Bộ tứ sông Hồng: Nửa thế kỷ viết tình ca trên quê hương

Bộ tứ sông Hồng: Nửa thế kỷ viết tình ca trên quê hương

bởi

trong
Bộ tứ sông Hồng: Nửa thế kỷ viết tình ca trên quê hương

Trong bộ tứ, Dương Thụ và Nguyễn Cường cùng sinh năm 1943, Phó Đức Phương sinh năm 1944, còn Trần Tiến sinh năm 1947.

Một hôm, Dương Thụ nói “bây giờ nói với cánh nhà báo đừng gọi bọn mình là nhóm tứ quái nữa; gọi “bộ tứ Hà Nội” chẳng hạn, cho nó giản dị, khiêm tốn, người ta khỏi ghét”.

Tới năm 2018, ca sĩ Tùng Dương tổ chức đêm nhạc đặc biệt lấy tên gọi là Tùng Dương hát Bộ tứ sông Hồng. Cái tên “Bộ tứ sông Hồng” ra đời. Đó cũng là đêm nhạc đầu tiên và duy nhất làm về bốn ông và có đủ bốn ông. Bởi hai năm sau đó nhạc sĩ Phó Đức Phương về với “đỉnh Phù Vân”, tạm biệt ba người bạn của mình.

Ngày Phó Đức Phương mất, Nguyễn Cường viết: “Tớ và Thụ và Tiến đến với Phương đây. Nhớ mãi. Nhớ mãi. Thương lắm Phương ơi”. 

Còn Trần Tiến thì thủ thỉ: “Ở nơi anh đến. Nhớ kiếm vài hòn đá trong rừng yên tĩnh, để nhóm bốn anh em cùng ngồi. Bên ly rượu hồ đào, bên một nàng tiên ít nói. Mình nhâm nhi và lặng lẽ ngắm cái đẹp với một chút lâng lâng”.

Bốn ông bốn màu

Nhạc sĩ Dương Thụ kể với Tuổi Trẻ lúc đó ông ngạc nhiên khi thấy Tùng Dương làm live show và gọi các ông là Bộ tứ sông Hồng. “Chẳng biết anh chàng này nghĩ gì. Tôi nhận lời gửi bài vì được chọn bài cùng với ba người bạn của mình thì cũng hay hay. Thực sự tôi chẳng suy nghĩ gì hết. Nghe chữ Bộ tứ sông Hồng có vẻ ghê quá”, ông nói.

Vốn là bạn bè thân thiết từ những lúc còn vô danh nhưng về âm nhạc, đúng là bốn ông bốn màu. Và như Dương Thụ tự nhận ở một phương diện nào đó, ông còn không giống ba người còn lại.

Phó Đức Phương say mê tuồng cổ, thích chèo, ca trù. Nguyễn Cường mê âm nhạc dân gian các vùng miền (cả đồng bằng lẫn miền núi). 

Dương Thụ xếp hai người ấy là dân gian đương đại. Trần Tiến thì nhạc cảm rộng hơn, thiên về pop. Cả ba đều là con người của xã hội. 

Đặc biệt là Trần Tiến, nhiều bài của ông có cái gì đó như thơ Lưu Quang Vũ, Nguyễn Duy, những người đồng lứa, cũng là những nhân vật văn nghệ hàng đầu của thời kỳ đổi mới.

Không giống nhóm Những người bạn (gồm các nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Từ Huy, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Văn Hiên, Thanh Tùng) đầu thập niên 1990 mong muốn định hướng thị hiếu âm nhạc bằng những tác phẩm âm nhạc mới, trữ tình và đầy sức sống. 

Bộ tứ sông Hồng chẳng có cương lĩnh, tuyên ngôn chung gì sất. 

Các ông được gắn vào một nhóm vô tình mà hữu ý. Bởi không dễ gì mà âm nhạc Việt Nam cùng lúc có bốn nhạc sĩ tên tuổi, cùng bước ra từ sông Hồng.

Dương Thụ thân với Phó Đức Phương và Trần Tiến từ đầu thập niên 1960. Lúc đó ông và ông Phương học cùng Đại học Sư phạm Hà Nội (ông Thụ khoa văn, ông Phương khoa toán). 

Còn Trần Tiến mới vào Đoàn ca múa Hà Nội và cũng cùng dân Hà Nội cả. Riêng với Nguyễn Cường thì muộn hơn khi Dương Thụ, Trần Tiến và Nguyễn Cường cùng thi vào Nhạc viện Hà Nội năm 1972.

Bộ tứ sông Hồng - Ảnh 2.

