
Hai tàu hàng va chạm nhau trên sông Lòng Tàu (huyện Cần Giờ) – Ảnh: A.K.
Buổi họp do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Xuân Sang, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường chủ trì.
4 tấn thủy sản của bà con thiệt hại
Trước đó, khoảng 22h40 ngày 25-4, lực lượng chức năng nhận được tin tàu chở container quốc tịch Panama và tàu chở hàng của Hong Kong (Trung Quốc) khi di chuyển trên sông Lòng Tàu (cách ngã ba Rạch Đôn khoảng 200m) bất ngờ va chạm nhau.
Sự cố không gây thương vong và hư hại hàng hóa, nhưng hai tàu đều bị hư hỏng, biến dạng phần mũi, làm tràn dầu trên sông.
Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị có liên quan cho hay, ngay sau khi nhận được thông tin, nhiều lực lượng có mặt triển khai huy động nhân sự và phương tiện tham gia xử lý sự cố tràn dầu.
Qua ghi nhận đến ngày 6-5, vết dầu đã lan ra hơn 30ha diện tích rừng ở Cần Giờ và bám vào các gốc cây, thân, rễ.
Vết dầu loang đến một số khu vực nuôi thủy sản trên địa bàn, gây thiệt hại hơn 4 tấn thủy sản của người dân thuộc ba xã Thạnh An, Long Hòa và Lý Nhơn.
Sở Nông nghiệp và Môi trường đã tham mưu UBND chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương thực hiện ngay các nhiệm vụ ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố.
UBND huyện Cần Giờ, Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự – phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Cần Giờ đã ban hành 10 văn bản chỉ đạo, điều hành như thành lập Sở chỉ huy tiền phương ứng phó sự cố vụ hai tàu chở hàng;
Đồng thời chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ phối hợp với cơ quan chức năng thu gom vết dầu loang trên sông, ven bờ, rác thải nhiễm dầu để đưa về tập kết và xử lý chất thải nguy hại theo quy định.
Đến nay, các lực lượng chức năng của TP.HCM và địa phương đang tiếp tục phối hợp, tham gia xử lý sự cố theo quy định. Cùng với đó là theo dõi vết dầu loang, cập nhật tình hình nuôi trồng thủy sản và thiệt hại.
Có phương án riêng xử lý tràn dầu, ô nhiễm ở Cần Giờ
Phát biểu trong cuộc họp, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết các lực lượng chức năng của TP.HCM đã bước đầu phối hợp xử lý sự cố, giảm thiểu thiệt hại xảy ra. Qua đó đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục phối hợp giải quyết sự cố tràn dầu theo thẩm quyền và nhiệm vụ được giao.
Ông Lê Đỗ Mười – cục trưởng Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam – nhận định đây là một sự cố nghiêm trọng mà bước đầu TP.HCM đã xử lý tốt. Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam sẽ tiếp tục theo sát vụ việc để có chỉ đạo kịp thời.
Ông Mười đề nghị Cảng vụ hàng hải TP.HCM tiếp tục phối hợp tốt với các lực lượng chức năng, địa phương liên quan trong xử lý sự cố tràn dầu, nhằm giảm thiệt hại về môi trường, đánh giá thiệt hại để đàm phán với chủ tàu về trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho những hộ dân bị ảnh hưởng.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Xuân Sang đánh giá cao sự chỉ đạo của UBND TP.HCM và sự phối hợp của các lực lượng chức năng trong giải quyết sự cố. Thứ trưởng đề nghị TP.HCM phải có phương án riêng ứng phó tràn dầu cho sự cố này, cũng như phương án khắc phục ô nhiễm môi trường.
Đối với ứng phó sự cố tràn dầu, TP.HCM tiếp tục thu gom dầu tràn và dầu rò rỉ ra từ hai tàu và triển khai phương án ứng phó trong quá trình cứu hộ; đánh giá tác động và đề xuất biện pháp xử lý, khắc phục.
Trên cơ sở đó thống kê, đánh giá đầy đủ thiệt hại trước mắt và lâu dài; triển khai ngay các thủ tục pháp lý về bồi thường.
Thứ trưởng giao Cảng vụ hàng hải TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai phối hợp Sở Nông nghiệp và Môi trường các địa phương rà soát có hiện tượng dầu loang từ khu vực này sang khu vực khác không, nếu có thì kịp thời báo cáo UBND TP.HCM để chỉ đạo xử lý.
Bên cạnh đó, TP.HCM xây dựng ngay phương án điều tiết giao thông trong khu vực để phục vụ công tác ứng phó sự cố tràn dầu, tránh ách tắc luồng, đảm bảo lưu thông thông suốt và công tác cứu hộ; hướng dẫn chủ tàu xây dựng phương án cứu hộ trình cấp có thẩm quyền.
Cảng vụ Hàng hải TP.HCM nhanh chóng điều tra nguyên nhân tai nạn, cân nhắc phương án giữ 2 tàu để điều tra, xác định trách nhiệm bồi thường về môi trường, các chi phí khác và khắc phục hậu quả.