Sau khi luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực, chính quyền địa phương chuyển từ 3 cấp sang 2 cấp nên một số quy định hiện hành về xử lý kỷ luật liên quan đến cấp huyện, cấp xã không còn phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Chính phủ quy định mới về hình thức xử lý kỷ luật cán bộ, công chức từ 1.7
ẢNH MINH HỌA
Theo Chính phủ, quá trình thực hiện các quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, các bộ, ngành, địa phương phản ánh vướng mắc trong xử lý kỷ luật một số tình huống phát sinh trong công tác cán bộ.
Nghị định số 172/2025/NĐ-CP quy định 3 trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật (thay vì 4 trường hợp như quy định tại Nghị định số 112), cụ thể:
Cán bộ, công chức đang trong thời gian điều trị bệnh hiểm nghèo hoặc đang mất khả năng nhận thức; bị ốm nặng đang điều trị nội trú tại bệnh viện có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.
Cán bộ, công chức là nữ giới đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc cán bộ, công chức là nam giới (trong trường hợp vợ chết hoặc vợ không thể nuôi con) đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người có hành vi vi phạm có văn bản đề nghị xem xét xử lý kỷ luật.
Cán bộ, công chức đang bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật; trừ trường hợp theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Trước đó, Nghị định số 112/2020/NĐ-CP quy định trường hợp “cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian nghỉ hàng năm, nghỉ theo chế độ, nghỉ việc riêng được cấp có thẩm quyền cho phép” cũng thuộc trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật.
Cách chức cán bộ sử dụng giấy tờ không hợp pháp
Nghị định quy định hình thức kỷ luật áp dụng đối với cán bộ gồm: khiển trách; cảnh cáo; cách chức, áp dụng đối với cán bộ được phê chuẩn, bổ nhiệm hoặc chỉ định giữ chức vụ, chức danh; bãi nhiệm.
Hình thức kỷ luật áp dụng đối với công chức: khiển trách; cảnh cáo; cách chức, áp dụng đối với công chức lãnh đạo, quản lý; buộc thôi việc.
Như vậy, Nghị định số 172/2025/NĐ-CP đã bỏ hình thức kỷ luật giáng chức áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và hạ bậc lương đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Việc thay đổi này để phù hợp với luật Cán bộ, công chức năm 2025. Vì luật này không quy định 2 hình thức kỷ luật trên.
Đồng thời, nghị định cũng quy định rõ việc áp dụng các hình thức kỷ luật như khiển trách, cảnh cáo, kỷ luật cách chức. Trong đó, cách chức với cán bộ, công chức đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo theo quy định trên mà tái phạm.
Có hành vi vi phạm lần đầu gây hậu quả rất nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách nhưng chưa đến mức buộc thôi việc, bãi nhiệm, người vi phạm có thái độ tiếp thu, sửa chữa, chủ động khắc phục hậu quả…
Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được quy hoạch, bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm vào chức vụ.
Áp dụng buộc thôi việc với công chức có hành vi vi phạm sau: đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc cảnh cáo đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý mà tái phạm.
Có hành vi vi phạm lần đầu gây hậu quả rất nghiêm trọng nhưng người vi phạm không có thái độ tiếp thu, sửa chữa, chủ động khắc phục hậu quả và thuộc một trong các trường hợp bị tăng nặng mức kỷ luật.
Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị. Nghiện ma túy; đối với trường hợp này phải có kết luận của cơ sở y tế hoặc thông báo của cơ quan có thẩm quyền.
Áp dụng hình thức kỷ luật bãi nhiệm đối với cán bộ có hành vi vi phạm theo quy định của luật Tổ chức Quốc hội, luật Tổ chức chính quyền địa phương, luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và quy định khác của pháp luật có liên quan.