Bữa cơm nhà thờ đậm vị tử tế ở TP.HCM, khiến người nhận khóc vì được thương

Bữa cơm nhà thờ đậm vị tử tế ở TP.HCM, khiến người nhận khóc vì được thương

bởi

trong

Khoảng độ 6 giờ sáng, trong khuôn viên phía sau nhà thờ giáo xứ Cầu Kho (Q.1, TP.HCM) bắt đầu rộn ràng tiếng nói cười. Ngày thứ năm như thường lệ, ban Caritas (làm từ thiện với tinh thần bác ái) của nhà thờ lại tụ họp nhóm lửa, tất bật chuẩn bị 100 phần cơm đậm vị tử tế cho những người có hoàn cảnh khó khăn.

Bữa cơm tử tế giữa lòng thành phố

Người nhóm lửa đầu tiên cho căn bếp nghĩa tình này là cô Vũ Thị Bông (70 tuổi, trưởng ban Caritas nhà thờ giáo xứ Cầu Kho).

Bữa cơm nhà thờ đậm vị tử tế ở TP.HCM, khiến người nhận khóc vì được thương
Bữa cơm nhà thờ đậm vị tử tế ở TP.HCM, khiến người nhận khóc vì được thương- Ảnh 2.

Cô Bông có mặt từ sáng sớm để chuẩn bị những phần cơm tươm tất cho người có hoàn cảnh khó khăn

ẢNH: HOÀI NHIÊN

Cô Bông kể, cách đây đúng một năm, trong một chuyến đi làm thiện nguyện, cô bắt gặp cảnh một nhóm người phát cơm cho người có hoàn cảnh khó khăn. Cảnh tượng ấy như níu lại trong lòng, khiến cô cứ trăn trở mãi.

“Thấy người ta làm được, mình cũng muốn làm một cái gì đó cho bà con khó khăn ở gần mình”, cô nói.

Những ngày đầu, nhóm chỉ đủ chi phí để nấu khoảng 50 phần cơm mỗi tuần. Kinh phí của bếp ăn chủ yếu đến từ tiền lợi nhuận của quầy hàng phục vụ bác ái đặt trước nhà thờ.

Bữa cơm nhà thờ đậm vị tử tế ở TP.HCM, khiến người nhận khóc vì được thương- Ảnh 3.

Quầy hàng phục vụ bác ái đặt trước nhà thờ có đầy đủ mặt hàng

ẢNH: HOÀI NHIÊN

Các mặt hàng được bán tại đây đều do tự tay các sơ làm nên, có đủ loại như cà phê, bột nghệ, bột ngũ cốc, bột sắn dây, mật ong, chà bông, sữa bò tươi…

Dần dà, bếp cơm được nhiều người biết đến. Người đến góp công, người góp gạo, người cho mắm, cho muối… Thế là, cái bếp cơm bé xíu ấy dần ấm lên bằng tình thương của rất nhiều người.

Giờ đây, sáng thứ năm nào cũng như một buổi “họp mặt” thân tình của 13 thành viên ban Caritas nhà thờ giáo xứ Cầu Kho, ai cũng đã ngoài 50 tuổi, có người hơn 70 tuổi.

Các thành viên của ban Caritas nhà thờ giáo xứ Cầu Kho tỉ mỉ chuẩn bị từng phần cơm

ẢNH: HOÀI NHIÊN

Người thì đi chợ từ chiều hôm trước, người thức dậy sớm nấu nướng, người cẩn thận gói từng hộp cơm, người lại chu đáo phân phát đến tay những người có hoàn cảnh khó khăn.

Cô Trần Thị Kim Hồng (69 tuổi, ở Q.1) là bếp chính kỳ cựu của căn bếp nhỏ này, lúc nào cũng luôn tay luôn chân không nghỉ.

“Ở tuổi này, làm được những điều nhỏ bé nhưng ý nghĩa thế này, tôi thấy rất vui. Càng làm công việc bác ái, tôi thấy mình ngày càng trẻ ra đấy chứ”, cô Hồng cười giòn giã.

Bữa cơm nhà thờ đậm vị tử tế ở TP.HCM, khiến người nhận khóc vì được thương- Ảnh 7.
Bữa cơm nhà thờ đậm vị tử tế ở TP.HCM, khiến người nhận khóc vì được thương- Ảnh 8.

