
Nhưng nay, những thủ tục đó dần trở nên phổ biến tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Không những vậy, nhà ga T3 của sân bay Tân Sơn Nhất còn ứng dụng công nghệ sinh trắc học (biometric) và sinh trắc học(AI) cho dây chuyền làm thủ tục hàng không. Chỉ bằng cách quét khuôn mặt hoàn toàn tự động, hành khách có thể “qua chốt” để làm kiểm tra an ninh. Như thế, hành khách giờ đây có thể dễ dàng thực hiện tự động chuỗi thủ tục từ lúc “check – in” cho đến lúc ra cửa chờ lên máy bay ngay cả với các chuyến bay quốc tế.
Nhờ đó, hành khách tiết kiệm rất nhiều thời gian, giảm thiểu ùn tắc ở sân bay, đồng thời giảm bớt nguồn nhân lực cho các thủ tục vừa nêu. Đây thực sự là một cuộc cách mạng của ngành hàng không VN, đem lại nhiều lợi ích kinh tế thiết thực từ việc ứng dụng hiệu quả công nghệ, thúc đẩy số hóa không chỉ ngành hàng không.
Không chỉ có thế, nhiều lĩnh vực khác cũng đang áp dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số rộng rãi. Điển hình như bảo hiểm y tế, các thủ tục hành chính công… đều đang chuyển đổi số nhanh chóng. Có lẽ trong tương lai không xa, khi hệ thống dữ liệu quốc gia hoàn thiện hơn, thì hiệu quả của việc chuyển đổi số sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa.
Không chỉ lợi ích kinh tế, việc áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số còn tăng cường tính minh bạch, hạn chế những tiêu cực trong các thủ tục hành chính mà nhiều năm qua, người ta vẫn gọi là “tham nhũng vặt” gây thiệt hại không hề “vặt”.
Với lợi đơn lợi kép như thế, để thúc đẩy đất nước phát triển thì rõ ràng chúng ta chắc chắn phải đẩy nhanh, đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số… Xu thế này diễn ra trong bối cảnh VN đang tinh giản bộ máy, cải cách thủ tục hành chính cũng như đổi mới công tác xây dựng và thực thi pháp luật. Tổng hợp tất cả các yếu tố này có thể hình thành một hệ thống quản lý xã hội ngày càng hiệu quả, minh bạch.
Trong bối cảnh như vậy, việc làm chủ khoa học công nghệ càng trở nên quan trọng hơn. Bởi khi công nghệ, giải pháp số ngày càng có vai trò quan trọng, chi phối cuộc sống, trật tự xã hội thì sẽ đặt ra những thách thức an ninh mới. Thêm vào đó, về mặt vĩ mô thì những bất ổn chính trị quốc tế đang tạo ra các tác động về cả công nghệ, nên mọi sự lệ thuộc công nghệ đều tiềm ẩn những rủi ro không nhỏ.
Từ cuối năm ngoái, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây chính là nền tảng quan trọng để thúc đẩy tự chủ và phát triển công nghệ, chuyển đổi số. Chính vì vậy, vấn đề sống còn hiện tại chính là kế hoạch hành động hiệu quả cùng đội ngũ nhân lực tương xứng.