
Là luật sư tham gia nhiều vụ án, tôi nhận thấy một thực trạng đáng lo ngại về vai trò thực sự của hội thẩm nhân dân trong các phiên tòa sơ thẩm.
Ở Việt Nam, từ đạo luật cơ bản nhất là Hiến pháp 2013 đến các Bộ luật gồm Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 hay Luật Tố tụng Hành chính 2015, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 đều khẳng định nguyên tắc xét xử tập thể, có sự tham gia của hội thẩm nhân dân, nhằm khẳng định tính dân chủ và khách quan. Tuy nhiên, giữa tinh thần lập pháp và thực tế tư pháp đang tồn tại khoảng cách lớn.
Trong các phiên sơ thẩm, thường có một thẩm phán chủ tọa và hai hội thẩm. Hội thẩm là người đại diện của nhân dân tại tòa án, theo nguyên tắc tòa xét xử tập thể và quyết định theo đa số.
Tuy nhiên, thành viên hội thẩm trong nhiều trường hợp là những người không chuyên sâu về pháp luật, họ công tác ở cơ quan, tổ chức khác, chỉ tham gia xét xử như một nhiệm vụ kiêm nhiệm. Có những hội thẩm được chỉ định sát ngày ra tòa, không có nhiều thời gian nghiên cứu hồ sơ, không tích cực chuẩn bị, nên không thể tham gia xét hỏi, tranh luận hoặc đóng góp tích cực vào quá trình nghị án.
Đơn cử như tháng 4 vừa rồi, tôi tham gia một phiên tòa hình sự do Tòa án nhân dân cấp tỉnh xử sơ thẩm. Vụ án đã được khởi tố hơn hai năm, 12 bị cáo, nhiều nghìn trang bút lục với các tình tiết phức tạp, Tòa trả hồ sơ điều tra lại nhiều lần. Các phiên xử diễn ra công khai trong ba ngày. Cả hai vị hội thẩm im lặng suốt ba ngày: không tham gia xét hỏi, không tranh luận làm rõ bản chất của vụ án.
Tôi không định đánh đồng tất cả hội thẩm đều như vậy, nhưng đó là cảnh tôi thường gặp trong công việc, thường xuyên đến mức tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm lên tiếng.
Nhiều hội thẩm chỉ như “cái bóng mờ của thẩm phán”, “ngồi cho đủ đội hình”.
Trong khi đó, họ được giao quyền ngang với thẩm phán trong việc biểu quyết, quyết định bản án. Hai phần ba thành viên của hội đồng xét xử là hội thẩm, nhưng nếu hai hội thẩm cùng quyết định sai, dẫn đến án xử sai, hội thẩm gần như không chịu liên đới gì.
Người chịu trách nhiệm chính, nếu không muốn nói duy nhất, chính là thẩm phán. Các thẩm phán – những người cần có đủ tiêu chuẩn để được bổ nhiệm, có chuyên môn sâu, bị áp lực trách nhiệm, kiểm điểm khi án bị hủy, sửa – đang phải “san sẻ” quyền quyết định với những người không chịu bất kỳ cơ chế trách nhiệm nào. Nghịch lý này tồn tại quá lâu mà chưa được bàn luận thấu đáo trong tiến trình cải cách.
Đội ngũ thẩm phán ngày càng được bổ sung, nhưng chưa được phân công phù hợp. Người có trách nhiệm thì không có ghế; người có ghế lại không gánh trách nhiệm. Rõ ràng, đang có sự lãng phí nguồn lực, thậm chí là một rào cản cho cải cách tư pháp thực chất.
Nếu thành viên hội thẩm không đủ thời gian, năng lực hoặc động lực để làm tròn vai trò trong quá trình xét xử, họ không thể đại diện cho bất cứ ai. Họ cũng không thực sự phản ánh được “tiếng nói của nhân dân” như mục tiêu ban đầu, mà chỉ là hai chiếc ghế để đủ số lượng mang tính hình thức trong hội đồng xét xử.
