Thông tin được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy chia sẻ tại hội nghị bàn giải pháp phát triển ngành sầu riêng bền vững diễn ra chiều 24.5, tại Đắk Lắk.
“Sầu riêng phải sạch trong toàn bộ chu trình sản xuất”
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) phê duyệt thêm gần 1.000 mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng Việt Nam là một tín hiệu tích cực cho hoạt động xuất khẩu chính ngạch thời gian tới.

Siết chặt kiểm soát chất lượng, quản lý để ngành sầu riêng xuất khẩu bền vững
ẢNH: ĐÌNH TUYỂN
Nhưng kết quả này “không bỗng dưng mà có”, vừa qua khi sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc có vi phạm về kiểm dịch thực vật, Bộ Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo các cơ quan chức năng đồng loạt vào cuộc, phối hợp cùng các địa phương, doanh nghiệp điều tra nguyên nhân, áp dụng các biện pháp khắc phục và có báo cáo phản hồi cho phía GACC.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định, ngành nông nghiệp “không ngồi yên” và thường xuyên trao đổi, phối hợp làm việc với GACC.
“Trong tuần tới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sang làm việc trực tiếp với GACC tiếp tục giải quyết khó khăn về quy trình kiểm tra thông quan để dòng chảy xuất khẩu sầu riêng được thông thoáng, thuận lợi”, Bộ trưởng Duy nói.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp và môi trường cho rằng, ngành sầu riêng Việt Nam khởi đầu muộn hơn so với nhiều quốc gia xuất khẩu lớn nhưng có bước tiến vượt bậc trên thị trường thế giới.
Việt Nam ký được nghị định thư với Trung Quốc – thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất toàn cầu. Đây không chỉ là cơ hội mở cửa thị trường mà còn đặt ra tiêu chuẩn mới cho sản xuất, truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng sầu riêng.
Nhưng vừa qua, một số trường hợp gian lận mã số vùng trồng gây tổn hại uy tín của ngành hàng trên thị trường quốc tế nhưng hệ thống pháp lý, chế tài xử lý vẫn còn thiếu và chưa đủ sức răn đe.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang xây dựng dự thảo, sẽ sớm ban hành thông tư quản lý chặt chẽ mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Trong đó, bổ sung chế tài, nếu cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện vi phạm thì lập tức thu hồi, không cần chờ GACC thông báo.
“Chúng ta đã có sầu riêng chất lượng tốt, sầu riêng ngon không thua kém Thái Lan, Malaysia nhưng bây giờ phải là trái sầu sạch, an toàn trong toàn bộ chu trình sản xuất”, ông Duy nói.
Xuất khẩu sầu riêng Việt Nam “lép vế” trước Thái Lan
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ngành xuất khẩu sầu riêng 4 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn, dù thị trường Trung Quốc đang trên đà hồi phục nhập khẩu loại trái cây này sau thời gian dài sụt giảm.
Trong tháng 4, Trung Quốc nhập hơn 61.000 tấn sầu riêng, trị giá 345,2 triệu USD, tăng hơn 270% so với tháng 3.
Thái Lan là nhà cung cấp sầu riêng lớn nhất cho thị trường Trung Quốc. Ước tính mỗi ngày có khoảng 500 container (khoảng 10.000 tấn) sầu riêng Thái Lan được xuất khẩu vào Trung Quốc.
Sầu riêng Thái Lan được mở “luồng xanh” xuất khẩu vào Trung Quốc với cơ chế ưu tiên thông quan 24/24 giờ, thời gian cho mỗi container được rút ngắn còn 1/3 so với trước đây.
Trong khi đó, 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sầu riêng Việt Nam chỉ đạt 35.000 tấn, trị giá từ 120 – 130 triệu USD, còn Thái Lan đạt 71.000 tấn, thu về gần 287 triệu USD.
Hiện tại, Trung Quốc yêu cầu kiểm tra 100% các lô hàng sầu riêng Việt Nam đối với một số chỉ tiêu nhất định, đặc biệt là liên quan đến chất cấm như cadimi và auramine O (vàng ô).