Bóng đá Việt trói mình vì tư duy ‘phất bóng cho Tây đánh đầu’

Bóng đá Việt trói mình vì tư duy ‘phất bóng cho Tây đánh đầu’

bởi

trong
Bóng đá Việt trói mình vì tư duy ‘phất bóng cho Tây đánh đầu’

Quy định giới hạn hai ngoại binh và một cầu thủ gốc Việt khiến lối chơi của các CLB ở V-League đơn điệu, bó hẹp trong công thức cũ kỹ.

Trong bối cảnh bóng đá khu vực đang chuyển mình mạnh mẽ, bóng đá Việt dường như lại đang tự “hãm phanh” chính mình bằng những chính sách chậm đổi mới và thiếu tính cạnh tranh. Nếu không sớm thay đổi, giải đấu số một Việt Nam V-League sẽ tụt lại phía sau so với các nền bóng đá trong khu vực và châu Á.

Hạn chế ngoại binh: ‘Ba ông Tây điều tiết cả đội hình’

Hiện tại, V-League chỉ cho phép mỗi đội đăng ký hai ngoại binh và một cầu thủ gốc Việt có quốc tịch Việt Nam. Quy định này khiến lối chơi của nhiều đội trở nên đơn điệu, phụ thuộc quá mức vào nhóm cầu thủ này. Thậm chí, ở không ít đội bóng, ba suất ngoại binh được phân bổ sẵn cho ba tuyến: trung vệ, tiền vệ trụ và trung phong, từ đó tạo nên kiểu chiến thuật quen thuộc: phất bóng cho “ông Tây” đánh đầu.

Hệ quả là nhịp độ và cách chơi bị bó hẹp trong một công thức cũ kỹ. HLV lo nhất không phải là đối thủ đá thế nào, mà là hôm nay ngoại binh của mình có chơi tốt không?

Trong khi đó, các giải đấu hàng đầu châu Á như Thai League, J-League hay K-League đều đã mở rộng đáng kể suất ngoại binh: Thai League cho phép đăng ký 7 ngoại binh (3 quốc tịch bất kỳ, 1 cầu thủ châu Á, 3 cầu thủ Đông Nam Á), ra sân tối đa 5 người. J-League cũng cho 5 ngoại binh ra sân không giới hạn cầu thủ ASEAN. K-League có cho tối đa 5 ngoại binh (3 quốc tịch bất kỳ, một cầu thủ châu Á, một cầu thủ ASEAN).

So sánh cho thấy V-League đang là giải đấu hạn chế ngoại binh nhất tại Đông Á, trong khi chính các ngoại binh đang là trụ cột giúp những CLB Thái Lan, Hàn Quốc tiến sâu tại AFC Champions League.

>>

Vòng luẩn quẩn của quy mô nhỏ, chất lượng thấp

V-League hiện chỉ có 14 đội, thi đấu 26 trận một mùa. Nếu cầu thủ nội không ra sân đủ 100% trận, họ chỉ chơi khoảng 20–22 trận mỗi năm – quá ít để duy trì phong độ, thể lực hay tích lũy kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao. Trong khi đó, các giải đấu khu vực có lịch thi đấu dày hơn nhiều: Thai League có 30 trận, K-League 33 trận và J-League 34 trận. Các cầu thủ tại đây chơi với cường độ cao, bình quân 3–4 ngày một trận, tạo nên sự phát triển toàn diện về thể chất và kỹ thuật.

Không chỉ ảnh hưởng đến chuyên môn, quy mô nhỏ còn khiến các CLB V-League gặp khó khăn tài chính. Với chỉ 13 trận sân nhà một mùa, trung bình 4.000 khán giả mỗi trận, lượng vé bán ra và doanh thu từ hàng lưu niệm rất thấp. Trong khi đó, J-League có 17 trận sân nhà mỗi mùa, khán giả trung bình đạt gần 15.000 người một trận, dẫn đến nguồn thu lớn hơn gấp nhiều lần.

Chưa kể, việc thiếu cạnh tranh còn dẫn đến hệ quả lệch lạc: giá cầu thủ nội tăng phi lý. Có cầu thủ thường xuyên dự bị, phong độ mờ nhạt nhưng vẫn nhận lương trên 100 triệu đồng một tháng, tăng gánh nặng tài chính với CLB. Ngược lại, cầu thủ ở Thai League hay K-League buộc phải cạnh tranh sòng phẳng với ngoại binh chất lượng, nên giá trị phản ánh đúng trình độ.

Cần tăng đội, tăng số trận, tăng ngoại binh

Để thoát khỏi vòng luẩn quẩn hiện tại, V-League cần những cải cách căn cơ:

– Tăng số đội V-League lên tối thiểu 16, tốt nhất là 18 đội, để số trận đạt mức 30–34 mỗi mùa, tiệm cận chuẩn khu vực.

– Tăng số đội ở giải hạng Nhất lên 16: tạo nguồn cầu thủ nội, sân chơi cho lớp trẻ và dự bị.

– Tăng suất ngoại binh lên 7 người, cho phép ra sân tối đa 5 cầu thủ ngoại, để tạo ra sự cạnh tranh, nâng chất lượng chuyên môn.

– Khuyến khích nhập tịch có chọn lọc: Khi giải đấu hấp dẫn hơn, nhiều ngoại binh sẽ muốn gắn bó lâu dài và có thể trở thành tài sản cho cả CLB lẫn đội tuyển quốc gia.

Bắt buộc các CLB đào tạo cầu thủ trẻ

Lo ngại rằng việc tăng ngoại binh sẽ khiến cầu thủ nội bị “gạt ra rìa” là có cơ sở. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn có thể kiểm soát bằng các điều kiện ràng buộc: Mỗi CLB bắt buộc phải sử dụng ít nhất 3 cầu thủ U25 do chính mình đào tạo ở mỗi trận đấu. CLB nào không đạt tiêu chuẩn đào tạo trẻ có thể bị xử phạt hoặc đóng góp vào quỹ phát triển bóng đá trẻ chung. Thậm chí, CLB không đạt chuẩn đào tạo có thể bị cấm tham dự V-League, buộc phải xuống chơi ở hạng Nhất.

Sân chơi lớn thì cần luật chơi lớn. Tăng ngoại binh không phải là đánh đổi cầu thủ nội, mà là bước đi cần thiết để nâng tầm giải đấu, thúc đẩy cạnh tranh và phát triển toàn diện. Khi được thi đấu cạnh tranh với những cầu thủ chất lượng cao, cầu thủ nội mới có cơ hội phát triển thực chất thay vì giữ chỗ bằng sự ưu ái.

Comet Small