Chính phủ Trung Quốc xây dựng chiến lược AI quốc gia với các trụ cột chính như chính sách ổn định, hệ sinh thái đổi mới và các ứng dụng thực tiễn.
Bộ Giáo dục Trung Quốc ngày 12/5 cho biết đang thiết lập hệ thống giáo dục sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) theo từng cấp từ tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, nhằm nâng cao nhận thức cơ bản của học sinh và thúc đẩy đổi mới công nghệ trong ngành giáo dục.
Đây là một phần trong chiến lược AI quốc gia mà chính phủ Trung Quốc đã xây dựng, với các khuôn khổ chính sách quan trọng theo Kế hoạch Phát triển AI thế hệ mới được công bố năm 2017, đặt mục tiêu đưa nước này trở thành trung tâm đổi mới AI toàn cầu vào năm 2030.
Kế hoạch này được chia thành ba giai đoạn chính, trong đó giai đoạn 2017-2020 đặt mục tiêu xây dựng ngành công nghiệp AI trị giá 150 tỷ nhân dân tệ (22 tỷ USD), ngang tầm các quốc gia dẫn đầu.
Trong giai đoạn 2020-2025, Trung Quốc sẽ đạt đột phá trong nghiên cứu AI, ứng dụng rộng rãi trong sản xuất, y tế, giao thông. Trong 5 năm tiếp theo, nước này hướng tới mục tiêu dẫn đầu thế giới về AI, với ngành công nghiệp AI trị giá 1.000 tỷ nhân dân tệ (150 tỷ USD).

Trẻ em Trung Quốc trải nghiệm các thiết bị giảng dạy thông minh. Ảnh: GlobalTimes
Kế hoạch nhấn mạnh vai trò của đổi mới sáng tạo và tinh thần kinh doanh thông qua các trung tâm khởi nghiệp (startup), giúp các doanh nghiệp phát triển công nghệ AI, được hỗ trợ bởi các chính sách ưu đãi như trợ cấp, ưu đãi thuế và quỹ nghiên cứu.
Kế hoạch còn tích hợp AI vào tài chính số, thúc đẩy thanh toán di động và cho vay tiêu dùng. Theo báo cáo từ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, các giải pháp tài chính số đã tăng khả năng tiếp cận vốn lên 30% cho doanh nhân trong lĩnh vực AI giai đoạn 2017-2023, tạo chu kỳ đổi mới bền vững.
Trung Quốc đã xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo tại Bắc Kinh, Thâm Quyến, và Hàng Châu, đóng vai trò là trung tâm nghiên cứu và hợp tác công nghệ. Các trung tâm này thu hút nhân tài toàn cầu, vốn đầu tư, đặc biệt trong AI, dữ liệu lớn (Big Data) và công nghệ sinh học.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, hơn 500 startup AI đã ra đời tại Thâm Quyến từ 2018, đóng góp 10% giá trị ngành AI quốc gia.
Chính phủ hỗ trợ các trung tâm qua hệ thống khu vực thử nghiệm AI và khu công nghiệp chuyên biệt. Ví dụ, khu công nghệ Trung Quan Thôn tại Bắc Kinh là nơi các công ty như Baidu và SenseTime phát triển giải pháp nhận diện khuôn mặt. Các trung tâm này cũng thúc đẩy đổi mới chính sách, giúp Trung Quốc duy trì lợi thế cạnh tranh.
Trung Quốc sở hữu hệ sinh thái công nghệ tích hợp, từ gã khổng lồ như Baidu, Alibaba, Tencent đến các startup như DeepSeek, những doanh nghiệp hợp tác chặt chẽ với chính phủ và viện nghiên cứu.
Baidu đã đầu tư 2 tỷ USD vào phòng thí nghiệm AI Apollo, phát triển công nghệ lái xe tự hành được thử nghiệm tại Bắc Kinh. Theo báo cáo của Apollo, các xe tự hành của Baidu đã đạt 10 triệu km thử nghiệm vào năm 2024, ngang ngửa Waymo của Google.
Các nhà cung cấp phần cứng như Huawei cũng đóng vai trò quan trọng, cung cấp chip AI Kunpeng và Ascend để sử dụng trong các trung tâm dữ liệu. Hệ sinh thái này tạo ra chuỗi giá trị khép kín, từ nghiên cứu đến ứng dụng thực tiễn.
DeepSeek là ví dụ điển hình cho tham vọng AI của Trung Quốc. Ra đời năm 2023, DeepSeek phát triển các mô hình AI cạnh tranh với ChatGPT và Claude, nhưng với chi phí thấp hơn. Theo báo cáo của DeepSeek, mô hình R-1 của họ có chi phí huấn luyện chỉ bằng 1/10 so với GPT-4, nhờ tối ưu hóa kiến trúc và sử dụng dữ liệu nội địa.

