Cấm học sinh dùng điện thoại trong trường học trên cả nước, được không?

Cấm học sinh dùng điện thoại trong trường học trên cả nước, được không?

bởi

trong
Cấm học sinh dùng điện thoại trong trường học trên cả nước, được không?

Học sinh của một trường tại TP.HCM sử dụng điện thoại trong sân trường – Ảnh: NHƯ HÙNG

Ngày 10-7, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã có thông báo kết luận của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Hiếu, giao nhiệm vụ cho Phòng học sinh, sinh viên nghiên cứu, tham mưu phương án đề xuất không cho học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ ra chơi và trong các hoạt động giáo dục tại trường.

Học sinh chỉ được phép sử dụng điện thoại khi giáo viên bộ môn cho phép để phục vụ nhiệm vụ học tập trong giờ học.

Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cũng yêu cầu xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động vận động, thể thao và giao lưu giữa học sinh trong giờ ra chơi để tăng cường kết nối, rèn luyện thể chất.

Các hoạt động này dự kiến sẽ được triển khai ngay trong năm học 2025-2026.

Cấm điện thoại để học sinh giao tiếp nhiều hơn

Đề xuất nói trên nhanh chóng nhận được sự quan tâm và đồng tình mạnh mẽ từ phía phụ huynh, giáo viên, những người trực tiếp chứng kiến ảnh hưởng của điện thoại thông minh tới việc học tập và sức khỏe tâm lý của học sinh.

Nhiều bạn đọc cho rằng đã đến lúc trường học cần trở lại đúng vai trò là nơi tập trung vào học tập, giao tiếp và phát triển toàn diện, thay vì để thiết bị công nghệ chi phối.

Phần lớn ý kiến nhận định đây là bước đi cần thiết để bảo vệ sự tập trung và sức khỏe tinh thần của học sinh.

“Tôi rất ủng hộ. Tránh xa điện thoại ở trường là việc nên làm để bảo vệ học sinh”, bạn đọc Van Dinh viết.

Theo nhiều phụ huynh, việc cấm nên được triển khai càng sớm càng tốt, thậm chí áp dụng ngay trong năm học 2025-2026.

“Tôi ủng hộ hai tay với chủ trương này. Nên cấm ngay trong năm học tới. Học sinh tới trường chỉ là để học”, tài khoản Thầy giáo nêu quan điểm.

Đồng tình, chị Mai Nhiên bày tỏ: “Cấm là đúng rồi, ở nhà con đã suốt ngày ôm điện thoại, đi học cũng cho sử dụng nữa thì học hành kiểu gì?”.

Bên cạnh ảnh hưởng đến học tập, nhiều ý kiến cũng đề cập đến hệ lụy lâu dài mà điện thoại thông minh gây ra cho học sinh, đặc biệt là thói quen sống lệ thuộc vào thiết bị số.

“Bây giờ nhiều bạn trẻ bị nghiện mạng xã hội. Chạy xe ngoài đường, dừng đèn đỏ chỉ một chút mà cũng ráng móc điện thoại ra lướt xem”, bạn đọc Nguyên viết.

Tài khoản L.T888 chia sẻ: “Con tôi đeo kính vì chơi game, lướt web trên điện thoại. Cháu học cấp 3 rồi, tôi bó tay”.

Dù đồng tình với việc cấm điện thoại trong giờ học, nhiều phụ huynh vẫn cho rằng học sinh nên được mang theo điện thoại để phục vụ nhu cầu liên lạc sau giờ học.

“Đồng ý, nhưng đề nghị phải có chỗ giữ điện thoại cho các con. Để khi tan học có thể đặt xe hoặc liên hệ với gia đình”, bạn đọc Vũ Trung đề xuất.

Ý kiến này nhận được sự hưởng ứng từ một số phụ huynh khác, đặc biệt là với học sinh không có xe riêng hoặc phải tự về nhà.

Tranh luận lại, bạn đọc donh****@gmail.com nhấn mạnh: “Rất cần cấm sử dụng điện thoại thật nghiêm khắc. Đặt xe đưa rước thì phụ huynh phải đặt xe cho con em, xem như là chính mình đưa các em đi học. Phải xem việc đặt xe này là chuyện nhỏ bên cạnh việc cấm điện thoại mang lại lợi ích lớn hơn”.

Tài khoản Phương chia sẻ một mô hình thực tế: “Con tôi đang học trường THCS. Nhà trường có trang bị điện thoại thẻ chỉ hiện số điện thoại của bố mẹ để con gọi miễn phí bất cứ lúc nào.

Việc mang điện thoại vào trường tôi chưa thấy có lợi ích gì. Nếu là để tra cứu thì nên để các con làm ở nhà. Thời gian trên lớp nên ưu tiên tương tác với thầy cô và bạn bè”.

Tất cả trường học trên cả nước nên cấm học sinh dùng điện thoại?

Một số ý kiến đề xuất nên mở rộng việc cấm điện thoại với học sinh trong trường học trên phạm vi cả nước.

Tài khoản hoan…@gmail.com đề nghị: “Cả nước nên cấm học sinh từ cấp 1 đến cấp 3 không được dùng điện thoại ở trường, kể cả giờ ra chơi. Ở nhà phụ huynh còn quản lý được, nhưng lên trường thì không ai kiểm soát. Nhà trường cấm là đang giúp chính phụ huynh đấy!”.

“Ủng hộ tuyệt đối. Mong quy định này áp dụng trên toàn quốc” – bạn đọc Cáp Thị Hà có ý kiến.

“Phụ huynh nên mua những loại điện thoại chỉ nghe và gọi cho con. Đừng mua điện thoại thông minh để rồi con trẻ chìm đắm trong mạng xã hội” – độc giả Coc viết.

Bạn đọc có địa chỉ email than…@gmail.com dẫn chứng: “Nước Anh và Úc đã cấm trẻ dưới 16 tuổi truy cập mạng xã hội vì quá hiểu tác hại của nó”.

Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng điều quan trọng không chỉ là cấm, mà còn là hướng dẫn sử dụng đúng cách.

Bạn đọc Duc Nguyen đặt vấn đề: “Hãy suy nghĩ, khẩn cấp thì ai gọi, gọi ai và gọi thế nào. Điều quan trọng không phải là cấm, mà là biết dùng đúng cách”.

Theo bạn đọc Vũ Nguyên: “Điện thoại có hai mặt tốt và xấu. Tôi ủng hộ cấm điện thoại trong trường học nhưng cần dạy học sinh cách sử dụng nó một cách thông minh. Internet không phải chỉ toàn điều xấu mà còn có rất nhiều cái tốt, quan trọng là cách sử dụng nó”.

Bạn đọc Thanh nói thay tiếng lòng nhiều phụ huynh: “Thực tế không chỉ học sinh mà người lớn cũng dính điện thoại suốt. Nên bắt đầu từ giáo dục nhà trường để giúp các con kiểm soát tốt hơn chính mình”.