Bộ GD-ĐT: Hướng dẫn chấm thi tốt nghiệp THPT môn văn theo hướng mở

Bộ GD-ĐT: Hướng dẫn chấm thi tốt nghiệp THPT môn văn theo hướng mở

bởi

trong

Bộ GD-ĐT cho biết, hôm nay 3.7, ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia thi tốt nghiệp THPT 2025, đã kiểm tra công tác chấm thi tốt nghiệp THPT tại tỉnh Ninh Bình.

Ninh Bình là tỉnh mới thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 tỉnh Ninh Bình, Nam Định và Hà Nam. Qua kiểm tra, ông Thưởng đánh giá công tác tổ chức chấm thi tại đây đã bám sát chỉ đạo, phù hợp thực tiễn, đảm bảo đúng phương châm “4 tại chỗ”: chỉ đạo tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị tại chỗ; nhân lực tại chỗ; hậu cần, chế độ tại chỗ”.

Bộ GD-ĐT: Hướng dẫn chấm thi tốt nghiệp THPT môn văn theo hướng mở

Ông Phạm Ngọc Thưởng trao đổi với các giám khảo chấm thi tốt nghiệp THPT môn văn tại Ninh Bình

ẢNH: MOET

Ông Phạm Ngọc Thưởng đề nghị địa phương tiếp tục duy trì sự chỉ đạo toàn diện, thống nhất giữa 3 ban chấm thi ứng với 3 tỉnh cũ; phân công rõ ràng, thông tin minh bạch, đồng bộ, đảm bảo thống nhất tiến độ và nội dung chấm thi.

“Kiểm soát chặt chẽ nhưng không được ép tiến độ, không làm qua loa gây ra sai sót. Cần bám sát kế hoạch đề ra, phát huy tối đa vai trò điều tiết của tổ trưởng từng tổ chấm, tránh tình trạng làm quá nhanh dẫn đến thiếu cẩn trọng”, ông Thưởng yêu cầu.

Chấm kiểm tra ít nhất 5% bài thi

Lưu ý với cán bộ làm công tác chấm thi tại tất cả các hội đồng chấm thi, đặc biệt là môn tự luận như ngữ văn, ông Thưởng cho biết, đề thi mở, không xa lạ với giáo viên và học sinh.

“Hướng dẫn chấm cũng theo hướng mở để đánh giá đúng năng lực của học sinh. Bộ đã gửi hướng dẫn cho các hội đồng chấm thi để nghiên cứu, hoàn thiện, bổ sung, thống nhất đáp án và hướng dẫn chấm. Trong đó, có tỷ lệ chấm chung để đảm bảo độ đều tay. Sau khi hoàn thiện, phải chấm kiểm tra ít nhất 5%”, ông Thưởng nhấn mạnh.

Giáo viên nhận xét đề ngữ văn thi tốt nghiệp THPT 2025: Gắn liền với thực tế, tôn trọng vốn sống của thí sinh

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng lưu ý, nếu quá trình chấm có gì bất thường cần xem xét để đảm bảo tính công bằng và quyền lợi cho thí sinh. 

Đặc biệt, phải ghi nhận những nỗ lực, sáng tạo, chủ động, suy nghĩ riêng của thí sinh, đương nhiên phải đảm bảo theo chuẩn đầu ra, theo tiêu chí của quá trình giáo dục, cũng như theo hướng dẫn chấm.

“Nguyên tắc, mục tiêu chung đó là phản ánh đúng năng lực của các em, hướng tới kết quả thật của thí sinh, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của thí sinh trong tổ chức kỳ thi và đảm bảo công bằng trên toàn quốc. Công tác chấm thi phải được thông tin nhanh, xử lý kịp thời, hiệu quả ngay”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT yêu cầu.

Tại Hà Nội, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết địa phương có lượng bài thi rất lớn nên số bài thi trắc nghiệm cũng rất nhiều, khoảng 450.000 bài, việc chấm và xử lý trên 2 phần mềm khác nhau nên phải tăng cường máy chấm và cán bộ chấm thi mới hoàn thành đúng lịch. 

Nhiều địa phương dự kiến muộn nhất ngày 10.7 sẽ chấm xong và gửi dữ liệu về Bộ GD-ĐT. Theo kế hoạch, đúng 8 giờ ngày 16.7, các hội đồng thi trên cả nước sẽ công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2025.

Đến thời điểm này, các địa phương đã chấm thi nhưng Bộ GD-ĐT vẫn chưa công bố đáp án các môn thi tốt nghiệp THPT mà cho biết sẽ công bố sau ngày 5.7.