Biểu tượng DeepSeek trên điện thoại. Ảnh: Reuters
DeepSeek tập trung vào hiệu quả, phù hợp với các ứng dụng như thương mại điện tử, giáo dục và dịch vụ công. Mô hình của DeepSeek được JD.com sử dụng để cá nhân hóa quảng cáo, tăng tỷ lệ chuyển đổi lên 15%. Mức độ tiết kiệm chi phí của DeepSeek trở thành thách thức với các đối thủ phương Tây, đồng thời đặt câu hỏi về tính bền vững của các mô hình AI tốn kém.
Theo Bộ Công an Trung Quốc, hệ thống “tín dụng xã hội” của nước này đang giám sát hơn 600 triệu người, nhờ các giải pháp và ứng dụng AI nhận diện khuôn mặt, do các công ty như SenseTime cung cấp. Công nghệ này cũng được sử dụng trong an ninh công cộng, với các camera AI tại Hàng Châu giảm 30% tỷ lệ tội phạm từ năm 2019 đến 2024.
AI cũng đang cách mạng hóa ngành y tế tại Trung Quốc. Các hệ thống AI chẩn đoán như của iFlytek, hỗ trợ bác sĩ ở vùng nông thôn, đạt độ chính xác 95% trong phát hiện ung thư phổi qua chụp CT, theo nghiên cứu của Đại học Bắc Kinh. Thiết bị đeo thông minh tích hợp AI, như của Huawei, theo dõi sức khỏe theo thời gian thực, giảm 25% chi phí chăm sóc dài hạn.
AI cũng được sử dụng để tối ưu hóa trong quản lý bệnh viện. Tại Thượng Hải, hệ thống AI của Alibaba dự đoán được lưu lượng bệnh nhân, giúp giảm 40% thời gian chờ khám. Những tiến bộ này không chỉ cải thiện chất lượng y tế mà còn tăng khả năng tiếp cận dịch vụ ở các khu vực kém phát triển.
Tại các thành phố thông minh như Hàng Châu, Thâm Quyến, hệ thống quản lý giao thông dựa trên AI giúp giảm 15% thời gian tắc nghẽn, theo Sở Giao thông Hàng Châu. Các thành phố này cũng sử dụng AI để quản lý năng lượng và an ninh, với các hệ thống giám sát tích hợp xử lý dữ liệu từ hàng triệu cảm biến.
Ngoài ứng dụng trong nước, Trung Quốc cũng đang thúc đẩy giới thiệu AI với thế giới. Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số (DSR), thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), là công cụ xuất khẩu công nghệ AI của Trung Quốc. Theo Ngân hàng Thế giới, Trung Quốc đã đầu tư 50 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng số tại 60 quốc gia từ năm 2015 đến 2024.
Các công ty như Huawei cung cấp giải pháp AI cho các thành phố thông minh ở Kenya và Pakistan, trong khi SenseTime xuất khẩu công nghệ nhận diện khuôn mặt sang một số nước Đông Nam Á.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đối mặt một số thách thức trong triển khai chiến lược AI, theo Najla Al Midfa, chuyên gia tại tổ chức Nghiên cứu và Cố vấn TRENDS, trụ sở ở Abu Dhabi, UAE.
Dù có lực lượng lao động công nghệ lớn, Trung Quốc thiếu các chuyên gia AI hàng đầu. Theo LinkedIn, 60% nhà nghiên cứu AI hàng đầu của Trung Quốc được đào tạo tại Mỹ hoặc châu Âu, và nhiều người không về nước sau quá trình học tập.
Chính phủ Trung Quốc đã triển khai chương trình “Nghìn nhân tài” để thu hút chuyên gia giỏi từ nước ngoài trở về, nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với Thung lũng Silicon.
Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào chip và phần mềm tiên tiến từ Mỹ. Các hạn chế xuất khẩu của Mỹ, đặc biệt từ năm 2022, đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng bán dẫn tới Trung Quốc. Theo Bộ Thương mại Mỹ, xuất khẩu chip tiên tiến sang Trung Quốc giảm 70% từ năm 2022 đến 2024, buộc Bắc Kinh phải tăng đầu tư vào sản xuất chip nội địa, nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả tương đương.
Mỹ đang là nước dẫn đầu về nghiên cứu AI cơ bản, với các công ty như OpenAI và Google sở hữu mô hình tiên tiến hơn. Theo Nature, Mỹ chiếm 45% bài báo AI chất lượng cao năm 2024, so với 30% của Trung Quốc.
Chiến lược AI của Trung Quốc, với các trụ cột như khung chính sách ổn định, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, ứng dụng thực tiễn và xuất khẩu công nghệ, đã đưa nước này trở thành “tay đua hàng đầu” trong cuộc cạnh tranh về AI.
Dù vẫn đối mặt với một số thách thức nhất định, Kế hoạch Phát triển AI thế hệ mới, cùng với lợi thế dữ liệu, hệ sinh thái công nghệ đang tạo nền tảng vững chắc cho tham vọng AI của Trung Quốc, chuyên gia Najla Al Midfa nhận định.
Phong Lâm (Theo ScienPress, TRENDS)