
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: AFP).
Cuộc xung đột Nga – Ukraine bắt đầu từ năm 2022 đã gây ra tổn thất nghiêm trọng về người và của, làm gia tăng căng thẳng địa chính trị toàn cầu. Tổng thống Mỹ Donald Trump, với cam kết thúc đẩy sớm chấm dứt xung đột, đã khởi động cách tiếp cận đầy tham vọng. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, ông đang kết hợp cả biện pháp cứng rắn (cây gậy) và những lợi ích hấp dẫn (củ cà rốt) đối với Nga.
Theo giới chuyên gia, Ukraine hiện đứng trước những thử thách chưa từng có. Với dân số giảm mạnh do di cư và thương vong, nền kinh tế đất nước này đã suy giảm nghiêm trọng, GDP chỉ còn khoảng hơn 100 tỷ USD vào năm 2024, theo Ngân hàng Thế giới. Các thành phố lớn như Kharkov và Mariupol gần như bị vùi lấp bởi các cuộc tấn công của quân đội Nga.
Tuy nhiên, tinh thần chiến đấu của quân dân Ukraine vẫn là nguồn sức mạnh lớn. Nhờ sự viện trợ quân sự, tài chính từ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), và NATO, Ukraine đã giữ vững được 80% lãnh thổ, dù cơ hội giành lại các vùng đất bị Nga kiểm soát ngày càng mong manh. Sự phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài, cùng sự thiếu hụt nhân lực và vũ khí, khiến Ukraine khó đạt được chiến thắng quân sự trước một đối thủ mạnh như Nga. Thực tế này đòi hỏi một giải pháp ngoại giao, nơi mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đặt cược vào sự khéo léo của mình.
Nước Nga, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Putin, tiếp tục theo đuổi các mục tiêu đầy tham vọng tại Ukraine; không chỉ muốn kiểm soát các vùng lãnh thổ đã chiếm đóng mà còn tìm cách “phi quân sự” và “trung lập hóa” đất nước này, theo các tuyên bố chính thức của Moscow. Tuy nhiên, cái giá phải trả là không hề nhỏ khi nhiều binh sĩ Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương.
Dù chịu sức ép từ các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, Nga vẫn duy trì được nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ, với hơn 200 tỷ USD trong năm 2024, theo Reuters. Nhưng sự ảnh hưởng lớn từ Trung Quốc cũng khiến Nga lo ngại về an ninh chiến lược lâu dài, mở ra cơ hội cho các đề xuất ngoại giao từ phương Tây.
EU và NATO đóng vai trò không thể thiếu trong hỗ trợ Ukraine. Đến nay, EU đã chi hơn 100 tỷ euro viện trợ kinh tế, quân sự kể từ năm 2022; các quốc gia Đức, Pháp, Ba Lan đi đầu trong nỗ lực này. NATO, với quyết định tăng chi tiêu quốc phòng lên 5% GDP tại Hội nghị thượng đỉnh Hague 2025 (Hà Lan), đã củng cố sự hiện diện ở sườn phía đông, đặc biệt tại các nước Baltic và Ba Lan. Tuy nhiên, sự đồng thuận trong EU và NATO không phải là tuyệt đối. Sự trỗi dậy của các đảng cực hữu ở châu Âu như AfD ở Đức hay đảng Tập hợp quốc gia ở Pháp, có thể làm lung lay sự ủng hộ dành cho Ukraine nếu xung đột kéo dài, khiến thời gian trở thành kẻ thù của Kiev.
Tổng thống Donald Trump, với cách tiếp cận ngoại giao khác biệt so với người tiền nhiệm Joe Biden, đã xác định rõ mục tiêu: một lệnh ngừng bắn thực tế thay vì hỗ trợ vô thời hạn. Ông hiểu Ukraine khó có thể đánh bại Nga trên chiến trường và một cuộc chiến kéo dài chỉ làm gia tăng nguy cơ Ukraine mất thêm lãnh thổ hoặc rơi vào tình trạng thất bại.
Tuy nhiên, những nỗ lực ban đầu của ông Trump chưa mang lại kết quả, khi Nga tiếp tục các cuộc tấn công mùa hè với quy mô lớn chưa từng thấy. Để thành công, ông Trump đang kết hợp những lợi ích hấp dẫn dành cho Nga với áp lực mạnh mẽ hơn, thay đổi tính toán chiến lược của Tổng thống Putin.
“Củ cà rốt” mà ông Trump đưa ra là triển vọng cải thiện quan hệ Mỹ – Nga và loại bỏ khả năng Ukraine gia nhập NATO. Việc khôi phục quan hệ với Washington có thể là điều mà Tổng thống Putin đang mong muốn, giúp ông củng cố vị thế trong nước. Tuy nhiên, cách tiếp cận của Nga trong vấn đề này cũng rất thận trọng, thể hiện rõ qua 6 cuộc điện đàm giữa hai nguyên thủ Nga – Mỹ từ đầu năm 2025 đến nay.
