Cách học ‘đặc biệt’ của những thí sinh đạt điểm 10 ở đặc khu Phú Quý

Cách học ‘đặc biệt’ của những thí sinh đạt điểm 10 ở đặc khu Phú Quý

bởi

trong

Theo ông Lương Văn Hà – Phó giám đốc Sở GD-ĐT Lâm Đồng, trong số 6 học sinh đạt điểm 10 trong các môn thi kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua (địa bàn Bình Thuận cũ) thì có 3 thí sinh là học trò Trường THPT Ngô Quyền, đặc khu Phú Quý.

Cậu học trò đạt điểm 10 lịch sử vì đam mê

Nguyễn Bảo Long, nam sinh lớp 12C4 của Trường THPT Ngô Quyền là 1 trong 6 thí sinh đạt điểm thi cao nhất tỉnh Bình Thuận (cũ). Bảo Long đạt điểm 10 môn thi lịch sử ( tổ hợp C00) với tổng điểm thi là 28 điểm (văn 8,5, sử 10, địa lý 9,5).

Cách học ‘đặc biệt’ của những thí sinh đạt điểm 10 ở đặc khu Phú Quý

Nguyễn Bảo Long, nam sinh lớp 12C4 của Trường THPT Ngô Quyền, đặc khu Phú Quý là một trong 6 thí sinh điểm cao nhất khu vực tỉnh Bình Thuận cũ

ẢNH: NVCC

Đáng chú ý, Nguyễn Bảo Long là cậu học trò có phương pháp học khá đặc biệt. Bảo Long cho biết 2 năm đầu chọn học khối tự nhiên, nhưng sang năm học thứ 3, dù là lớp 12, vẫn mạo hiểm quyết định chọn khối C00. Lý do là đam mê môn lịch sử. “Trước quyết định “lịch sử” của em, ngay cả thầy cô dạy sử, thầy chủ nhiệm lớp và bạn thân đều ngạc nhiên, nhưng em đã thuyết phục được thầy dạy sử và cả thầy chủ nhiệm đồng ý với quyết định chuyển ban của em”, Bảo Long kể.

Sở dĩ Long chọn học khối C00 là do “muốn trở thành thầy giáo dạy sử” và quyết tâm theo đuổi môn lịch sử. Ngay từ những năm đầu học THPT, em đã đam mê lịch sử và chú ý những đặc điểm của môn học xã hội này.

Em chọn học lịch sử “không chỉ thuộc bài” mà mua thêm sách, đọc báo Đảng, các chuyên san lịch sử để “đào sâu” các chi tiết về lịch sử dân tộc. Bảo Long kể thêm cách học lịch sử của em là “chọn từ khóa” cho các câu hỏi khó.

Sau đó, tập trung vào từ khóa để giải bài tập, chứ không học thuộc lòng. Cách học này khiến em nhớ lâu và luôn biết cách phân tích, chứng minh từng giai đoạn trong mỗi bài học của môn lịch sử trong chương trình sách giáo khoa. Mặt khác, Long kể: “Trong mỗi câu hỏi của đề thi lịch sử, đều đưa ra 4 phương án trả lời. Thay vì chọn câu trả lời đúng trước, em lại đi chọn các đáp án sai trước. Khi tìm được 3 câu sai rồi, em mới quay lại chọn đáp án đúng”, Long kể.

Ở kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, với phương pháp làm bài thi như trên, khi nhận đề thi “em bình tĩnh làm bài và chỉ 20 phút sau, em đã làm xong và biết chắc em đã làm đúng hết bài thi ấy”.

Nguyễn Bảo Long sinh ra và lớn lên trên đảo Phú Quý. Ba mẹ em làm nghề nuôi trồng hải sản trên bè cá ven biển. Có những ngày sát kỳ thi, Bảo Long ngồi trên bè cá của gia đình để giải các bài khó về môn lịch sử; nhất định em sẽ thành công với ước mơ trở thành thầy giáo dạy môn lịch sử mà mình đã chọn.

