Thùy Trang gây chú ý qua loạt ca khúc như Trách người trong mộng, Em đi trên cỏ non, Sa mưa giông… Trong chương trình Kỷ niệm thanh xuân, khi nhắc lại chặng đường làm nghề, nữ ca sĩ cho biết trong những ngày đầu biểu diễn cho trung tâm sản xuất chương trình Mưa bụi, cô nhận cát sê 5 triệu đồng. Với Thùy Trang, đó là một số tiền lớn đến mức “cầm về nhà mà run vì sợ rơi mất”. Từ thù lao đi hát đó, nữ ca sĩ quyết định mua bộ vòng tay bằng vàng, đeo trong MV Em đi trên cỏ non – ca khúc giúp cô được khán giả yêu mến.

Thùy Trang là khách mời trong chương trình Kỷ niệm thanh xuân, lên sóng ngày 20.7 trên VTV9
Ảnh: BTC
Món trang sức được mua từ thù lao được xem là kỷ niệm khó quên đối với Thùy Trang trong chặng đường làm nghề. Sau thời gian gìn giữ, cô gửi lại cho đấng sinh thành. Giọng ca Sa mưa giông chia sẻ lý do: “Mẹ tôi thích con gái đi hát nhưng chưa bao giờ mẹ được ngồi với khán giả nhìn thấy tôi biểu diễn. Gia đình có 11 người con, mẹ vất vả lắm. Khi mất, mẹ đã để lại bộ vòng tay cho đứa em và nói: Món quà này vô giá thì để cho út giữ”.
Quan điểm làm nghề của Thùy Trang ‘Mưa bụi’
Thuỳ Trang chia sẻ khi đặt chân vào Trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (nay là Trường đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM), cô theo học môn cải lương. Chính những câu vọng cổ, những điệu hò, lý dân gian đã tạo nền tảng vững chắc cho nữ ca sĩ đến với nhạc quê hương. “Hát dòng nhạc quê hương tôi không bao giờ quên được những câu hò điệu lý, những câu vọng cổ. Bởi vì nó đã hỗ trợ cho tôi rất nhiều khi trình bày những ca khúc này”, cô thổ lộ.

Thùy Trang từng theo học cải lương trước khi bén duyên với nhạc dân ca
Ảnh: BTC
Với giọng ca Em đi trên cỏ non, mỗi khi cất giọng hát là hình ảnh quê nhà như ùa về. Từng câu hát chứa đựng tuổi thơ, khiến cô cảm thấy như đang sống trọn trong từng giai điệu. Thùy Trang nhớ lại: “Nhiều lúc tôi vô phòng thu, các nhạc sĩ nói giọng tôi sao nghe từng trải và già dặn quá!”.
Trước trào lưu các ca sĩ trẻ làm mới các ca khúc quê hương trữ tình, Thùy Trang bày tỏ sự ủng hộ. Ca sĩ Mưa bụi thẳng thắn nêu quan điểm: “Mặc dù dòng nhạc quê hương hay bị nói là xưa cũ, nhưng bây giờ các bạn trẻ đã biết cách hòa âm phối khí hiện đại, sáng tạo, và đưa nhạc quê hương ra quốc tế. Đó là điều khiến tôi rất tự hào”. Tuy vậy, nữ ca sĩ nhấn mạnh rằng việc làm mới cần có giới hạn để không đánh mất hồn dân tộc: “Mình hòa nhập nhưng không hòa tan. Làm mới thì tốt, nhưng đừng để mất gốc. Giữ được bản chất dân tộc là giữ được linh hồn của dòng nhạc này”.
Nhìn lại chặng đường đã đi qua, ca sĩ Thùy Trang không giấu được niềm hạnh phúc, may mắn khi được sống với nghề. “Còn hơi thở và còn sức khỏe, tôi sẽ cống hiến đến khi nào không còn hát được nữa”, nữ ca sĩ Mưa bụi bộc bạch.