Các công đoàn kêu gọi ông Trump giảm thuế cho Hollywood

Các công đoàn kêu gọi ông Trump giảm thuế cho Hollywood

bởi

trong

MỹCông đoàn Hollywood kêu gọi Tổng thống Donald Trump khấu trừ chi phí cho ngành giải trí, sau khi ông muốn áp thuế 100% phim sản xuất ngoài nước Mỹ.

Theo Variety hôm 12/5, các đơn vị gửi thư cho ông Trump gồm lãnh đạo của Hiệp hội Đạo diễn Mỹ (DGA), SAG-AFTRA, Hiệp hội Biên kịch Mỹ (WGA), Liên minh Quốc tế Nhân viên Sân khấu (IATSE), Teamsters, Hiệp hội Nhà sản xuất Mỹ (PGA), Producers United, Hiệp hội Điện ảnh (MPA), Liên minh Phim và Truyền hình Độc lập (IFTA) và FilmUSA. Họ nhận được sự đồng tình từ Jon Voight và Sylvester Stallone, hai trong ba nghệ sĩ được ông Trump bổ nhiệm làm “đại sứ đặc biệt” tại Hollywood, nhằm thúc đẩy sự quan tâm của tổng thống dành cho sản xuất phim.





Các công đoàn kêu gọi ông Trump giảm thuế cho Hollywood

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 8/5. Ảnh: AFP

Trong thư, các công đoàn cảm ơn ông Trump vì có động thái ủng hộ Hollywood, đưa việc sản xuất phim trở lại Mỹ. Hôm 5/5, ông nói sẽ ủy quyền Bộ Thương mại và Đại diện Thương mại Mỹ để 100% với các phim sản xuất bên ngoài Mỹ và nhập về nước này. Ông cho rằng Hollywood “đang suy tàn”, bởi các nhà sản xuất phim đến các quốc gia khác để quay phim nhằm tận dụng ưu đãi thuế.

Bức thư không đề cập vấn đề thuế, nhưng nhắc đến khoản trợ cấp liên bang, được xem là sáng kiến dài hạn để thúc đẩy nền điện ảnh. Tuy nhiên, phương án này chưa được Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đồng thuận. Các chuyên gia cho rằng hiện có hơn 80 quốc gia cung cấp ưu đãi thuế, khiến nhiều dự án có thể quay tại Mỹ nhưng thực hiện ở nước ngoài. Thư có đoạn: “Để đưa sản xuất trở lại Mỹ, các ban ngành cần có chiến lược và chính sách toàn diện, gồm các biện pháp được đề xuất trong thư cùng kế hoạch lâu dài như ưu đãi thuế liên bang cho phim và truyền hình”.

Họ đưa ra ba biện pháp, yêu cầu ông Trump đưa chúng vào gói hòa giải ngân sách đang được Quốc hội xem xét. Đầu tiên là gia hạn Điều khoản 181 Giảm thuế cho sản xuất phim và truyền hình, giúp khấu trừ tối đa 15 triệu USD chi phí sản xuất cho dự án đáp ứng điều kiện: Ít nhất 75% khoản thù lao được trả cho diễn viên, nhân sự, đạo diễn và nhà sản xuất tại Mỹ. Các công đoàn muốn tăng từ 15 triệu USD lên 30 triệu USD, có thể tới 40 triệu USD cho sản xuất ở khu vực có thu nhập thấp.

Bức thư kêu gọi hỗ trợ Điều khoản 199 đã hết hạn năm 2017, giúp giảm thuế doanh nghiệp cho một số hình thức sản xuất trong nước, trong đó có làm phim. Người trong ngành nhận định việc khuyến khích sản xuất nội địa sẽ làm cho thị trường Mỹ cạnh tranh hơn và có khả năng duy trì các công việc lương cao gắn liền sản xuất phim và truyền hình, tăng cường thúc đẩy kinh tế.

Công đoàn cũng đề nghị tái cấp phép Điều khoản 461, tạo điều kiện để các công ty chuyển khoản lỗ hoạt động ròng trong vòng tối đa 5 năm để giảm hóa đơn thuế năm trước đó. Điều khoản được đưa vào gói cứu trợ Covid-19, nhưng hết hạn vào năm 2022, giúp các công ty điện ảnh có thu nhập không đồng đều phát triển.

Ông Trump: 'Hollywood đang bị phá hủy'

Tổng thống Donald Trump: “Hollywood đang bị phá hủy”. Video: Guardian

Theo dữ liệu từ MPA, giải trí là ngành xuất khẩu hàng đầu tại Mỹ với thặng dư thương mại 15,3 tỷ USD. Giám đốc điều hành DGA Russell Hollander nói đề xuất trên là bước quan trọng để chống lại sự suy giảm sản lượng trong sản xuất phim và truyền hình. Đồng quan điểm, chủ tịch IATSE – Matthew Loeb – cho rằng ba biện pháp khấu trừ thuế sẽ giúp tăng cơ hội việc làm tại Mỹ. “Các nhân viên thất nghiệp do ưu đãi quá mức từ nước ngoài và tình trạng suy thoái kinh tế. Chính phủ liên bang phải đưa ra biện pháp để cân bằng sân chơi quốc tế”, Loeb cho biết.

Sau khi ông Trump lần đầu đề cập đến ý tưởng áp dụng thuế 100% với phim sản xuất ngoài nước Mỹ, một số chuyên gia trong ngành cho rằng việc này có thể hủy hoại ngành công nghiệp phim ảnh. Ngoài các dự án thương mại, dòng phim độc lập bị ảnh hưởng nặng do họ thường tìm đến nước ngoài để giảm chi phí, tận dụng các khoản tài trợ thông qua các thỏa thuận hợp tác. Nhà Trắng cho biết hiện chưa có quyết định cuối cùng, và sẽ tổ chức các cuộc họp trước khi tiến hành.

Quế Chi (theo Variety)