Trong chuyến du lịch châu Âu đầu hè vừa qua, một hôm đi đón cháu bé 5 tuổi học mẫu giáo lớn ở một trường công tại thủ đô Bern, Thụy Sĩ, tôi bất ngờ khi chứng kiến ngôi trường là một tòa nhà cổ rất đẹp, thoáng mát, rộng rãi, với đầy đủ trang thiết bị cho các cháu vui chơi, học tập. Đó là trường Brunnmatt, một trường công dành cho các cháu độ tuổi từ 4-6 tuổi, với mức học phí thu theo phần trăm thu nhập của bố mẹ, nên gần như là miễn phí với các cháu con nhà có thu nhập thấp.
Ngẫm nghĩ câu chuyện về trường Brunnmatt, tôi nhớ lại hơn một phần tư thế kỷ trước, khi tôi công tác ở Anh, cậu con trai út 2 tuổi rưỡi của tôi được học miễn phí suốt 3 năm tại Saint Mary Abbott School – một trường công do nhà thờ bảo trợ, với tòa nhà cổ kính đầy đủ tiện nghi, nằm ngay trung tâm thủ đô London. Những ngôi trường to đẹp, tọa lạc ở vị trí đất vàng như vậy, có rất nhiều ở những nơi khác khắp châu Âu, bao gồm cả Nam Tư cũ (nay là Serbia) – nơi tôi từng đến học tập từ 50 năm trước.

Khu vực phường Nhân Chính, Thanh Xuân (Hà Nội) nhìn từ trên cao (Ảnh minh họa: Hữu Nghị)
Sau khi về nước công tác, có dịp đi nhiều nơi trên mọi miền Tổ quốc, tôi rất vui mỗi khi được chứng kiến những ngôi trường khang trang, lớp học rộng rãi, bàn ghế mới. Trong điều kiện một nước đang phát triển, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm đầu tư cho cơ sở hạ tầng trường lớp với quan điểm “giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Đúng như lãnh đạo ngành Giáo dục từng nói “Một đất nước trọng học và hiếu học cũng cần thể hiện ở những ngôi trường khang trang, để thầy cô tác nghiệp và học sinh học hành”.
Theo thống kê, đến hết năm 2023, cả nước đạt tỷ lệ phòng học kiên cố hóa là 86,6%, tăng 20,7% so với năm 2013. Tỷ lệ này tăng đáng kể trong giai đoạn 10 năm, tuy nhiên, vẫn còn đó số lượng hơn 10% phòng học chưa kiên cố hóa, chủ yếu tập trung ở các tỉnh khu vực miền núi, vùng khó khăn. Ở một số thành phố lớn, tuy các trường học nhìn chung đều khang trang nhưng lại bị quá tải, và đây là bài toán không dễ giải quyết trong bối cảnh đất chật người đông.
Thực hiện chủ trương “sắp xếp lại giang sơn”, theo số liệu Bộ Nội vụ tổng hợp, trước sắp xếp có tổng cộng 38.182 trụ sở công ở cấp tỉnh, trong đó, 33.956 trụ sở sẽ được tiếp tục sử dụng, còn lại 4.226 trụ sở được xác định là dôi dư. Đến đây bài toán nêu trên đã có lời giải, khi trong các phát biểu vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần đề cập đến việc các trụ sở dôi dư có thể làm trường học, trạm y tế.
Có thể nói, việc cải tạo trụ sở công thành trường học là giải pháp nhanh chóng nhất góp phần giải quyết tình trạng thiếu trường học trên cả nước hiện nay, hơn nữa các trụ sở công đều ở vị trí trung tâm, thuận tiện cho việc đi học của nhiều học sinh. Để thực hiện gợi mở của Tổng Bí thư sao cho hiệu quả, đòi hỏi sự vào cuộc trách nhiệm và khẩn trương của ngành Giáo dục và đặc biệt là của các địa phương từ cấp tỉnh đến cấp xã.
Trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin kiến nghị một số vấn đề sau:
Thứ nhất, các địa phương cần công khai trên cổng thông tin điện tử và các phương tiện truyền thông số lượng trụ sở công dôi dư kèm các thông tin về vị trí, diện tích, công năng hiện tại, dự kiến phương án sử dụng; số lượng trường học cần xây mới, cải tạo trên địa bàn; cụ thể những trụ sở công dôi dư nào sẽ được chuyển thành trường học… Công khai thông tin như vậy thì người dân mới có cơ sở để biết, để bàn và giám sát.
Thứ hai, nên ưu tiên cho giáo dục phổ thông và mầm non. Sau khi rà soát kỹ toàn bộ trụ sở công dôi dư trên địa bàn, các địa phương nên sử dụng những trụ sở cũ, nhà cửa ít giá trị nhưng có diện tích đất lớn để xây dựng trường lớp mới ở những nơi đang có nhu cầu cao.
Đặc biệt, đây là dịp chính quyền phường/xã quan tâm dành số lượng thỏa đáng trụ sở công dôi dư để mở rộng mạng lưới trường mẫu giáo công lập đang rất thiếu hiện nay. Việc này sẽ góp phần cụ thể hóa chiến lược ưu tiên phát triển nguồn nhân lực từ những cấp học đầu tiên, đồng thời phù hợp với định hướng ưu tiên dành những điều kiện tốt nhất có thể cho trẻ em mẫu giáo, lứa tuổi nền móng đặc biệt quan trọng trong hệ thống giáo dục.
Thứ ba, việc cải tạo trụ sở công – vốn được thiết kế để phục vụ hành chính, sang trường học sẽ cần nguồn kinh phí nhất định, thậm chí có thể phải xây dựng mới hoàn toàn. Các địa phương có điều kiện kinh tế thì chủ động bố trí ngân sách cho việc này; nếu không, có thể lên phương án đấu giá, cho thuê theo đúng quy định pháp luật đối với một số trụ sở công dôi dư có giá trị kinh tế để tạo nguồn lực cho việc này.
Hiện nay chính quyền địa phương hai cấp mới vận hành, đang bộn bề công việc, nhưng thiết nghĩ việc chuyển trụ sở công dôi dư thành trường học nên được xếp vào nhóm việc quan trọng, không thể trì hoãn. Bởi lẽ, nếu không được giải quyết khẩn trương, nhiều trụ sở công dôi dư sẽ nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng, gây ra sự lãng phí lớn hoặc có thể được sử dụng vào mục đích khác trong khi trên địa bàn vẫn thiếu trường học.
Có một điều chắc chắn là trụ sở công dôi dư chứ không dư thừa nếu được sử dụng vào những mục đích phù hợp, bao gồm chuyển thành trường học, trạm y tế.
Tác giả: Ông Ngô Tiến Long là nhà ngoại giao đã nghỉ hưu; nguyên là Cục trưởng Cục Cơ yếu Bộ Ngoại giao. Ông cũng từng là Phó Tổng Biên tập báo Quốc tế (nay là Báo Thế giới & Việt Nam).
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!