Cô bé đạt điểm 10 “mỗi ngày giải 10 đề thi địa lý”

Cùng học chung lớp với Bảo Long (lớp 12C4), nhưng cô bé Phạm Thị Thanh Thảo cũng chẳng hề thua kém bạn nam. Thanh Thảo đạt điểm 10 môn địa lý kỳ thi THPT vừa qua và là học sinh xếp thứ nhì của Trường THPT Ngô Quyền khi đạt điểm thi: văn 8, lịch sử 9 và địa lý 10 (tổng điểm 27). Cô học trò nhỏ nhắn của đặc khu Phú Quý kể, ngoài việc học ở trường, chưa từng học thêm ở đâu vì sống trên đảo “đi xa là không thể”.

Cách học 'đặc biệt' của những thí sinh đạt điểm 10 ở đặc khu Phú Quý- Ảnh 3.

Phạm Thị Thanh Thảo học chung lớp 12C4 với Bảo Long, nhưng em đạt điểm 10 môn thi địa lý

ẢNH: NVCC

Tuy nhiên, bù lại Thanh Thảo tự lập cho mình một nguyên tắc và tuân thủ nguyên tắc riêng của mình. Em tự lập nhóm bạn trên không gian mạng để cùng nhau trao đổi các đề bài khó. Học thuộc các thông số trong Atlat địa lý. Những bài khó quá thì nhờ thầy cô hỗ trợ. “Vào thời điểm ôn tập sát mùa thi, mỗi ngày ít nhất em phải giải được 10 đề thi/ ngày mới chịu nghỉ”, Thảo kể.

Ba mẹ của Thảo đều là giáo viên tiểu học trên hòn đảo Phú Quý là sự hậu thuẫn luôn đứng sau các quyết định của em.

“Em ước mơ được học sư phạm môn địa lý để trở thành nhà giáo, nhưng em vẫn sợ số điểm 27 chưa chắc lọt vào được các trường sư phạm ở TP.HCM. Nếu em không lọt vào trường sư phạm ở TP.HCM, sẽ chọn trường khác để theo đuổi ước mơ làm giáo viên về đặc khu quê mình dạy học “, Thảo tâm sự.

Cũng là học trò tại ngôi Trường THPT Ngô Quyền của đặc khu Phú Quý, nhưng Nguyễn Đỗ Tuấn Tú (lớp 12A1) đạt điểm 10 môn vật lý ở kỳ thi vừa qua. Tổng điểm các môn tổ hợp A01 của Tuấn Tú là: toán 8,5, lý 10, Anh 6,75 (25,25 điểm). Ngoài quá trình học ở trường, Tuấn Tú còn tham gia một khóa học trên mạng của một thầy giáo chuyên vật lý. 

Cách học 'đặc biệt' của những thí sinh đạt điểm 10 ở đặc khu Phú Quý- Ảnh 4.

Nguyễn Đỗ Tuấn Tú (lớp 12A1) đạt điểm 10 môn vật lý ở kỳ thi vừa qua

ẢNH: NVCC

“Phương pháp học của em là phải học thật sâu lý thuyết, sau đó áp dụng để giải bài tập. Hôm bước vào phòng thi, em khá bình tĩnh, tự tin khi tiếp nhận đề thi. Em chọn giải câu 1 và câu 3 trước, vì 2 câu này dễ hơn, câu 2 khó em để làm sau. Và làm xong bài vừa khít thời gian, em tin bài thi sẽ đạt điểm cao chứ không nghĩ mình sẽ đạt điểm tuyệt đối như vậy”, Tuấn Tú kể.

Sinh ra trong gia đình có ba làm nghề đi biển, mẹ buôn bán ở chợ, nhưng Tuấn Tú ham học các môn tự nhiên. Em quyết chọn vào đại học chuyên ngành khoa học dữ liệu của ĐH Khoa học tự nhiên, thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM.

“Với điều kiện học tập trên đảo có thể chưa bằng đất liền, nhưng thành tích học tập của các học sinh đạt điểm 10 của Trường THPT Ngô Quyền, đặc khu Phú Quý rất đáng trân trọng”, ông Lương Văn Hà, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng chia sẻ.