Các lãnh đạo thế giới khi gặp trực tiếp Tổng thống Donald Trump gần đây đã áp dụng một chiến thuật mới để lấy lòng ông: Tập trung vào khen ngợi.
Họ khen kỹ năng chơi golf của Tổng thống, đề cử ông cho giải Nobel Hòa bình, thậm chí so sánh hành động của ông với một “người cha”.
Theo giới chuyên gia, những lời ca ngợi này không phải ngẫu nhiên, đặc biệt sau khi ông Trump có mối quan hệ tương đối căng thẳng với không ít lãnh đạo thế giới trong nhiệm kỳ đầu tiên.

Tổng thống Donald Trump tại căn cứ liên hợp Andrews, Maryland, hôm 6/7. Ảnh: AP
Nhiều nguyên thủ nước ngoài đã rút được kinh nghiệm rằng một trong những cách tốt nhất để xích lại gần Mỹ trong thời đại Trump là nâng tầm cái tôi của ông chủ Nhà Trắng.
“Các lãnh đạo từng tìm cách đối đầu với ông ấy đều không nhận được kết quả tốt đẹp và dường như đang có một cuộc cạnh tranh để xem ai có thể khiến ông ấy vui nhất”, Jon Alterman, chủ tịch về an ninh toàn cầu và địa chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận xét.
Alterman cho rằng các lãnh đạo thế giới đang tận dụng mong muốn được nhìn nhận như “người mang tầm vóc lịch sử” của Tổng thống Trump để “thúc đẩy lợi ích giữa họ với Mỹ”.
Mỗi quốc gia đều có những ưu tiên riêng. Đối với một số nước, mục tiêu có thể là tránh mức thuế cao từ chính quyền Trump. Những quốc gia khác lại hy vọng ông Trump sẽ giúp họ giải quyết các xung đột trong khu vực của mình. Nhưng dù lý do là gì, chiến lược họ áp dụng để đạt được lợi ích đã trở nên rõ ràng.
Nó được thể hiện trong tuần qua, khi tại cuộc gặp ở Nhà Trắng với Tổng thống Trump hôm 9/7, các lãnh đạo châu Phi đã nói rằng ông “xứng đáng nhận giải Nobel Hòa bình”. Các lãnh đạo Israel và Pakistan trước đó cũng đưa ra động thái tương tự.
“Tầm nhìn và năng lực lãnh đạo táo bạo của Tổng thống Trump đã thúc đẩy nền ngoại giao tiến bộ không phải bằng xung đột và chủ nghĩa cực đoan mà bằng hợp tác, đối thoại và thịnh vượng chung”, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu viết trong thư đề cử mà ông đã chia sẻ với ông Trump trong bữa tối tại Nhà Trắng.
Tổng thống Trump đã nhiều lần bày tỏ mong muốn giành giải Nobel Hòa bình, than phiền rằng nếu ông “mang tên Obama”, ông đã được trao giải “sau 10 giây”.
“Tôi sẽ không nhận được giải Nobel Hòa bình cho dù tôi làm gì, dù vấn đề Nga – Ukraine hay Israel – Iran, bất kể kết quả của chúng có ra sao, nhưng người dân biết và đó là tất cả những gì quan trọng đối với tôi”, ông viết trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social hồi tháng 6.
Trong diễn văn nhậm chức, Tổng thống Trump nói rằng “di sản đáng tự hào nhất” của ông sẽ khởi nguồn từ nỗ lực “kiến tạo hòa bình và đoàn kết”.
Phó thư ký báo chí Nhà Trắng Anna Kelly cho biết Tổng thống Trump có “lịch sử đã được chứng minh về việc đảm bảo hòa bình trên khắp thế giới”, nhấn mạnh ông đã làm trung gian cho thỏa thuận ngừng bắn giữa Iran và Israel, dàn xếp thỏa thuận hòa bình giữa Cộng hòa Dân chủ Congo và Rwanda, đồng thời giảm leo thang xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan.