Sự hiện diện của hội thẩm nhân dân tại các phiên tòa ngày càng bộc lộ những bất cập về hiệu quả và chi phí xét xử vụ án. Liệu đã đến lúc kết thúc chế định này để xây dựng một hệ thống tòa án chuyên nghiệp, hiệu quả và tinh gọn hơn, phù hợp với định hướng cải cách hiện nay?
Tại Canada, hầu hết án dân sự do thẩm phán xét xử. Chỉ những vụ hình sự nặng mới có sự tham gia của người dân trong các bồi thẩm đoàn. Singapore – quốc gia có hệ thống tư pháp được đánh giá cao ở châu Á, thì đi một con đường rất rõ ràng: không hội thẩm, không bồi thẩm đoàn. Toàn bộ vụ án, dù dân sự hay hình sự đều do thẩm phán chuyên nghiệp xét xử. Đó là cách họ theo đuổi sự minh bạch, hiệu quả và tinh gọn.
Tôi không định phủ nhận hoàn toàn ý nghĩa ban đầu của hội thẩm. Nhưng khi cơ chế không còn phù hợp, ta nên thay đổi. Nhân có chủ trương bỏ các tòa án cấp quận, huyện để gom lại thành tòa án khu vực xét xử sơ thẩm, tôi đề xuất bỏ chế định hội thẩm nhân dân. Thay vì bắt buộc có hai hội thẩm trong phiên tòa sơ thẩm, nên xét xử với ba thẩm phán chuyên nghiệp. Cách làm này sẽ giúp tiết kiệm ngân sách, nâng cao chất lượng xét xử, và trên hết, đảm bảo mọi thành viên hội đồng đều là người có đủ tiêu chuẩn, trách nhiệm, năng lực và thực sự tham gia vào quá trình ra bản án. Điều này giúp đảm bảo tính công bằng, đảm bảo công lý, khách quan, hiệu quả khi xét xử, hạn chế được việc hủy án, sửa án.
Hội đồng xét xử bao gồm các thẩm phán chuyên nghiệp không làm mất đi tính dân chủ và khách quan trong quá trình xét xử, bởi phiên tòa vẫn chịu sự giám sát chặt chẽ của viện kiểm sát giữ quyền công tố, các luật sư, các bên tham gia tố tụng, và đặc biệt là cơ chế kháng nghị, kháng cáo. Viện kiểm sát nhân dân cấp trên và tòa án nhân dân cấp trên sẽ tiếp tục thực hiện vai trò giám sát các sai sót trong xét xử.
Trong trường hợp chưa thể bãi bỏ hoàn toàn chế định hội thẩm vì các lý do khách quan, tôi đề xuất giới hạn lại vai trò của hội thẩm theo hướng tương tự mô hình bồi thẩm đoàn ở một số quốc gia. Theo đó, hội thẩm có thể tham gia đánh giá tình tiết khách quan – xác định tính thuyết phục từ các bằng chứng tại tòa – nhưng không trực tiếp quyết định bản án cuối cùng – tức không xác định tội danh, hình phạt, việc này thuộc thẩm quyền chuyên môn của thẩm phán. Đây là bước đi hợp lý, vừa giữ được sự tham gia của nhân dân trong hoạt động tư pháp, vừa đảm bảo chất lượng và hiệu quả của quá trình xét xử.
Tổ chức lại hệ thống tòa án là chủ trương đúng đắn, nhưng nếu bộ máy được tinh gọn mà bên trong vẫn giữ những thiết chế hình thức thì hiệu quả cải cách khó đạt được. Tinh thần “vì dân, do dân” cần được thể hiện bằng sự minh bạch, công khai và trách nhiệm thực chất chứ không phải bằng “hai chiếc ghế” im lặng trong phòng xử án.
Võ Ngọc Dao