Cà phê đặc sản Việt giá bán cao gấp đôi thế giới

Cà phê đặc sản Việt giá bán cao gấp đôi thế giới

bởi

trong

Một số lô cà phê đặc sản Việt được bán tới cả triệu đồng mỗi kg, gấp đôi của các nước.

Tại hội thảo “Cà phê Việt Nam: tăng lợi ích cho người trồng, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu” chiều 17/5 tại TP HCM, ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, nhận định Việt Nam đang hội nhập rất tốt vào ngành cà phê toàn cầu. Trong bốn tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 3,8 tỷ USD, tăng hơn 51% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong nhóm các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Sản lượng cà phê cả năm nay ước đạt từ 1,7 đến 1,8 triệu tấn. Với đà tăng trưởng hiện tại, kim ngạch xuất khẩu có thể vượt mốc 6 tỷ USD. Trong bức tranh chung đó, cà phê chế biến sâu, đặc biệt là cà phê đặc sản, đang mở ra hướng đi đầy tiềm năng nhờ giá bán cao vượt trội.

Trên thị trường quốc tế, cà phê đặc sản có giá trung bình từ 300.000 đến 500.000 đồng một kg. Tại Việt Nam, mức giá này thậm chí đã lên đến 600.000 đến 800.000 đồng một kg. Tại phiên đấu giá vào tháng 8/2024, cà phê Arabica trồng ở Hướng Hóa (Quảng Trị) đã được bán với mức kỷ lục 1,2 triệu đồng một kg.

Dù vậy, ông Minh cho rằng việc phát triển đại trà cà phê đặc sản hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân chính là quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún và phương thức canh tác vẫn mang tính tự phát. Nhiều hộ nông dân vẫn e ngại việc tuân thủ các quy chuẩn sản xuất cần thiết.





Cà phê đặc sản Việt giá bán cao gấp đôi thế giới

Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, phát biểu tại hội thảo chiều 17/5. Ảnh: Báo Người lao động

Góp thêm góc nhìn từ thực tiễn, chuyên gia Nguyễn Quang Bình nhận xét 90% sản lượng cà phê xuất khẩu hiện nay đến từ các hộ nhỏ và cực nhỏ. Những hộ này thường gặp nhiều rào cản như thiếu vốn, khó tiếp cận tín dụng ngân hàng và gặp trở ngại về chính sách hỗ trợ.

So sánh với Brazil – quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, ông Bình cho biết, ngay cả các nông trại nhỏ tại đây cũng có diện tích từ 5 đến 10 ha, được chính phủ hỗ trợ rất mạnh mẽ. Đây là yếu tố quan trọng giúp Brazil giữ vững vị thế dẫn đầu.

Để giúp nông dân Việt Nam đầu tư sản xuất cà phê nói chung và loại đặc sản nói riêng theo hướng bài bản và dài hạn, ông Bình đề xuất nâng hạn mức tín dụng cho người trồng cũng như doanh nghiệp.

Cùng với đó, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đăk Lăk (Simexco Đăk Lăk), cho rằng một trong những giải pháp quan trọng là cần nâng tỷ lệ cà phê chế biến sâu lên 40-45% tổng sản lượng, thay vì phần lớn vẫn xuất thô như hiện nay. Ông nhấn mạnh rằng việc đầu tư chế biến sâu không chỉ giúp tăng giá trị gia tăng mà còn góp phần định vị thương hiệu cà phê Việt Nam trên bản đồ thế giới. Muốn làm được điều này, các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với địa phương, tổ chức nông dân và các định chế tài chính để phát triển chuỗi giá trị bền vững.

Từ góc độ xúc tiến thương mại, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho rằng TP HCM hoàn toàn có thể phối hợp với các hiệp hội ngành hàng để tổ chức hội chợ chuyên ngành cà phê, qua đó giúp mở rộng thị trường và nâng cao nhận diện thương hiệu.

Ông Phương chia sẻ kinh nghiệm từ Hàn Quốc, nơi tỉnh Nam Chungcheong từng mời TP HCM tham dự Lễ hội sâm Geumsan – một sự kiện thu hút khoảng 800.000 lượt khách mỗi năm. Dù chỉ chiếm 20% sản lượng nhân sâm toàn quốc, Geumsan vẫn nắm giữ 80% thị phần nội địa nhờ chiến lược xây dựng thương hiệu rõ ràng và bền vững.

Không dừng lại ở sản phẩm truyền thống, doanh nghiệp Hàn Quốc còn sáng tạo bằng cách kết hợp sâm với tổ yến để tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao. Theo ông Phương, đây là hướng đi mà ngành cà phê Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi, nhất là khi người tiêu dùng thường nhớ đến hình ảnh chung của sản phẩm quốc gia như “sâm Hàn Quốc”, hơn là tên thương hiệu riêng lẻ.

Để đạt được điều đó, ông Phương nhấn mạnh ngành cà phê cần có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, hiệp hội và chính quyền địa phương. Từ năm 2000, Sở Thương mại (nay là Sở Công Thương) đã thử nghiệm tổ chức hội chợ xuất khẩu tổng hợp. Qua thời gian, mô hình này được điều chỉnh thành các hội chợ chuyên ngành như gỗ, thủ công mỹ nghệ. Hiện các hội chợ này đã được chuyển giao cho hiệp hội ngành hàng quản lý.

TP HCM đang quản lý gần 2.000 văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài và duy trì mối quan hệ chặt chẽ với nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Korcham – Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam. Ông Phương cho biết phía Hàn Quốc không chỉ có tiềm lực vốn và thị trường mà còn thể hiện mong muốn hợp tác sâu rộng với Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến thực phẩm kết hợp với nhân sâm. Sở Công Thương TP HCM khẳng định luôn sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp và hiệp hội trong việc xây dựng thương hiệu cà phê đặc sản Việt Nam ngày càng vững mạnh trên thị trường quốc tế.

Thi Hà