
Chiến đấu cơ mang tên lửa Taurus của Đức (Ảnh minh họa: ABC News).
Đức sẽ không chuyển giao tên lửa tầm xa Taurus cho Ukraine. Tuy nhiên, thay vào đó, Berlin sẽ tài trợ cho việc sản xuất hàng trăm hệ thống tương tự có khả năng tấn công sâu vào bên trong lãnh thổ Nga, theo đài ZDF.
Tên lửa Taurus từng được coi là vũ khí thiết yếu đối với Ukraine nhờ khả năng tấn công chính xác ở cự ly xa hơn 500km, nhắm vào các mục tiêu chiến lược phía sau phòng tuyến đối phương, như sân bay, cảng, kho hậu cần, trung tâm chỉ huy và đầu mối tiếp vận. Điều này sẽ cho phép Ukraine phá vỡ chuỗi hậu cần và hệ thống chỉ huy của Nga.
Vũ khí đầu tiên trong chương trình mới dự kiến sẽ được bàn giao vào cuối tháng 7, trong khuôn khổ một sáng kiến quốc phòng mới được khởi động từ tháng 5. Dự kiến sản lượng sẽ đạt đến “ba chữ số”, theo lời Thiếu tướng Christian Freuding, người đứng đầu bộ phận hỗ trợ Ukraine thuộc Bộ Quốc phòng Đức.
Sáng kiến này được thực hiện dựa trên hợp đồng giữa ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine và Bộ Quốc phòng Ukraine, với nguồn tài chính do Đức cung cấp. Theo UkrInform, chương trình này được kỳ vọng sẽ tăng cường đáng kể năng lực phòng không và tên lửa của Ukraine trong những tháng tới.
Các hệ thống vũ khí mới sẽ có khả năng xuyên sâu vào lãnh thổ Nga, có thể tấn công các kho hậu cần, trung tâm chỉ huy, sân bay và cả máy bay.
Ngoài ra, Đức cũng đang tham gia đàm phán với Mỹ nhằm mua thêm hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine. Chủ đề này sẽ được thảo luận trong chuyến thăm Washington vào tháng 7 của Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius.
Theo các đại diện Đức trong nhóm hỗ trợ Ukraine, tình hình tiền tuyến hiện vẫn vô cùng căng thẳng. Quân đội Nga đang nắm thế chủ động và tiếp tục tiến chậm nhưng vững chắc, gây thương vong cho phía Ukraine trong lúc các lực lượng Ukraine chủ yếu tập trung vào phòng thủ.
Đức đang hợp tác với các đối tác để cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không tầm trung và tầm xa, đồng thời hỗ trợ phát triển các công nghệ chống UAV mới.
Trước đó, Moscow tuyên bố sẽ đáp trả mạnh nếu Đức hỗ trợ Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công lãnh thổ Nga.
Hồi tháng 5, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Moscow sẽ xem xét chi tiết về việc Đức dỡ bỏ hạn chế về tầm bắn tên lửa cho Ukraine, nhưng ở thời điểm này, Moscow coi Berlin là bên tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột ở Ukraine.
“Nếu tôi hiểu đúng, Thủ tướng Đức Friedrich Merz đã nói rằng đất nước ông ấy có ý định tài trợ cho việc sản xuất tên lửa với bất kỳ tầm bắn nào ở Ukraine… Cả hai đều đang thổi bùng căng thẳng. Đức đang trực tiếp tham gia vào cuộc chiến này”, ông Lavrov cáo buộc.
Mặt khác, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cũng đưa ra bình luận tương tự. Ông cho rằng Đức đã là một bên tham gia đầy đủ vào cuộc xung đột ở Ukraine.
Ông Medvedev cảnh báo, nếu có thông tin về sự tham gia của binh sĩ Đức vào các vụ phóng tên lửa tầm xa vào lãnh thổ Nga, Moscow có thể đưa ra bất kỳ quyết định nào về các hành động trả đũa.