Từ ngày 1.7, các cơ sở khám chữa bệnh không còn phải thực hiện thủ tục xin xác nhận nội dung quảng cáo. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc các đơn vị được quyền quảng cáo tùy ý mà chịu hậu kiểm nghiêm ngặt.
Không còn “xin phép”, nhưng không được quảng cáo sai
Ngày 15.6.2025, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 18 quy định về phân định thẩm quyền giữa chính quyền địa phương hai cấp và phân cấp trong lĩnh vực khám chữa bệnh. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1.7.2025 đến hết ngày 1.3.2027.
Điểm đáng chú ý là việc phân cấp xác nhận nội dung quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh. Cụ thể, điều 3 Thông tư 18 quy định việc cấp mới và cấp lại giấy xác nhận nội dung quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh theo điểm c, khoản 1, điều 12, Thông tư 09/2015 sẽ do người đứng đầu cơ quan chuyên môn về y tế thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện, trừ các cơ sở trực thuộc Bộ Y tế.
Theo đó, quy trình xác nhận nội dung quảng cáo được chuyển về cấp tỉnh nhằm rút ngắn thời gian xử lý. Trường hợp chỉ thay đổi tên hoặc địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm quảng cáo mà không thay đổi nội dung thì thực hiện theo Phần 3 của Phụ lục ban hành kèm Thông tư 18.

Bỏ cấp xác nhận nội dung quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh, nhưng doanh nghiệp phải làm đúng theo luật Quảng cáo và các quy định về khám chữa bệnh
ẢNH: DUY TÍNH
Tuy nhiên, chỉ 15 ngày sau, ngày 30.6.2025, Bộ Y tế ban hành Thông tư 25 quy định chi tiết thi hành một số điều của các luật liên quan như luật Bảo hiểm xã hội, luật An toàn vệ sinh lao động và một số nội dung thuộc luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Thông tư 25 chính thức có hiệu lực từ ngày 1.7 và đã bãi bỏ Điều 3 cùng toàn bộ phụ lục kèm theo Thông tư 18. Điều này đồng nghĩa quy định về phân cấp xác nhận nội dung quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh không còn hiệu lực kể từ ngày 1.7.2025.
Mới đây, tại cuộc họp hướng dẫn các quy định mới dành cho Sở Y tế các địa phương, lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết việc bãi bỏ thủ tục hành chính này đồng nghĩa với việc các cơ sở khám chữa bệnh sẽ không còn phải nộp hồ sơ đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo dịch vụ trước khi triển khai.
Tuy nhiên, các cơ sở vẫn phải tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến quảng cáo. Cơ quan quản lý sẽ thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm. Nếu phát hiện sai phạm, sẽ xử lý nghiêm.
Theo luật Quảng cáo, các hành vi bị nghiêm cấm trong quảng cáo khám chữa bệnh gồm: quảng cáo vượt quá phạm vi hành nghề, quảng cáo sai sự thật, sử dụng hình ảnh hoặc uy tín của người hành nghề hay cơ sở y tế để lôi kéo người bệnh, cũng như quảng cáo các phương pháp chưa được công nhận.
Xử phạt nghiêm nếu quảng cáo sai
Giám đốc một bệnh viện tư nhân tại TP.HCM cho biết, trước đây việc xin xác nhận nội dung quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh gặp rất nhiều bất cập. Cụ thể, mỗi danh mục kỹ thuật đều phải xin riêng. Nếu bệnh viện có danh mục đến 3.000 kỹ thuật thì việc xin phép đầy đủ có thể mất đến 10 năm. Ngoài ra, tùy từng phương tiện truyền thông mà phải làm poster, clip, pano, banner… mỗi cái phải làm hồ sơ riêng, rất rườm rà, mất thời gian và tốn kém chi phí.
“Bệnh viện được cấp phép thực hiện kỹ thuật nào thì nghiễm nhiên được quyền quảng cáo dịch vụ kỹ thuật đó. Việc yêu cầu xin phép thêm là vô lý. Cơ quan quản lý đã cấp phép thì có nghĩa là cơ sở đủ năng lực thực hiện. Bãi bỏ thủ tục xin xác nhận quảng cáo như hiện nay là bước cải cách rất tốt cho doanh nghiệp và cũng có lợi cho cơ quan quản lý”, vị này chia sẻ và nhấn mạnh cần xử phạt nghiêm nếu phát hiện quảng cáo sai.
Vị này còn ví von việc bãi bỏ này tương tự như việc thí điểm bỏ cấp phép xây dựng, người dân sẽ căn cứ vào quy hoạch để triển khai.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Sở Y tế TP.HCM
ẢNH: DUY TÍNH
Cùng quan điểm, lãnh đạo một bệnh viện tư nhân khác cũng cho rằng quy định mới rất có lợi cho các cơ sở khám chữa bệnh. Tuy nhiên, ông lưu ý công tác hậu kiểm và kiểm tra phải được thực hiện nghiêm túc.
Ông Nguyễn Thanh Đảo, Chủ tịch Hội Quảng cáo TP.HCM, cũng đánh giá tích cực bước cải cách này. Theo ông, trước đây để làm thủ tục xin xác nhận nội dung quảng cáo, doanh nghiệp phải đi qua rất nhiều khâu. Việc bỏ quy trình này đã rút ngắn một bước đáng kể, tạo thuận lợi cho người làm trong lĩnh vực quảng cáo.
“Chúng tôi đánh giá cao tinh thần cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính của Bộ Y tế. Tuy nhiên, điều đó cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải nâng cao trách nhiệm trong việc đưa ra các thông điệp quảng cáo phù hợp, chính xác, đúng quy định pháp luật”, ông Đảo nói.
Đồng thời, ông Đảo cũng khuyến cáo các cơ sở khám chữa bệnh và doanh nghiệp quảng cáo phải tuân thủ chặt chẽ các quy định tại luật Quảng cáo (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 1.1.2026, cũng như các luật liên quan.
Bộ Y tế tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính
Theo Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), sau đợt rà soát thủ tục hành chính mới nhất, Bộ Y tế dự kiến tiếp tục phân cấp và bãi bỏ 137 trong tổng số 235 thủ tục đang thực hiện tại Bộ. Cụ thể, sẽ phân cấp 78 thủ tục và bãi bỏ 59 thủ tục, giữ lại 98 thủ tục hành chính thuộc phạm vi xử lý của Bộ Y tế. Ngoài ra, đề xuất bãi bỏ thêm 29 thủ tục thuộc thẩm quyền của địa phương hoặc cơ quan khác.
Như vậy, tổng số thủ tục hành chính trong toàn ngành y tế sau cắt giảm còn 231, trong đó Bộ Y tế còn 98 thủ tục và địa phương xử lý 133 thủ tục.
Nếu tính từ năm 2020 đến nay, ngành y tế đã cắt giảm 336 trong tổng số 567 thủ tục, tương đương hơn 59,2%. Riêng trong đợt cắt giảm gần nhất, đã giảm 167 trong tổng số 398 thủ tục, đạt tỷ lệ gần 42%.