
Một “đầu giả” ở cánh sau một con bướm. (Ảnh: Getty Images).
Trong thế giới tự nhiên khắc nghiệt, sự sống sót không chỉ phụ thuộc vào tốc độ hay sức mạnh, mà đôi khi còn đến từ khả năng đánh lừa thị giác.
Nhiều loài bướm thuộc họ Lycaenidae đã phát triển một cơ chế phòng vệ tinh vi: “đầu giả” ở cánh sau, một trong những chiến lược tiến hóa độc đáo nhất từng được ghi nhận ở côn trùng.
Các nhà côn trùng học từ Viện Giáo dục và Nghiên cứu Khoa học Ấn Độ đã công bố một nghiên cứu chuyên sâu, phân tích dữ liệu từ 928 loài bướm Lycaenid. Công trình này tập trung vào mối liên hệ giữa các đặc điểm tạo nên “đầu giả” như râu giả, đốm màu, đường viền mô phỏng đầu, các vệt hội tụ và màu sắc tương phản.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, hầu hết các đặc điểm này tiến hóa đồng thời, phản ánh một mối liên kết chức năng chặt chẽ trong việc chống lại các loài săn mồi. Đặc biệt, thằn lằn nhiệt đới, loài động vật có thị lực nhạy bén nhưng dễ bị đánh lừa bởi các hình ảnh giả lập, là mục tiêu chính của chiến lược này.

Bướm Arawacus aetolus tiến hóa với những họa tiết và đặc điểm cơ thể rất kỳ lạ, khiến kẻ săn mồi khó xác định mục tiêu (Ảnh: iNaturalist).
Điểm then chốt của chiến lược này nằm ở khả năng chuyển hướng tấn công. Cơ thể bướm, vốn giàu dinh dưỡng, thường là mục tiêu chính của kẻ săn mồi, trong khi phần cánh chỉ là lớp bảo vệ phụ.
Tuy nhiên, với “đầu giả” ở đuôi, bướm đã thành công trong việc đánh lừa kẻ săn mồi, khiến chúng mổ vào phần cánh thay vì cơ thể. Điều này không chỉ giúp cá thể bướm sống sót mà còn đảm bảo khả năng truyền gen cho thế hệ sau, trở thành một ưu thế tiến hóa quan trọng.
Một số loài bướm đã phát triển chiến lược này đến mức tinh vi. Điển hình là bướm Airamanna columbia, với sự phối hợp giữa râu giả nhô ra, đốm đỏ hình mắt và màu sắc rực rỡ, khiến phần đuôi trông như một chiếc đầu hoạt hình sống động.
Trong khi đó, bướm Arawacus aetolus lại chọn cách sử dụng hoa văn sắc nét và đối xứng để tạo hiệu ứng nhiễu thị giác, khiến kẻ thù không thể xác định được vị trí tấn công thích hợp.
“Chúng tôi phát hiện ra rằng hầu hết các đặc điểm đầu giả ở bướm đều tiến hóa theo một mô hình tương quan, có lẽ nhằm hướng tới sự phối hợp chức năng chống lại các loài ăn thịt”, các nhà khoa học cho biết.
Phát hiện này cung cấp bằng chứng tiến hóa vĩ mô cho giả thuyết rằng các loài bướm không đơn thuần chỉ thay đổi màu sắc để ngụy trang, mà đã phát triển cả một hệ thống hình ảnh có chủ đích, mang tính chiến lược cao nhằm giảm thiểu thiệt hại sinh học và đảm bảo sự tồn vong của loài.