
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà – Ảnh: GIA HÂN
Ngày 28-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi.
Chính quyền địa phương sẽ rõ thẩm quyền, không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết dự thảo định rõ thẩm quyền của chính quyền địa phương 2 cấp, khắc phục triệt để sự chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền địa phương.
Giảm đầu mối, bỏ cấp trung gian, tinh gọn tổ chức bộ máy, bảo đảm hoạt động thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính từ trung ương đến cấp xã; xây dựng chính quyền gần dân, sát dân, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân trên địa bàn.
Tiếp tục đẩy mạnh phân quyền, phân cấp giữa cơ quan nhà nước ở trung ương với địa phương; giữa chính quyền địa phương cấp tỉnh với chính quyền địa phương cấp xã theo nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”…
Đồng tình với việc sửa đổi căn bản, toàn diện dự án luật, song Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, chỉnh lý, làm rõ thêm một số nội dung trong dự thảo.
Như việc quy định UBND cấp xã có thẩm quyền phân cấp cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình có đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền cấp xã gần dân, sát dân, chịu trách nhiệm về mọi vấn đề ở địa phương hay không?
Có nên quy định HĐND cấp xã lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu hay không, trong khi quy định 96 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị và nghị quyết số 96/2023 của Quốc hội về nội dung này đều đang quy định không lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh tại HĐND, UBND cấp xã?
“Trường hợp bổ sung quy định này thì đề nghị cơ quan trình cần được báo cáo, xin ý kiến của cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua”, ông Tùng nêu.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý, cấp xã sắp tới sau sắp xếp có nhiều loại, như TP Phú Quốc thành đặc khu, có xã lớn hơn cả huyện nên nếu không phân cấp cho phòng trực thuộc và trung tâm hành chính công làm việc cụ thể dẫn đến khó khăn.
Do đó dự luật nên nghiên cứu quy định “có thể” trong phân cấp để đảm bảo linh hoạt, phù hợp với thực tiễn.
Ông Định lưu ý việc quy định tổ chức bộ máy, nếu tổ chức các phòng, rồi có trưởng, phó phòng trong khi biên chế dự kiến chỉ khoảng 32 người có hợp lý hay không?.
“Nhiều phòng thì có khi đi chuyên sâu mà khó làm tổng hợp. Cán bộ xã phải như con dao pha, làm được nhiều việc, giờ chia ra ông nào làm việc ông đấy thì có khi dẫn đến khó huy động lực lượng tổng thể, nhất là khi đột xuất, cấp bách”, ông nói và đề nghị nghiên cứu quy định phù hợp.
Nhiều lãnh đạo quá rất khó đáp ứng các mục tiêu
Báo cáo giải trình sau đó, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng theo quy định 96 của Bộ Chính trị thì không lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh tại HĐND, UBND cấp xã.
Song hiện nay địa vị pháp lý, chức năng nhiệm vụ và đặc thù hoạt động của cấp xã mới rất khác. Do đó ban soạn thảo tiếp thu ý kiến và điều chỉnh theo hướng sẽ thực hiện lấy phiếu tín nhiệm theo quy định của cấp có thẩm quyền.
Về tổ chức cơ quan chuyên môn của chính quyền địa phương cấp xã, Bộ trưởng Trà cho biết khi xây dựng đề án không tính theo cách sắp xếp cơ quan chuyên môn, mà tính luôn theo vị trí việc làm. Bây giờ bình quân có 21 cán bộ công chức và 17 vị trí việc làm.
Định hướng ban đầu theo vị trí việc làm là điều chỉnh tăng lên từ 17 lên 23 vị trí việc làm, mỗi vị trí có việc làm chung thì rất thuận cho việc vận hành, giảm bớt đi số lượng lãnh đạo.
Còn thêm các phòng ban chuyên môn thì theo tính toán của chúng tôi, số lượng lãnh đạo dự kiến chiếm tỉ lệ trên 1/3.
“Nếu bên Đảng thêm 3 phòng, bên chính quyền dự kiến phương án khoảng 4 phòng và tương đương, như vậy có 7 phòng, thuần túy mà nói nhân lên đã có 14 lãnh đạo rồi.
Nếu cộng lại rất nhiều nên chúng tôi rất sốt ruột, báo cáo đề xuất Tổng Bí thư theo hướng không tổ chức”, bà Trà nêu.
Tuy nhiên cũng rất khó vì đây là cấp chính quyền hoàn chỉnh nên phải có tổ chức bộ máy, nhưng đồng thời phải phát huy vai trò vận hành chung theo hướng linh hoạt.
Vì vậy nên giao địa phương căn cứ quy mô phát triển, quy mô dân số và đặc thù để bố trí cơ quan chuyên môn và tương đương hoặc bố trí theo vị trí việc làm. Chính phủ sẽ hướng dẫn chi tiết nhưng phải phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương để định hình bộ máy.
Bà nêu thêm nếu đã làm lãnh đạo xã thì kiêm nhiệm. Ví dụ bí thư kiêm chủ tịch HĐND, phó bí thư kiêm chủ tịch ủy ban MTTQ cấp xã, trưởng các ban HĐND phải kiêm trưởng các tổ chức đảng hoặc tổ chức chính trị – xã hội.
Phó chủ tịch ủy ban kiêm giám đốc trung tâm hành chính… để giảm bớt số lãnh đạo và cũng không nhất thiết bố trí cấp phó của cơ quan chuyên môn.
“Còn nếu lãnh đạo tầng nấc như thế này, nhiều lãnh đạo quá rất khó đáp ứng mục tiêu khẩn trương, cấp bách phục vụ người dân một cách hiệu quả và tốt nhất”, bà Trà nói thêm.