm tại quận Gaya, bang Bihar, thị trấn Bodh Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng) được xem là nơi khai sinh đạo Phật, khi Thái tử Siddhartha Gautama đạt giác ngộ dưới cội bồ đề, trở thành Đức Phật cách đây 2.500 năm.
Ngày nay, đây là một trong những địa điểm linh thiêng bậc nhất Ấn Độ đối với Phật tử trong và ngoài nước, gắn liền với đức tin “moskha”, sự giải thoát khỏi vòng luân hồi.

Quần thể đền Mahabodhi, nơi có cây bồ đề là hậu duệ đời thứ 5 của cây bồ đề Đức Phật đã thiền định để thành đạo. Ảnh: Mahabodhi Temple Bodh Gaya
Sau khi Đức Phật nhập niết bàn, vua Ashoka, hoàng đế nổi tiếng của triều đại Maurya, Ấn Độ, đã góp công lớn trong việc phục hưng Phật giáo. Ông cho xây nhiều trụ đá, công trình kỷ niệm ghi Đức Phật. Ngày nay, các công trình này được biết đến với tên gọi “các trụ đá Ashoka”.
Tên gọi Bodh Gaya được hình thành từ việc các Phật tử thường xuyên hành hương đến đây vào ngày rằm giữa tháng 4 và 5 (tháng Vaisakh theo lịch Hindu) – thời điểm Đức Phật đản sanh.
Đại lễ Phật đản là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong đạo Phật, được tổ chức để kỷ niệm ngày sinh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, người sáng lập tôn giáo. Đây cũng là một trong ba lễ cấu thành Lễ Tam hợp mà Liên Hợp Quốc gọi là Vesak (Lễ Phật đản, lễ Phật thành đạo, lễ Phật nhập niết bàn). Năm nay, lễ Phật đản rơi vào ngày 12/5 (rằm tháng 4).
Khu vực linh thiêng nhất của Bodh Gaya là quần thể đền Mahabodhi, nơi có cây bồ đề và ngôi đền cao 50 m thờ Đức Phật. hiện nay được cho là hậu duệ đời thứ 5 của cây xưa kia, nơi Đức Phật đã thiền định và đạt giác ngộ. Dưới tán cây là tảng đá Vajrasana, nơi Ngài ngồi thiền định. Toàn bộ khu đền đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới, không chỉ vì giá trị tôn giáo mà còn bởi vai trò lịch sử to lớn trong dòng chảy văn hóa Ấn Độ.

Đền Mahabodhi cao 52 m ở Bồ Đề Đạo Tràng. Ảnh: UNESCO
Nằm trong khuôn viên là đền Animesh Lochan Chaitya, nơi Đức Phật dành một tuần tại nơi này, vào thời điểm tuần thứ hai sau khi giác ngộ, để cầu nguyện. Chankramana, lối kinh hành và còn được biết đến là “con đường ngọc” là nơi Đức Phật đi bộ thiền hành sau khi giác ngộ vào tuần thứ ba. Gần đó là ao sen, tương truyền hình thành từ dấu tích bước chân của Ngài. Các địa điểm này được bao quanh bởi các bảo tháp nhỏ trong một khuôn viên tròn, tạo thành hành trình tâm linh khép kín cho du khách và tín đồ.
Ngày nay, ngoài Bồ Đề Đạo Tràng, 8 điểm đến dưới đây cũng được công nhận là nơi linh thiêng cho các tín đồ hành hương muốn theo chân Đức Phật.

Trên ảnh là thủ tướng Sri Lanka Mahinda Rajapaksa, ông đến thăm đền Mahabodhi vào năm 2020. Năm 2022, ông Mahinda Rajapaksa từ chức. Ảnh: Mahabodhi Temple Bodh Gaya
(Nepal) – nơi Đức Phật đản sanh.
Sarnath (bang Uttar Pradesh, Ấn Độ) – nơi Đức Phật thuyết giảng bài giảng đầu tiên.
Kushinagar (bang Uttar Pradesh) – nơi Đức Phật nhập niết bàn.
Rajgir (bang Bihar) – nơi Đức Phật đã thuyết giảng nhiều bài pháp quan trọng
Nalanda (bang Bihar) – nơi có trường đại học Phật giáo nổi tiếng thời trung cổ.
Kapilavastu (biên giới Ấn Độ, Nepal) – nơi Đức Phật trải qua thời thơ ấu và cuộc sống hôn nhân trước khi từ bỏ để tìm kiếm chân lý.
Vaishali (bang Bihar) – nơi Đức Phật thuyết giảng bài pháp cuối cùng.
Sravasti (bang Uttar Pradesh) – nơi Đức Phật dành phần lớn cuộc đời của mình trong mùa mưa tại tu viện Jetavan.
Bodh Gaya cách thủ phủ Patna của bang khoảng 127 km, giao thông kết nối với các thành phố lớn khác trong khu vực thuận tiện. Du khách có thể đến đây bằng đường bộ, sắt và hàng không.
Anh Minh (Theo Bohdi Travel, Lonely Planet)