Bộ tứ sông Hồng từ trái qua: Dương Thụ, Trần Tiến, Nguyễn Cường, Phó Đức Phương – Ảnh: THỤY KHA

Trong suy nghĩ của Dương Thụ, Phó Đức Phương hơi gàn, Trần Tiến hơi bụi, còn Nguyễn Cường thì cuồng nhiệt và hơi “lính cậu”.

Ông thì sao? Dương Thụ tự nhận mình “nghiêm túc và tẻ nhạt” nên họ gọi đùa ông là “giáo sư”. Nguyễn Cường dùng từ “cháo triết” để nói về Dương Thụ. Trần Tiến nói trong bốn anh em, “Thụ lớn tuổi nhất và chín chắn nhất”.

“Tính khí chẳng ai giống ai mà lại thân nhau thế mới lạ. Riêng tôi và Cường chia sẻ về chuyên môn nhiều hơn, lại cùng có giấc mơ về âm nhạc giống nhau, còn cả những cái ngoài âm nhạc nữa như chuyện Cường lấy vợ chẳng hạn”, Dương Thụ nói.

Nhạc sĩ “biết ơn cả ba, đặc biệt là Nguyễn Cường, vì họ giống như hai thầy của tôi là nhạc sĩ Nguyễn Xinh và Chu Minh, đã cho tôi lòng tin vào con đường âm nhạc của mình”.

Những câu chuyện của Bộ tứ sông Hồng không chỉ của thời đại đã qua mà còn của hôm nay, của mai sau. Những ca khúc hay một khi đã nằm lòng công chúng sẽ không bao giờ thuộc về một thời. Chúng là xuyên thời, của mọi thời.
Ca sĩ Tùng Dương

“Giang hồ Lương Sơn Bạc”

Thế hệ của Bộ tứ sông Hồng là thế hệ mang tính bản lề “sản sinh” cho nền âm nhạc Việt Nam nhiều tài năng. Ngoài Trần Tiến, Nguyễn Cường, Dương Thụ, Phó Đức Phương, còn có Thanh Tùng, Trương Ngọc Ninh, Ngọc Đại, Văn Thành Nho… Trần Tiến nói anh em gặp nhau “mừng như bão cát”.

Ông kể thực ra bốn ông quý mến và trọng tài nhau đã lâu. Có chơi nhưng chơi từng người một thôi. Ngẫu nhiên thành “băng nhóm”, nhìn lại chợt giống bọn giang hồ Lương Sơn Bạc.

Bộ tứ sông Hồng - Ảnh 3.

Họp báo Bộ tứ sông Hồng năm 2018 – Ảnh: MẠNH HÀ

Trong trí nhớ của Dương Thụ, Phó Đức Phương nổi tiếng từ năm 1966, lúc còn rất trẻ (22 tuổi) với bài Những cô gái quan họ – một trong những bài hay nhất thời bấy giờ. 

Ông nói sự xuất hiện của Phó Đức Phương “báo hiệu cho sự ra đời của một thế hệ nhạc sĩ mới”, “Phương là niềm hy vọng của nền âm nhạc cách mạng sau thế hệ đàn anh: Đỗ Nhuận, Hoàng Vân, Phan Huỳnh Điểu, Nguyễn Văn Tý, Huy Du…”. Phương tiếp tục khẳng định tài năng của mình cho đến đầu thế kỷ này với những tác phẩm nổi bật như Hồ trên núi, Một thoáng Tây Hồ, Chảy đi sông ơi, Trên đỉnh Phù Vân

Trần Tiến “xuất hiện” muộn hơn (năm 1968) nhưng không nổi bật. 

Phải 10 năm sau với Điệp khúc tình yêu, Vết chân tròn trên cát, Những đôi mắt mang hình viên đạn, Tạm biệt chim én, Giai điệu Tổ quốc, ông mới khẳng định được mình và trở thành ngôi sao trong giới sáng tác thời hậu chiến và thời kỳ đổi mới.

“Với khẩu hiệu ‘khoa học, dân tộc và đại chúng’, trong thế hệ bọn tôi thì Tiến là số một, bởi vì nhạc của Tiến vừa có học, vừa Việt Nam lại vừa dễ nghe, dễ hát”, Dương Thụ nói về bạn mình.

Nguyễn Cường “xuất hiện” sau Trần Tiến 10 năm (năm 1980) sau chuyến đi Tây Nguyên làm chương trình cho Đoàn ca múa Đắk Lắk tham dự Hội diễn ca múa nhạc toàn quốc. 

Theo lời Dương Thụ, Nguyễn Cường đã gây sốc thật sự cho giới nhạc chuyên nghiệp bởi việc khai thác chất liệu âm nhạc dân gian Tây Nguyên trên nền tảng tiết tấu nhạc nhẹ rất kích động, một thứ còn mới mẻ với công chúng nghe nhạc miền Bắc thời đó mà người ta nhại là nhạc “ục sì ục”.

