Nhiều gã khổng lồ ngành dược cam kết đầu tư lớn vào Mỹ, sau khi ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế ở mức rất cao với ngành này.
Trong một cuộc họp nội các ngày 8/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết áp thuế với dược phẩm nhập khẩu vào Mỹ “rất sớm thôi”. “Thuế sẽ ở mức rất cao, như 200% chẳng hạn”, ông nói.
Từ tháng 4, chính quyền Trump đã về dược phẩm nhập khẩu để đánh giá khả năng áp thuế nếu quá phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài. Cuộc điều tra căn cứ vào Mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại 1962. Đây cũng chính là đạo luật Tổng thống Mỹ Donald Trump viện dẫn để điều tra và áp thuế nhôm, thép, xe hơi.
Trước đây, ngành dược thường được miễn trừ khỏi các loại thuế thương mại do tính chất thiết yếu. Tuy nhiên, ông Trump nhiều lần chỉ trích ngành này có cách định giá “không công bằng” và kêu gọi các hãng đưa sản xuất trở lại Mỹ.
Trước áp lực này, nhiều hãng dược nước ngoài, như Novartis, Sanofi, Roche, cũng như các công ty trong nước là Eli Lilly và Johnson & Johnson, đã cam kết đầu tư lớn vào Mỹ.

Mỹ bắt đầu điều tra dược phẩm nhập khẩu để đánh giá khả năng áp thuế. Ảnh: Reuters
Ngành dược đang chờ báo cáo cuối cùng của cuộc điều tra, dự kiến công bố vào cuối tháng 7. Trong thời gian đó, các công ty phải chuẩn bị cho nhiều kịch bản khác nhau.
Người phát ngôn của Roche cho biết “theo dõi sát diễn biến” và làm việc với các bên liên quan, “nhằm thúc đẩy các chính sách giảm rào cản tiếp cận thuốc và xây dựng hệ thống y tế công bằng, hợp lý hơn”. Dù từng cảnh báo sắc lệnh kiểm soát giá thuốc của ông Trump có thể ảnh hưởng đến đầu tư tại Mỹ, đại gia dược Thụy Sĩ cho biết kế hoạch hiện tại vẫn được triển khai.
Tập đoàn Bayer cũng cho biết đang theo dõi các thông báo về thuế và ưu tiên bảo đảm chuỗi cung ứng, “giảm thiểu mọi ảnh hưởng tiềm tàng”.
Trong khi đó, Novartis khẳng định vẫn hợp tác với chính quyền Mỹ và các hiệp hội thương mại. Họ “chưa có thay đổi nào” trong kế hoạch đầu tư tại Mỹ.
Tổng thống Mỹ cho biết thuế với dược phẩm sẽ không có hiệu lực ngay lập tức. “Tôi cho mọi người thời hạn 1 năm, hoặc 1 năm rưỡi”, ông nói hôm 8/7.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo dù được hoãn, mức thuế như vậy vẫn có tác động tiêu cực đến giá thuốc và biên lợi nhuận của doanh nghiệp. “Thuế 200% sẽ làm tăng chi phí sản xuất, siết chặt lợi nhuận và gây gián đoạn chuỗi cung ứng, dẫn đến thiếu thuốc và tăng giá với người tiêu dùng Mỹ”, ngân hàng Barclays nhận định hôm 9/7.
Các nhà phân tích của UBS cũng cho rằng mức thuế này “gây ảnh hưởng nghiêm trọng” đến lợi nhuận, đặc biệt với các sản phẩm sản xuất ngoài Mỹ. Trong khi đó, Afsaneh Beschloss – nhà sáng lập kiêm CEO quỹ đầu tư RockCreek Group cho biết: “Đây sẽ là thảm họa với tất cả mọi người. Vì chúng ta cần các loại thuốc này, trong khi các công ty phải mất rất lâu mới có thể sản xuất được chúng tại Mỹ”.
Theo nghiên cứu của PhRMA – hiệp hội đại diện cho các hãng dược tại Mỹ, chỉ cần áp thuế 25% đã khiến giá thuốc nước này tăng gần 51 tỷ USD mỗi năm, tương đương 12,9%, nếu phần chi phí này được chuyển xuống người tiêu dùng. PhRMA gọi kế hoạch áp thuế của ông Trump là “phản tác dụng” với các mục tiêu về sức khỏe.
UBS cũng cho rằng thời gian hoãn thuế 12-18 tháng là “không đủ” để các công ty chuyển nhà máy về Mỹ. “Thông thường phải mất 4-5 năm để di dời sản xuất quy mô thương mại sang một địa điểm mới”, báo cáo viết.
Ngành dược từng vận động hành lang để được miễn trừ khỏi chính sách thuế. Tuy nhiên, hy vọng này đang dần mong manh. Mục tiêu của họ giờ chuyển sang các hiệp định thương mại.
Tháng trước, thỏa thuận thương mại Mỹ – Anh được công bố, dù còn sơ sài. Trong đó có điều khoản hai bên sẽ đàm phán “chính sách ưu đãi” cho dược phẩm và nguyên liệu dược phẩm của Anh, tùy thuộc kết quả điều tra theo Mục 232.
Các công ty dược tại Thụy Sĩ và Liên minh châu Âu cũng có thể hưởng cơ chế miễn trừ tương tự trong các hiệp định đang được đàm phán. Tuy nhiên, nếu tình hình không sớm rõ ràng, cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng đều lo ngại.
“Sự bất ổn càng kéo dài, tác động tiêu cực càng lớn”, kinh tế trưởng ING Bert Colijn kết luận.
Hà Thu (theo CNBC, Reuters)