Cô Hồng là bếp chính kỳ cựu của căn bếp nhỏ từ khi thành lập đến nay

ẢNH: HOÀI NHIÊN

Cô Hồng nói, hoạt động phát cơm miễn phí ở nhà thờ không phân biệt lương – giáo. Bất kể ai có hoàn cảnh khó khăn, dù thuộc tôn giáo nào cũng được nhận những phần cơm ấm áp nghĩa tình.

Chị em trong nhóm không xa lạ khi nghe cô Hồng mới đi đây, đi đó về sau một chuyến từ thiện. Cũng hơn 10 năm nay, cô Hồng cùng bạn bè đi khắp nơi, đến các vùng sâu, vùng xa để nấu cơm, phát quà bánh cho trẻ em nghèo.

“Mới bữa rồi tôi đi Kon Tum, nấu một ngàn phần bún riêu cho mấy đứa nhỏ. Thấy tụi nhỏ ăn ngon lành, tôi mừng dữ lắm”, cô kể lại.

Bữa cơm nhà thờ đậm vị tử tế ở TP.HCM, khiến người nhận khóc vì được thương- Ảnh 9.
Bữa cơm nhà thờ đậm vị tử tế ở TP.HCM, khiến người nhận khóc vì được thương- Ảnh 10.

Cơm canh được chuẩn bị nóng hổi để trao tận tay bà con có hoàn cảnh khó khăn

ẢNH: HOÀI NHIÊN

Đang cặm cụi cho cơm vào hộp, cô Nguyễn Dung (71 tuổi, ở Q.10) vui vẻ góp lời. Là cảm tình viên, cô đã gắn bó với bếp gần một năm qua.

Mỗi tuần, cô đều chạy xe từ Q.10 sang để phụ rửa rau, dọn bếp, chia cơm. “Hồi trẻ chỉ mong được nghỉ làm. Giờ mong đến thứ năm để được đi làm bác ái. Hôm nào bận ở nhà là thấy buồn buồn, thiếu thiếu”.

Bữa cơm nhà thờ đậm vị tử tế ở TP.HCM, khiến người nhận khóc vì được thương- Ảnh 11.

Cô Nguyễn Dung chỉ mong đến ngày thứ năm để đến nhà thờ làm công việc bác ái

ẢNH: HOÀI NHIÊN

Đến bếp nấu cơm từ sớm, cô Nguyễn Thị Phương Dung (61 tuổi, ở P.Cầu Kho, Q.1) luôn nở nụ cười hiền hậu. Vừa thoăn thoắt chia phần, cô vừa nhẹ nhàng nói:

“Tôi cảm thấy vui lắm, hạnh phúc lắm… Mỗi ngày được làm những điều thiện lành, lòng tôi thấy nhẹ nhàng, bình yên vô cùng”.

Suốt cả tuần, cô Phương Dung thường đi hát tại lễ đám tang theo ca đoàn và sử dụng số tiền bồi dưỡng đó để làm những hoạt động bác ái.

Những ngày không đi hát, cô lại tất bật phụ giúp tại điểm phát cơm 1.000 đồng dành cho người lao động nghèo. Riêng mỗi sáng thứ tư, cô đều có mặt từ sớm để cùng mọi người làm bánh mì, trao tận tay người thân của các em nhỏ đang điều trị gần Bệnh viện Nhi đồng 1.

Bữa cơm nhà thờ đậm vị tử tế ở TP.HCM, khiến người nhận khóc vì được thương- Ảnh 12.

Cô Phương Dung (thứ 2, từ trái sang phải) cảm thấy hạnh phúc vì được làm công việc thiện nguyện

ẢNH: HOÀI NHIÊN

“Khóc… vì được người đời thương”

Trong dòng người đến nhận cơm, có chị Nguyễn Thị Hồng Cưng (48 tuổi, quê Phú Yên) với gương mặt rám nắng, bước chân nhanh thoăn thoắt. Chị vừa đi bán vé số về, tranh thủ ghé nhà thờ nhận cơm rồi lại hối hả trở về phòng trọ.

“Tôi và gia đình cùng các cô chú lớn tuổi bán vé số thuê chung một căn trọ ở gần đây. Các cô chú lớn tuổi cũng bán vé số như tôi, người bận đi bán, người đi không nổi nên tôi xin nhận giùm luôn mấy phần”, chị nói.

