Bộ đôi ‘quái vật’ đã đào được 3.000 m hầm ngầm metro Nhổn – ga Hà Nội

Bộ đôi ‘quái vật’ đã đào được 3.000 m hầm ngầm metro Nhổn – ga Hà Nội

bởi

trong

Ngày 28.7, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB – chủ đầu tư) cho biết máy khoan hầm TBM số 1 có tên “Thần tốc” đã tiến vào ga ngầm S11 – ga Văn Miếu, thuộc tuyến metro Nhổn – ga Hà Nội.

Bộ đôi ‘quái vật’ đã đào được 3.000 m hầm ngầm metro Nhổn – ga Hà Nội

“Quái vật” TBM số 1 đã khoan được đến ga S11 – ga Văn Miếu

ẢNH: MRB

Theo MRB, TBM số 1 xuất phát từ ga S9 – Kim Mã hồi tháng 7.2024, đến nay đã khoan hầm khoảng 2.028 m để tới ga Văn Miếu, tương đương hoàn thành lắp đặt 1.350 vòng vỏ hầm.

Cạnh đó, TBM số 2 có tên “Táo bạo” xuất phát từ ga S9 hồi tháng 2, đến nay đã khoan được khoảng 899 m, tương đương 599 vòng vỏ hầm đã lắp đặt.

Hiện tiến độ thi công tổng thể gói thầu CP03 – hầm và các ga ngầm tuyến metro Nhổn – ga Hà Nội đạt hơn 62%; đã thực hiện được 2.623/3.488 vòng vỏ hầm.

Dự án đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn – ga Hà Nội dài 12,5 km, có 8 ga trên cao và 4 ga ngầm. Trong đó, đoạn trên cao Nhổn – Cầu Giấy dài 8,5 km (đã khai thác thương mại hồi tháng 7.2024), đoạn đi ngầm Cầu Giấy – ga Hà Nội dài 4 km.

Dự án khởi công năm 2009, kế hoạch hoàn thành năm 2015 nhưng nhiều lần lùi tiến độ, dự kiến hoàn thành toàn tuyến năm 2027.

Để phục vụ thi công 4.000 m hầm ngầm tuyến metro Nhổn – ga Hà Nội, chủ đầu tư đã huy động 2 chiếc máy TBM có chiều dài hơn 100 m, nặng khoảng 850 tấn.

Như vậy, sau hơn 1 năm thi công phần ngầm, “quái vật” TBM số 1 đã đào được gần 2.000 m, chỉ còn 2.000 m là hoàn thành phần đi ngầm của tuyến metro này. 

“Quái vật” TBM số 2 đào được gần 1.000 m, còn khoảng 3.000 m đào ngầm nữa.

Máy TBM vận hành theo một chu trình khép kín, đào với tốc độ lớn nhất là 60 mm/phút. Quá trình đào, máy sẽ phun ra trước đầu cắt chất điều hòa đất, hay còn gọi là FOAM giúp làm mềm đất, chống bó và hỗ trợ duy trì cân bằng áp lực đầu gương đào.

Cùng lúc đó, phía đuôi máy sẽ phun ra chất mỡ quét lên bề mặt ngoài vỏ hầm, giúp bảo vệ bộ phận chổi quét đuôi máy, ngăn nước chảy ngược vào trong máy và làm kín khít các điểm nối bề ngoài vỏ hầm.

Đuôi máy cũng được bơm dung dịch vữa chèn lấp khe giữa vỏ hầm và đất, đảm bảo ngăn ngừa sụt lún trong quá trình thi công. Sau khi đào, robot sẽ lắp vỏ hầm ngay phía đuôi máy.