Bộ máy nhà nước giảm được bao nhiêu cán bộ sau cuộc cách mạng tinh gọn?

Bộ máy nhà nước giảm được bao nhiêu cán bộ sau cuộc cách mạng tinh gọn?

bởi

trong

Cuộc sắp xếp bộ máy hành chính từ trung ương đến địa phương, bắt đầu từ Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan Đảng ở Trung ương được xem là một trong những cải cách mạnh mẽ và sâu rộng nhất từ trước đến nay.

Theo Kết luận số 40 năm 2022 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 – 2026, chiến lược sắp xếp không chỉ nhằm thu gọn bộ máy mà còn hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý nhà nước theo tiêu chí “tinh – gọn – mạnh – hiệu năng – hiệu lực – hiệu quả”.

Giai đoạn 1 – Tái cơ cấu các cơ quan Trung ương

Trong nhiệm kỳ 2021-2026, Chính phủ đã tiến hành rà soát, tái cấu trúc các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ. Trước khi khởi động cuộc sắp xếp các bộ ngành, cơ quan Trung ương, theo báo cáo, tổ chức bên trong các cơ quan của Chính phủ đã có sự thay đổi rõ rệt.

Bộ máy nhà nước giảm được bao nhiêu cán bộ sau cuộc cách mạng tinh gọn?

Cuộc cải tổ lớn nhất trong lịch sử hành chính công đã hoàn thành giai đoạn 1 (Ảnh: QC).

13/13 tổng cục và tổ chức tương đương bị giải thể; 519 cục, 219 vụ và hơn 3.300 chi cục bị cắt giảm. Bên cạnh đó, 203 đơn vị sự nghiệp công lập cũng được tinh gọn.

Dù biên chế tại các bộ và cơ quan trung ương về cơ bản được giữ nguyên nhằm đảm bảo vận hành ổn định, song yêu cầu giảm ít nhất 20% công chức, viên chức, tương đương khoảng 22.323 người cho đến năm 2026 vẫn được thực hiện theo đúng tiến độ.

Sau 3 tháng thực hiện việc hợp nhất nhiều Bộ, ngành, cơ quan Đảng, Quốc hội ở Trung ương, từ 1/3, cả nước đã vận hành bộ máy mới với những thay đổi lớn. 

Tính tới thời điểm đó, kết quả giai đoạn 1 cuộc cách mạng sắp xếp bộ máy được thể hiện bằng con số là giảm 4 cơ quan Đảng trực thuộc Trung ương; 25 ban cán sự đảng; 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương; 5 cơ quan Quốc hội; 5 bộ và 3 cơ quan trực thuộc Chính phủ; 30 đầu mối cấp tổng cục; 1.025 đơn vị cấp cục, vụ và tương đương; 4.413 đầu mối cấp chi cục, phòng và tương đương; 240 đơn vị sự nghiệp.

Tương ứng, các địa phương giảm 466 sở ngành và cấp tương đương; 644 đoàn, đảng đoàn và ban cán sự đảng; 3.984 đơn vị cấp phòng và tương đương; 27 đảng bộ cấp trên trực tiếp và các tổ chức cơ sở đảng.

Theo tính toán sơ bộ, sau giai đoạn 1, có hơn 100.000 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khu vực công rời bộ máy nhà nước.

Giai đoạn 2 – Sáp nhập tỉnh, bỏ huyện, giảm xã, thay đổi mô hình chính quyền địa phương

Theo đề án sắp xếp bộ máy tại địa phương, từ 1/7 tới, mô hình chính quyền địa phương sẽ chính thức chuyển sang 2 cấp, gồm cấp tỉnh và cấp xã, bỏ cấp huyện. Hình hài các địa phương sẽ thay đổi căn bản.

Cả nước sẽ tổ chức lại thành 34 tỉnh thành (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc trung ương). Cấp xã dự kiến còn khoảng 3.300 xã, phường và 13 đặc khu hành chính.

Đây là giai đoạn có tác động trực tiếp và rõ rệt nhất về mặt nhân sự. Dự kiến, cấp tỉnh sẽ tinh giản khoảng 18.440 biên chế (công chức, viên chức, người hưởng lương từ ngân sách nhà nước). Cấp xã giảm sâu tới 110.780 biên chế.

Đồng thời, khoảng 120.500 người hoạt động không chuyên trách tại cấp xã sẽ chấm dứt hoạt động.

Như vậy, tổng cộng sau cuộc sắp xếp lịch sử này, cả nước sẽ giảm hơn 150.000 biên chế cán bộ, công chức, viên chức. Đây là con số lớn chưa từng có trong lịch sử cải cách bộ máy nhà nước. Điều này không chỉ phản ánh quyết tâm chính trị mạnh mẽ mà còn là bước khởi đầu cho một nền hành chính hiện đại, tinh gọn, phục vụ tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế.

Bộ máy nhà nước giảm được bao nhiêu cán bộ sau cuộc cách mạng tinh gọn? - 2

Từ 1/7 tới, mô hình chính quyền địa phương sẽ chính thức chuyển sang 2 cấp (Ảnh minh họa: Sơn Nguyễn).

Thách thức lớn với việc chọn lọc, sắp xếp cán bộ 

Sau khi hoàn tất sáp nhập, nhiệm vụ trọng tâm và phức tạp nhất được xác định là lựa chọn, bố trí cán bộ phù hợp với bộ máy mới.

Tại phiên thảo luận mới đây ở Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhận định: “Sắp xếp, sáp nhập bộ máy thì dễ, chọn cán bộ mới khó”. Việc sáp nhập các đơn vị hành chính chỉ là bước đầu, thách thức lớn nhất nằm ở khâu tổ chức lại bộ máy và bố trí cán bộ”.

Trước đó, Tổng Bí thư Tô Lâm từng nhấn mạnh: “Chọn cán bộ sau sáp nhập, tiêu chuẩn cao nhất là vì yêu cầu công việc. Phải lấy tiêu chuẩn cao nhất là vì yêu cầu công việc, sau đó mới đến các tiêu chí khác” .

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thể hiện lo ngại khi báo cáo các cấp có thẩm quyền việc sau nhập xã, nếu thiết kế tổ chức bộ máy cấp xã thành các phòng chuyên môn thì lãnh đạo quá nhiều. Định hướng chung là đưa lãnh đạo, cán bộ chất lượng ở cấp tỉnh, huyện về xã để đảm bảo bộ máy vận hành được ngay, phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp. 

Bộ máy nhà nước giảm được bao nhiêu cán bộ sau cuộc cách mạng tinh gọn? - 3

Nhiệm vụ trọng tâm và phức tạp nhất được xác định là lựa chọn, bố trí cán bộ phù hợp với bộ máy mới (Ảnh: Tống Giáp).

Các chuyên gia cho rằng, thách thức lớn nhất hiện nay là không chỉ dừng lại ở việc giảm số lượng, mà cần tiến tới tái cấu trúc lại cách thức tổ chức công việc, nâng cao chất lượng đội ngũ, ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách thủ tục hành chính một cách toàn diện.