Ơi M’drak, H’ren lên rẫy, Đôi mắt Pleiku náo nhiệt trên các sân khấu hội diễn và trên tivi. Nguyễn Cường với chiếc mũ cao bồi bất hủ đã trở thành thần tượng của nhiều nhạc sĩ trẻ lúc bấy giờ.

Bộ tứ sông Hồng - Ảnh 4.

Nhạc sĩ Nguyễn Cuwofng – Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Dương Thụ “xuất hiện” sau Nguyễn Cường 10 năm (1990), lặng lẽ hơn, do công của ca sĩ Lệ Quyên (ca sĩ nhạc nhẹ tiên phong tại Hà Nội, nổi tiếng trong thập niên 1980 – PV)  – trước đó đã “lăng xê” bài Hơi thở mùa xuân Tiếng sóng biển. Nhưng vì lý do nào đó, một chương trình trên tivi có thu bài nhưng khi biên tập cứ có tên ông là bỏ ra.

Trước đó, từ năm 1978 Dương Thụ có Câu hỏi trước biển, Bóng tối ly cà phê (Lệ Thu (trẻ) hát), những năm 1980 với Lắng nghe mùa xuân về (Trang Kim Yến hát), Mặt trời êm dịu (Bảo Yến hát), Bài hát ru cho anh (Thanh Lan hát)… Song do hát ở quán cà phê, ở tụ điểm ca nhạc quận 10, TP.HCM nên chẳng mấy ai biết.

“Sang thập niên 1990, Hồng Nhung biến nó thành những bài hit, đi diễn khắp nơi nên người ta biết trên đời này có một anh tên là Dương Thụ. Năm ấy tôi đã 50 tuổi”, ông nhớ lại.

Ngoài Hồng Nhung, còn có lớp ca sĩ mới mà Dương Thụ góp phần tạo dựng như Thanh Lam, Mỹ Linh, Bằng Kiều, Nguyên Thảo, Khánh Linh… Họ ra album, chạy show nhiều, tác phẩm của Dương Thụ luôn lọt top chương trình bình chọn của Làn sóng xanh.

Bộ tứ sông Hồng - Ảnh 5.

Nhạc sĩ Dương Thụ – Ảnh: ĐẬU DUNG

Tình ca trên quê hương

Trong bộ tứ, Phó Đức Phương và Nguyễn Cường có sự nghiệp “thuận” hơn cả. Dương Thụ và Trần Tiến long đong và lận đận.

Trong một bài viết cho Tuổi Trẻ, Dương Thụ tự bạch thuở bé ông ra đường không dám ngẩng mặt lên vì thành phần xuất thân, lớn lên dạy học ở Tuyên Quang thì lành ít dữ nhiều vì bênh vực bài thơ Nhất định thắng của Trần Dần và tập thơ Cửa mở của Việt Phương. 

Năm 1977, ông khăn gói vào TP.HCM dạy học ở Đại học Mỹ thuật TP; được vài năm, bỏ ra làm nhạc, làm việc đúng đắn vẫn bị mang tiếng là thương mại hóa âm nhạc để rồi gặp nhiều rắc rối khác.

Ông bạn Trần Tiến cũng chẳng kém. Do thành phần gia đình, cơ hội học hành khá hạn chế, trải qua một thời trẻ sống lang thang trong những ngõ nhỏ Hà Nội. 

Sang thời kỳ lập ban nhạc Đen Trắng, ông có nhiều ca khúc bị cho là “có vấn đề” khi đề cập tới thân phận con người và những điều nhức nhối của xã hội thời điểm đó như Rock đồng hồ, Trần trụi 87, Chuyện năm người… Đến Điệp khúc tình yêu cũng không được phép hát vì có từ “hôn”. 

Bộ tứ sông Hồng - Ảnh 6.

Một số bản nhạc của bộ tứ

Sau khi viết Rock đồng hồ, ông phải trốn ở kênh Nhiêu Lộc, được một bà cụ che chở, nuôi ăn trong sáu ngày. Tới khi nhờ một người kết nối, Trần Tiến bay ra Hà Nội gặp ông Nguyễn Văn Linh, được ông Linh nói nhạc của Trần Tiến không kích động bạo loạn mà kích động lòng yêu nước thì mọi sự mới êm.

Bộ tứ sông Hồng - Ảnh 7.