Kelly thêm rằng “chính sách ngoại giao của Tổng thống đã mang lại kết quả rõ rệt, các đồng minh NATO cam kết chi tiêu quốc phòng tăng 5%, El Salvador đang giam những kẻ khủng bố nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ trong nhà tù của họ và các quốc gia Vùng Vịnh đã đầu tư lớn vào nền kinh tế Mỹ”.
“Nhờ sự lãnh đạo của Tổng thống Trump, nước Mỹ được tôn trọng trở lại, khiến cả thế giới an toàn và thịnh vượng hơn”, bà tuyên bố.
Các lãnh đạo thế giới không chỉ dừng ở việc ca ngợi những di sản đàm phán quốc tế của ông Trump, mà còn tập trung vào khía cạnh cá nhân của Tổng thống Mỹ.
Tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Hà Lan hồi tháng trước, Tổng thư ký NATO Mark Rutte đã so sánh Tổng thống Trump giống như một “người cha”, nhằm khắc họa tính cách mạnh mẽ của ông chủ Nhà Trắng.

Tổng thống Trump (trái) và Tổng thư ký NATO Mark Rutte tại hội nghị thượng đỉnh NATO ngày 25/6. Ảnh: AFP
Sau khi nhận về không ít bình luận trái chiều, ông Rutte tiếp tục khẳng định với truyền thông rằng Tổng thống Trump “xứng đáng có được mọi lời khen ngợi”.
“Tôi nghĩ ông ấy yêu quý tôi”, Tổng thống Trump nói về ông Rutte.
Một số lãnh đạo khác lại tận dụng sở thích chơi golf của ông Trump. Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb đã có chuyến thăm không báo trước tới Florida hồi tháng ba, nơi ông cùng ông Trump ghé thăm khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago và chơi golf. Tổng thống Senegal Bassirou Diomaye Faye mô tả người đồng cấp Mỹ là một tay golf “xuất sắc” tại cuộc gặp Nhà Trắng hôm 10/7.
“Golf đòi hỏi khả năng tập trung và độ chính xác cao, những phẩm chất cũng tạo nên một lãnh đạo vĩ đại”, ông Faye nói.
Mối quan hệ cá nhân giữa Tổng thống Trump với các lãnh đạo toàn cầu khác đã làm thay đổi lập trường của ông về một số sự kiện quốc tế, gần đây nhất là với Ukraine và Nga.
Hồi tháng hai, sau khi ông Trump đổ lỗi cho Ukraine gây ra cuộc xung đột với Nga, báo Politico đưa tin nhiều quan chức chính quyền Trump cho hay họ “rút ra được bài học khó khăn rằng công khai chỉ trích Tổng thống sẽ phản tác dụng một cách khủng khiếp”.
Tổng thống Trump tuần trước gặp người đồng cấp Volodymyr Zelensky và lãnh đạo Ukraine dường như đã tiếp thu được bài học. Ông nói rằng Kiev “rất biết ơn vì tinh thần sẵn lòng hỗ trợ” của Washington. Ông Trump sau đó thông báo sẽ nối lại viện trợ quân sự cho Ukraine.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (phải) trao thư cho Tổng thống Trump tại Nhà Trắng ngày 7/7. Ảnh: AFP
Nhưng việc xây dựng mối liên hệ cá nhân cũng chỉ có thể đi xa đến một mức độ nhất định, như chính Tổng thống Trump đã thừa nhận hồi đầu tuần.
“Chúng ta nhận được rất nhiều điều vô nghĩa từ Tổng thống Putin, nếu bạn muốn biết sự thật”, ông Trump nói trong cuộc họp nội các hôm 8/7. “Ông ấy luôn rất tử tế, nhưng hóa ra điều đó chẳng có ý nghĩa gì”.
Vũ Hoàng (Theo Politico, AFP, Reuters)