Tổng thống Trump tìm cách thuyết phục, nhưng cũng gây sức ép và đe dọa để buộc nhóm nghị sĩ Cộng hòa “nổi loạn” ở Hạ viện thông qua Đạo luật To đẹp.
Sau Thượng viện, các nghị sĩ Cộng hòa tại Hạ viện ngày 3/7 đã bỏ phiếu thông qua “dự luật to đẹp” (OBBBA) bao gồm các điều khoản về ngân sách quan trọng nhằm phục vụ nghị trình nhiệm kỳ hai của
Tổng thống Mỹ Donald Trump chiều 4/7 (sáng 5/7 giờ Hà Nội) sẽ ký ban hành “Đạo luật To đẹp” (OBBBA) đúng hạn chót mà ông nêu nhiều lần trước đó. Nhưng để đạt mục tiêu này, ông Trump đã phải nhiều lần lên tiếng thúc giục, thương lượng, thậm chí gây sức ép để những “nghị sĩ nổi loạn” trong chính đảng Cộng hòa thay đổi quan điểm.
“Tổng thống Trump thường xuyên gọi điện cho các nghị sĩ và bật loa ngoài để cùng thảo luận về dự luật. Thành thật mà nói, ông ấy chính là lực đẩy hiện diện mọi lúc, mọi nơi phía sau đạo luật này”, một quan chức cấp cao Nhà Trắng nói với CNN.

Tổng thống Donald Trump tại sự kiện ở Des Moines, bang Iowa ngày 3/7. Ảnh: AFP
Phiên bản đầu tiên của OBBBA dài hơn 1.000 trang đã được Hạ viện thông qua hồi cuối tháng 5 và đệ trình lên Thượng viện xem xét. Tuy nhiên, một số điều khoản trong văn kiện này vấp phải sự phản đối của một số thượng nghị sĩ Cộng hòa, khiến dự luật gặp trở ngại đáng kể tại Thượng viện.
Các thượng nghị sĩ Cộng hòa bảo thủ bày tỏ lo ngại sau khi Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ ước tính OBBBA sẽ làm tăng thâm hụt khoảng 3.300 tỷ USD trong thập kỷ tới. Số khác không đồng tình về nội dung cắt giảm liên quan chương trình hỗ trợ y tế cho người thu nhập thấp Medicaid.
Trước nguy cơ dự luật không thể về đích như kỳ vọng, Tổng thống Trump sáng 24/6 tuyên bố không nghị sĩ nào được bắt đầu kỳ nghỉ mùa hè của quốc hội nếu chưa hoàn thành và thông qua “Đạo luật To đẹp”.
“Gửi những người bạn của tôi ở Thượng viện, hãy tự giam mình trong phòng nếu cần, đừng về nhà và hoàn thành dự luật trong tuần này. Hãy phối hợp với Hạ viện để họ có thể tiếp nhận và thông qua ngay lập tức. Không ai được đi nghỉ cho đến khi xong việc”, ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social.
Các thượng nghị sĩ Cộng hòa khi đó đều tỏ ý sẵn sàng ở lại thủ đô làm việc cả hai ngày cuối tuần. Nhưng sức ảnh hưởng của ông Trump tại Thượng viện không quá lớn, vẫn phải dựa nhiều vào đồng minh như Phó tổng thống JD Vance hay lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện John Thune để thuyết phục những người phản đối. Đảng Cộng hòa chiếm thế đa số sít sao 53-47 tại Thượng viện, nên họ không được phép để mất quá ba phiếu ủng hộ.
Tối 28/6, sau nhiều giờ ông Vance và ông Thune thuyết phục phe phản đối ở hậu trường, Thượng viện cũng nhất trí đưa OBBBA ra thảo luận với số phiếu 51-49.
Hai thượng nghị sĩ Cộng hòa Thom Tillis và Rand Paul đã không khuất phục trước sức ép từ Tổng thống và chọn đứng về phía phe Dân chủ. Ông Trump gọi đây là “chiến thắng tuyệt vời cho dự luật to đẹp”, đồng thời tỏ ra phẫn nộ với Tillis và Paul.
Sáng 29/6, dù là ngày Chủ nhật, Thượng viện vẫn họp và bắt đầu quy trình “vote-a-rama”, gồm hàng loạt cuộc bỏ phiếu liên tục về từng điều khoản chỉnh sửa trong OBBBA.
“Với tất cả người đảng Cộng hòa muốn cắt giảm chi phí, trong đó có tôi, hãy nhớ rằng, mọi người vẫn cần tái đắc cử. Đừng quá điên rồ!”, ông Trump đăng trên Truth Social, tiếp tục gây sức ép với các thượng nghị sĩ.
Sau thông điệp của ông Trump, một số thượng nghị sĩ từng phản đối OBBBA bắt đầu tỏ ý ủng hộ, như Ron Johnson, nhưng Tillis, Paul và bà Susan Collins vẫn kiên quyết phản đối, trong khi Lisa Murkowski, thượng nghị sĩ đại diện bang Alaska, tỏ ra do dự.
Phe Cộng hòa buộc phải điều chỉnh một điều khoản trong dự luật có lợi hơn cho bang Alaska để thuyết phục Murkowski bỏ phiếu thuận. Cuối cùng, ông Vance bỏ phiếu phá thế bế tắc, giúp Thượng viện thông qua OBBBA ngày 1/7 với tỷ lệ 51-50.

Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện John Thune (giữa) trả lời báo giới tại Đồi Capitol ngày 1/7. Ảnh: AFP
Phiên bản OBBBA được Thượng viện thông qua dài 869 trang, với một số điều chỉnh không phù hợp với một nhóm hạ nghị sĩ Cộng hòa tại Hạ viện.
Bởi vậy, khi dự luật được chuyển tới Hạ viện để xem xét ngày 2/7, 5 nghị sĩ Cộng hòa đã công khai tuyên bố phản đối, 8 nghị sĩ khác lưỡng lự và không nêu quan điểm. Nhóm nghị sĩ Cộng hòa “nổi loạn” này đủ để đánh chìm dự luật, vì thế đa số của đảng Cộng hòa tại Hạ viện là 220-212.
Theo một trợ lý, Tổng thống Trump bắt đầu can thiệp vào nỗ lực này từ 5h ngày 2/7. Lần này, ông chọn cách mềm mỏng hơn so với một tuần trước, mời các hạ nghị sĩ Cộng hòa đến Nhà Trắng bàn bạc trực tiếp.
Các cuộc gặp diễn ra trong hai giờ tại Phòng Nội các và Phòng Bầu dục, theo các nguồn thạo tin. Tổng thống Trump ký tặng, chụp ảnh lưu niệm và khen ngợi những nghị sĩ từng xuất hiện trên truyền hình. Ông cũng nhấn mạnh sẽ không có sửa đổi nào với OBBBA nữa, vì như vậy dự luật sẽ phải được đưa trở lại Thượng viện và có nguy cơ không được thông qua trước Quốc khánh Mỹ 4/7.
“Ông ấy muốn hoàn tất công việc, rất rõ ràng”, một nghị sĩ kể lại.
Tổng thống Trump kêu gọi các nghị sĩ Cộng hòa đoàn kết, không trao chiến thắng cho đảng Dân chủ bằng cách bác bỏ OBBBA, một nguồn thạo tin nói.
Sau các cuộc gặp, ông Trump trao đổi qua điện thoại xuyên đêm đến sáng sớm 3/7, tiếp tục thuyết phục các nghị sĩ còn do dự. Dù ông Trump không đề cập trực tiếp, các nghị sĩ Cộng hòa vẫn ngầm hiểu họ sẽ gặp khó khăn khi tái cử nếu phản đối OBBBA.
“Tổng thống đang có vị thế mạnh, có thể là chưa từng thấy, trong tác động đến các cuộc bầu cử sơ bộ vào quốc hội”, một nguồn tin nói. “Bất cứ ai đại diện cho những khu vực bầu cử nơi có đông cử tri ủng hộ ông Trump sẽ phải lưu tâm. Ông ấy sẽ không bỏ qua cho người phản đối nghị trình của mình”.
Dù vậy, tình thế ở Hạ viện đến chiều 2/7 vẫn bế tắc, hòm phiếu để mở suốt nhiều giờ, cho thấy nhóm “nghị sĩ nổi loạn” chưa ra quyết định cuối cùng, khiến ông Trump sốt ruột.
“Những người Cộng hòa đang chờ điều gì vậy??? Các bạn muốn chứng tỏ điều gì??? MAGA không hài lòng và sẽ khiến các bạn mất phiếu bầu”, ông Trump viết trên mạng xã hội nửa đêm 2/7, đề cập đến phong trào Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại (MAGA).
Quá nửa đêm hôm đó, Tổng thống tỏ ra mất kiên nhẫn. “Với người Cộng hòa, đây đáng lẽ phải là một phiếu ‘có’ rất dễ dàng. Thật lố bịch”, ông viết in hoa toàn bộ.
Thêm vài cuộc gọi lúc rạng sáng 3/7 và sự do dự trong đảng Cộng hòa dường như biến mất. Sau khi lãnh đạo phe Dân chủ Hakeem Jeffries sử dụng quy trình đặc biệt để phát biểu liên tục từ 4h53 đến 13h37 nhằm trì hoãn đối thủ, Hạ viện bỏ phiếu thông qua dự luật vào giữa chiều cùng ngày với tỷ lệ 218-214.

Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson ký duyệt OBBBA trước khi chuyển dự luật đến Nhà Trắng ngày 3/7. Ảnh: AFP
Hạ nghị sĩ Ralph Norman cho hay ông ban đầu định bỏ phiếu phản đối, nhưng đã thay đổi ý định sau khi Tổng thống Trump “đảm bảo” sẽ có những điều chỉnh liên quan ưu đãi thuế cho năng lượng xanh mà Thượng viện đã cắt bỏ trong dự luật.
“Tổng thống đã làm rất tốt việc trình bày cách ông có thể dùng quyền hạn của mình để khiến dự luật trở nên tốt hơn”, ông Norman trả lời CNBC.
Hạ nghị sĩ Chip Roy có quan hệ không mấy suôn sẻ với Tổng thống Trump, nhưng cuối cùng vẫn chọn ủng hộ ông. “Đó là chính trị. Chính trị là vậy. Chúng tôi rất hợp nhau”, ông Roy nói.
Hai hạ nghị sĩ Cộng hòa Thomas Massie và Brian Fitzpatrick vẫn chọn đứng về phía đảng Dân chủ và bỏ phiếu chống.
Ông Massie vốn phản đối OBBBA ngay từ đầu vì cho rằng dự luật gây thâm hụt ngân sách, tăng chi tiêu liên bang. Trong khi đó, ông Fitzpatrick từng ủng hộ OBBBA, nhưng chuyển sang phản đối vì Thượng viện cắt giảm Medicaid mạnh tay hơn phiên bản trước đó của Hạ viện.
Như Tâm (Theo WSJ, CNN, The Hill)