Nhạc sĩ Trần Tiến và Nguyễn Cường năm 1973 – Ảnh chụp lại từ sách Ngẫu hứng của Trần Tiến

Giai đoạn đó của chú Trần Tiến để lại một sự “chấn động” với cô cháu gái, ca sĩ Trần Thu Hà, lúc đó mới 10 tuổi. 

Nhớ lại thời gian này, Trần Thu Hà từng kể “chú rất buồn”, “nỗi buồn ấy dường như tràn ngập căn nhà của bố mẹ tôi khi chú trở về”. 

“Chú ngồi thẫn thờ rồi sau đó không hiểu sao chú biến chiếc giường 1,2m trong căn phòng 28m2 của bố mẹ thành sân khấu nhỏ. Và chú hát, hát tất cả bài hát trong tập ca khúc Đen Trắng, miệt mài say sưa và nước mắt long lanh trên gương mặt chú”.

Bốn con người, bốn con đường, bốn phong cách và bốn số phận. Họ sống và viết qua những giai đoạn gian khổ nhưng cũng trọng đại của đất nước. 

Chẳng ai giống ai nhưng “gắn bó bởi nỗi nhớ về một thời trải qua chiến tranh, một thời đổi mới, một thời đầy vui, buồn, đầy đắng cay và cả những oan ức như lời Trần Tiến từng kể. 

Song cũng là họ, nửa thế kỷ nhìn lại, trong nhọc nhằn vẫn khát sống, khát yêu và chưa bao giờ họ từ bỏ những nốt nhạc. 

Họ vẫn là những người viết tình ca trên quê hương, dù bằng cách này hay hình thức nọ, dù viết cho bản thân mình hay viết cho mọi người, cho đời.

Nghe ca sĩ Lệ Quyên hát ca khúc Hơi thở mùa xuân của nhạc sĩ Dương Thụ

Từ những năm 1980, Dương Thụ vẫn viết “con chim bồ câu bé nhỏ, bay qua vùng trời, vùng trời mùa xuân, tia nắng từ đâu đến ở, long lanh từng ô cửa, ô cửa mùa xuân” và “cho anh nắm tay em khi mùa xuân về”.

Ông nói “âm nhạc cho tôi được sống với nội tâm mình nhiều nhất”. Được sống với nội tâm là không đánh mất mình, để được tiếp tục giấc mơ về một ngày mai tốt đẹp hơn. Trong Ước ao mùa xuân, trích từ tổ khúc Bốn mùa (1968), có câu: Ước bốn mùa đều đầm ấm xuân về/ Ước con người chỉ biết có yêu thương. Có nghĩa để được sống với giấc mơ Vĩnh Cửu về con người: êm dịu như mây trắng, trong vắt như suối nguồn, vững chãi như đá núi, nồng ấm như bếp lửa.

Hay Trần Tiến, trong cuốn Ngẫu hứng, ông tự bạch: “Hãy cứ lên đường với những bất ngờ buồn vui phía trước, vết cỏ mòn để lại phía sau những con đường. Tuổi trẻ để lại phía sau chiếc gối êm, cho tuổi già úp mặt. Cuộc đời để lại phía sau một bản trường ca của mỗi số phận. Cuộc đời vẫn thế, có ai định được con đường ta đi”.

Phó Đức Phương từng chia sẻ với báo chí về bộ tứ: “Trần Tiến tạm gọi là đa tình, đầy ngẫu hứng. Chất diễn của Tiến khéo léo hơn cả trong bốn người. Dương Thụ có xu hướng thiên về vẻ đẹp của thời kỳ lãng mạn cổ điển phương Tây, đương nhiên đã được Việt Nam hóa và… Dương Thụ hóa.

Nguyễn Cường nóng bỏng, dữ dội và hết sức trực diện. Ngoài Tây Nguyên, Nguyễn Cường còn đi sâu vào mảng dân gian của khắp các vùng miền.

Còn tôi, phải nói rằng chất dân gian ăn vào máu thịt hơi thở, thấm đẫm trong âm nhạc của tôi. Không theo cách trực diện như Nguyễn Cường, khéo léo như Trần Tiến và càng không ‘classic’ như Dương Thụ. Nó là sự tiềm tàng”.

Bộ tứ Sông Hồng - nửa thế kỷ viết tình ca trên quê hương - Ảnh 1.Tùng Dương ‘tả xung hữu đột’ giữa Bộ tứ sông Hồng

TTO – Khi là chàng trai phố thị, lúc hóa thân thành ngư dân; khi ở bến sông, lúc leo tới núi…, Tùng Dương đã vượt qua cuộc ‘phân thân’ khó khăn nhất trong sự nghiệp với âm nhạc Dương Thụ, Nguyễn Cường, Phó Đức Phương, Trần Tiến.