Bữa cơm nhà thờ đậm vị tử tế ở TP.HCM, khiến người nhận khóc vì được thương- Ảnh 13.

Chị Hồng Cưng vừa đi bán vé số, vừa tranh thủ đến nhà thờ nhận cơm

ẢNH: HOÀI NHIÊN

Chồng chị cũng làm nghề bán vé số dạo, còn phòng trọ thì như một mái nhà chung của những người già có hoàn cảnh khó khăn, từ từ nhiều tỉnh đổ về Sài Gòn mưu sinh.

“Mỗi lần mang cơm về, ai cũng trông, cũng mừng. Cơm nhà thờ nấu ngon, đầy đặn, tươm tất, tử tế, ăn vô thấy ấm bụng lắm”, chị nói.

Trong nhóm người lặng lẽ đứng xếp hàng phía sau, có cụ bà Nguyễn Thị Hai (90 tuổi), dáng người nhỏ, lưng còng, chân đã yếu nhưng vẫn cố gắng cầm gậy, đi từng bước một đến nhà thờ nhận cơm.

Các cụ bà mừng hớn hở khi được nhận những phần cơm nóng hổi

ẢNH: HOÀI NHIÊN

“Người khỏe thì đi lẹ, còn tôi già rồi, đi bộ hơn nửa tiếng mới tới. Bữa nào không đi nổi, các cô chú ở nhà thờ mang cơm sang đến tận nhà cho tôi. Tôi quý cái tình cảm đó lắm. Có cơm ăn đã mừng, nhưng có người nhớ tới mình, tôi càng thấy ấm lòng hơn”, bà Đông nghẹn ngào.

Ông Lương Dịu Hòa (68 tuổi, ở P.Cầu Ông Lãnh) chạy xe ôm mưu sinh đã nhiều năm. Ông biết đến bếp cơm của nhà thờ cách đây hơn một năm. Từ đó đến nay, thứ năm nào ông cũng đến đều.

“Tôi nhận cơm cho mấy bà cụ trong hẻm, toàn người già yếu không ra khỏi nhà được. Mình khỏe, còn đi được thì đi giúp họ chút,” ông nói, đôi tay sạm nắng nhẹ nhàng ôm túi cơm, như ôm theo chút tình thương gửi đến những người xung quanh.

Cụ bà Hà Thị Đông (82 tuổi) chống gậy bước từng bước chậm rãi tới nhà thờ. Bà ở trong một ngôi nhà cấp 4 do ba mẹ để lại, sống cùng người con trai ngoài 50 tuổi mắc bệnh tâm thần.

Bữa cơm nhà thờ đậm vị tử tế ở TP.HCM, khiến người nhận khóc vì được thương- Ảnh 17.

Cô Bông vừa trao cơm, vừa hỏi han sức khỏe của bà Đông

ẢNH: HOÀI NHIÊN

Trước dịch Covid-19, bà đilượm ve chai kiếm tiền lo cho con. Nay tuổi cao, sức yếu, chỉ biết trông vào tình thương của hàng xóm và những bữa cơm như thế này.

“Có cơm là có niềm vui rồi. Tôi hạnh phúc lắm, sống đến tuổi này vẫn được người ta thương”, cụ cười, nhưng lại quay lưng nghẹn ngào.

Rồi cụ nói như để tự trấn an mình: “Mắt tôi yếu, hay chảy nước mắt, chứ không phải khóc đâu… Nhưng cũng có lúc tôi khóc thật. Khóc vì buồn, vì tủi, mà có khi cũng khó vì mừng, vì được người thương”.

Sài Gòn vẫn rộng lắm, vẫn vội vã lắm. Nhưng chỉ cần ở một góc nhỏ nào đó có người nấu cơm để sẻ chia, có người chờ để nhận, thì thành phố ấy vẫn còn dịu dàng.

Bữa cơm miễn phí tại nhà thờ giáo xứ Cầu Kho đã thắp ngọn lửa tình thương, an ủi, vỗ về những phận đời khốn khó.

Ở TP.HCM nghĩa tình có hàng trăm căn bếp như thế. Mỗi ngày, mỗi giờ trôi qua, lại có hàng ngàn hộp cơm ấm lòng được trao đi.