Những ngày cuối tháng 4, làng quê xã Phổ Thuận (TX.Đức Phổ) rợp bóng cờ chào mừng ngày đất nước thống nhất. Trong căn nhà nhỏ của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ngon (93 tuổi), tiếng cười nói rộn vang bên mâm cơm do cán bộ, đoàn viên Thị đoàn Đức Phổ và Xã đoàn Phổ Thuận chuẩn bị.
Mẹ Ngon chậm rãi kể lại: Năm 32 tuổi, mẹ đau đớn nhận tin chồng hy sinh trên đường công tác. Một mình gồng gánh 3 con thơ, mẹ dồn mọi yêu thương để nuôi các con khôn lớn. Nhưng rồi người con trai cả, liệt sĩ Nguyễn Đình Mùi, cũng ra đi ở tuổi chưa tròn 18 khi đang làm nhiệm vụ cách mạng. Đớn đau dồn dập, mẹ từng quỵ ngã. Nhưng rồi mẹ đứng dậy, cắm cúi trên đồng ruộng, gồng gánh nuôi hai con còn lại, lặng lẽ vượt qua những tháng ngày tối tăm. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, ký ức ấy vẫn còn nguyên vẹn trong lòng người mẹ già tóc bạc.
Gần trưa, những món ăn dân dã được bày biện trên bàn thờ gia tiên. Ông Nguyễn Sửu, con trai mẹ Ngon, kính cẩn dâng hương. Lãnh đạo địa phương và các bạn trẻ cùng thắp nén nhang tưởng niệm. Sau lễ cúng, mọi người cùng ngồi lại, dùng bữa cơm đầm ấm trong không khí thiêng liêng, gần gũi.

Bữa cơm yêu thương tại gia đình mẹ Ngon
ẢNH: TRANG THY

Anh Trương Minh Linh, Bí thư Thị đoàn Đức Phổ, tặng quà cho mẹ Ngon
ẢNH: TRANG THY
Gương mặt mẹ Ngon ánh lên niềm vui, dù đôi mắt vẫn rớm lệ. “Mấy cháu đến dọn dẹp, nấu nướng, bà vui lắm. Nhưng nhìn tụi nhỏ, bà lại nhớ thằng Mùi… Nó mất khi còn trẻ lắm”, mẹ nghẹn ngào.
Ông Nguyễn Sửu chia sẻ: “Mẹ tôi vẫn minh mẫn, nhưng rất xúc động mỗi lần có người nhắc đến con trai đã mất. Cảm ơn các cháu đoàn viên, thanh niên, cảm ơn chính quyền đã quan tâm đến mẹ”.
“Bữa cơm yêu thương” là mô hình “Dân vận khéo” được Thị đoàn Đức Phổ triển khai từ năm 2022. Không ồn ào, phô trương, mỗi tháng các cơ sở Đoàn lại về với những gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam anh hùng, người già neo đơn, trẻ em khó khăn… để cùng dọn dẹp, tặng quà, nấu một mâm cơm đủ đầy hương vị quê nhà.
Anh Trương Minh Linh, Bí thư Thị đoàn Đức Phổ, cho biết: “Tính đến nay, toàn thị xã đã tổ chức 108 “Bữa cơm yêu thương”. Qua mỗi lần như vậy, chúng tôi hiểu hơn hoàn cảnh từng gia đình, từ đó có hướng hỗ trợ lâu dài, hiệu quả”.
Mỗi bữa cơm còn là dịp để tuổi trẻ được nghe, được hiểu những câu chuyện bi tráng từ thời chiến tranh, được sẻ chia cùng những mảnh đời kém may mắn. Không ít bạn trẻ rớm lệ khi nghe người già kể chuyện mất con, hay khi trò chuyện với những đứa trẻ khuyết tật, mồ côi đang cần một bàn tay níu giữ.
Cô giáo trẻ Nguyễn Mậu Hoài Thương (Trường tiểu học và THCS Phổ Hòa) luôn tranh thủ tham gia dù công việc bận rộn. “Được tham gia bữa cơm như thế, em thấy mình sống chậm lại, biết thương hơn và muốn làm điều gì đó thật tử tế”, chị Thương chia sẻ.
“Bữa cơm yêu thương” đã lan tỏa thành hành động thiết thực, góp phần nuôi dưỡng lòng biết ơn và truyền cảm hứng sống đẹp. Đó là cách thế hệ trẻ hôm nay tri ân người đi trước, nâng đỡ người yếu thế và gìn giữ những giá trị tốt đẹp của dân tộc.