
Bệnh tiểu đường, nhiễm trùng, ngưng thở khi ngủ dễ làm tăng thân nhiệt, có thể gây đổ mồ hôi thường xuyên, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
Đổ mồ hôi khi ngủ có thể là do nguyên nhân thông thường như mãn kinh, uống rượu hoặc ngủ trong phòng quá nóng. Tuy nhiên, nhiều bệnh lý tiềm ẩn và nghiêm trọng hơn cũng dẫn đến tình trạng này.
Rối loạn nội tiết tố gây đổ mồ hôi đêm nếu lượng serotonin – hormone kích thích bốc hỏa tăng. Bệnh cường giáp xảy ra khi cơ thể sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp cũng có thể là nguyên nhân. Người bệnh có thể bị run rẩy, bồn chồn, tuyến giáp phát triển thành bướu cổ, lo lắng và đi tiểu thường xuyên.
Ngưng thở khi ngủ gây thức giấc nhiều lần trong đêm. Một số triệu chứng phổ biến khác như khó tập trung, ngáy to, khó thở, thở gắng sức dẫn đến đổ mồ hôi. Người mắc chứng này thường cảm thấy rất buồn ngủ vào ban ngày, thức dậy với cảm giác khô miệng, đau họng… Nguy cơ ngưng thở khi ngủ tăng lên trong thời kỳ mãn kinh do hormone estrogen và progesterone suy giảm.
Các vấn đề về tim gây đau ngực, khó thở, chán ăn cùng các triệu chứng khác như đau lưng, cổ hoặc hàm, buồn nôn, mệt mỏi và đổ mồ hôi.
Ung thư hạch (u lympho Hodgkin) có triệu chứng điển hình là đổ mồ hôi đêm. Bởi khi cơ thể cố gắng chống lại khối u, phản ứng miễn dịch gây ra một số triệu chứng, trong đó có sốt để tiết mồ hôi, giúp hạ thân nhiệt. Người bệnh có thể bị sưng hạch bạch huyết dai dẳng, không đau (nhất là ở cổ, nách hoặc bẹn), ngứa, mệt mỏi, khó thở.
Bệnh tiểu đường có triệu chứng đặc trưng là lượng đường trong máu cao. Tăng đường huyết gây mệt mỏi, khó thở, chóng mặt, đau đầu. Nếu không kiểm soát đường huyết tốt vào buổi tối, người bệnh có nguy cơ cao tăng tiết mồ hôi ban đêm. Một số người đổ mồ hôi nhiều hơn khi ngủ do lượng đường trong máu quá thấp.
Béo phì, thừa cân làm tăng áp lực lên cơ thể, thân nhiệt tăng thêm, khiến người bệnh nóng hơn bình thường, kể cả khi ngủ.
Trào ngược dạ dày thực quản là nguyên nhân gây đổ mồ hôi ít phổ biến nhưng cũng có thể xảy ra. Axit dạ dày trào ngược vào thực quản gây ợ nóng, đau ngực, nôn mửa, khàn giọng khiến người bệnh mệt mỏi, khó chịu, tăng tiết mồ hôi.
Một số bệnh ảnh hưởng đến hệ thần kinh như bệnh Parkinson, rối loạn phản xạ tự chủ, cũng gây đổ mồ hôi đêm. Nếu tình trạng này kéo dài, không rõ nguyên nhân làm cản trở giấc ngủ, người bệnh nên đi khám để bác sĩ kiểm tra, tư vấn phù hợp.
Anh Chi (Theo Very Well Health)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh thần kinh để bác sĩ giải đáp |