Theo New York Times, Nga cũng lo ngại về ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc, khiến việc hợp tác với phương Tây trở thành một lựa chọn. Hơn nữa, ông Trump đã công khai phản đối con đường gia nhập NATO của Ukraine, một lập trường được đặc phái viên Keith Kellogg gọi là đáp ứng “mối quan ngại chính đáng” của Nga. Việc chính thức hóa cam kết này có thể thuyết phục Tổng thống Putin rằng ông đã đạt được một phần mục tiêu chiến lược, tạo điều kiện cho một lệnh ngừng bắn.
Tuy nhiên, việc từ chối tham vọng gia nhập NATO của Ukraine là vấn đề gai góc. Đối với Kiev, NATO là “lá chắn an ninh” quan trọng trước mối đe dọa từ Nga. Để tránh làm mất lòng Ukraine, Tổng thống Trump cần đảm bảo rằng nước này vẫn nhận được sự hỗ trợ quân sự và kinh tế cần thiết để tự vệ, nhất là thông qua các cam kết viện trợ gần đây. Quan trọng hơn, ông cần làm rõ quyết định này không đồng nghĩa với việc NATO từ bỏ chính sách “cửa mở” cho các quốc gia khác như các nước Balkan, để tránh tạo ấn tượng rằng Nga có quyền phủ quyết đối với liên minh.
Bên cạnh “củ cà rốt”, ông Trump cũng sử dụng “cây gậy” để khiến Nga có thể phải trả giá đắt hơn cho hành động tấn công Ukraine. Một trong những công cụ hiệu quả nhất là các lệnh trừng phạt kinh tế. Dự luật Trừng phạt Nga năm 2025, được trình lên Thượng viện Mỹ, đề xuất áp thuế 500% lên hàng nhập khẩu từ Nga, cấm nhập khẩu uranium Nga và trừng phạt các ngân hàng giao dịch với Nga. Mỹ ra “tối hậu thư” 50 ngày đối với Nga trước khi ra quyết định.
Vũ khí là “cây gậy” mạnh mẽ hơn cả. Dù ông Trump từng tỏ ra nghi ngờ về việc viện trợ liên tục cho Ukraine như khi chỉ trích Tổng thống Zelensky trong cuộc họp tại Phòng Bầu dục, ông nhận ra rằng việc trang bị cho Ukraine là cách nhanh nhất để ngăn chặn bước tiến của Nga. Ukraine hiện tự sản xuất 40% vũ khí quân sự, chủ yếu là máy bay không người lái (UAV), giảm bớt gánh nặng tài chính cho phương Tây, theo Kyiv Post.
Thỏa thuận khoáng sản giữa Mỹ và Ukraine ký hồi tháng 4 cho phép bù đắp viện trợ quân sự thông qua quỹ đầu tư chung, cũng giúp ông Trump vượt qua rào cản chính trị trong nước. Các hệ thống vũ khí tiên tiến như Patriot, HIMARS và ATACMS đã chứng minh hiệu quả khi được quân Ukraine sử dụng, mang lại kết quả tức thì trong việc ngăn chặn đà tiến công của Nga.
Đề xuất ngừng bắn Nga – Ukraine của ông Trump, với việc đóng băng chiến tuyến hiện tại, là một giải pháp thực tế. Mỹ có thể chấp nhận rằng Nga sẽ giữ khoảng 20% lãnh thổ Ukraine, trong khi Ukraine trở thành một quốc gia dân chủ, an ninh. Để đảm bảo thỏa thuận này, một lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế, hoạt động dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc hoặc OSCE, cần được triển khai dọc theo chiến tuyến. Lực lượng này, với sự tham gia của các nước trung lập sẽ giám sát việc rút quân và ngăn chặn vi phạm bằng công nghệ hiện đại.
Đây sẽ là bước đệm để EU dẫn dắt công cuộc tái thiết Ukraine thời hậu chiến, thúc đẩy các cải cách chống tham nhũng và đưa nước này tiến gần hơn đến tư cách thành viên EU.
Nhìn xa hơn, một Ukraine ổn định sẽ là câu trả lời mạnh mẽ nhất. Để đạt được mục tiêu này, ông Trump phải tiếp tục làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn, kết hợp các biện pháp trừng phạt và hỗ trợ quân sự, đồng thời phối hợp với EU/NATO để đảm bảo an ninh lâu dài cho Ukraine.
Hội nghị thượng đỉnh NATO 2025, với cam kết tăng chi tiêu quốc phòng lên 5% GDP, là tín hiệu rõ ràng rằng liên minh sẽ không nhượng bộ trước Nga. Nhưng tương lai của châu Âu phụ thuộc không nhỏ vào việc chấm dứt xung đột này và xây dựng một “Ukraine tự do, thịnh vượng”.
Với sự cân bằng giữa ngoại giao khéo léo và sức mạnh quân sự, ông Trump có thể biến lời hứa của mình thành hiện thực, định hình lại an ninh xuyên Đại Tây Dương theo hướng tốt đẹp hơn.