‘Cần sửa luật để thu hồi nhiều tài sản trong các vụ án kinh tế’

‘Cần sửa luật để thu hồi nhiều tài sản trong các vụ án kinh tế’

bởi

trong

Theo Cục trưởng Thi hành án dân sự TP HCM, luật hiện hành quy định chồng chéo, rắc rối khiến việc thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế gặp nhiều khó khăn, nên cần phải sửa.

Quan điểm trên được Cục trưởng Thi hành án dân sự TP HCM Nguyễn Văn Hòa đưa ra tại hội thảo Góp ý sửa đổi Luật Thi hành án dân sự – Giải pháp xử lý tài sản trong thi hành án các vụ án kinh tế, do báo Pháp luật TP HCM tổ chức ngày 14/5.

Theo ông Hòa, trước đây, trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, công tác thi hành án chủ yếu tập trung vào tội danh và hình phạt. Tuy nhiên, hiện nay, việc thi hành án đặc biệt chú trọng đến việc thu hồi tài sản. Trong ba năm gần đây, cơ quan thi hành án TP HCM đã thu hồi được trên 50.000 tỷ đồng – chiếm từ 76% đến 96% tổng giá trị tài sản thu hồi của cả nước.

Tuy vậy, việc thu hồi tài sản vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn, do còn nhiều bất cập như: quá trình điều tra, xét xử thường kéo dài; quy định pháp luật thiếu rõ ràng, dẫn đến việc người phạm tội có thể tẩu tán tài sản; tài sản là bất động sản bị xuống cấp, gây tốn kém chi phí bảo quản và lưu giữ…





‘Cần sửa luật để thu hồi nhiều tài sản trong các vụ án kinh tế’

Ông Nguyễn Văn Hòa, Cục trưởng THADS TP HCM, tại hội thảo. Ảnh: Huỳnh Thơ

Ông Hòa cho rằng, hiện cơ quan điều tra và tòa án vẫn chưa thật sự quan tâm đến tính chất của tài sản. Vì vậy, khi đến giai đoạn thi hành, các cơ quan THADS gặp nhiều vướng mắc. Ví dụ, bản án tuyên tài sản thuộc về người phạm tội, nhưng thực tế lại do người khác đứng tên.

Đặc biệt, với các tài sản là dự án, pháp lý thường không đầy đủ. Trong quá trình truy tố, xét xử kéo dài, giấy phép dự án có thể hết hạn, khiến việc xử lý tài sản để thu hồi gặp rất nhiều khó khăn.

Dẫn chứng , ông Hòa cho biết, tòa tuyên phát mãi tài sản là dự án Bệnh viện Phú Mỹ diện tích 10 ha ở Bình Chánh, nhưng thực tế giấy phép triển khai dự án đã hết hạn. “Về nguyên tắc, giấy phép hết hạn thì cơ quan chức năng phải thu hồi. Trong khi đó, một phần diện tích đất vẫn thuộc sở hữu người dân. Vì vậy, việc bán từng mảnh đất riêng lẻ không thực hiện được, mà bán cả dự án cũng không xong, nên Cục Thi hành án liên tục kiến nghị hủy bản án”, ông Hòa nói.

Tương tự, việc xử lý tài sản hình thành trong tương lai, cổ phần hoặc cổ phiếu chưa niêm yết… hiện cũng chưa có quy trình rõ ràng, gây nhiều khó khăn cho cơ quan thi hành án.

“Việc thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế là nhằm thu về cho Nhà nước, nhưng lại không có cơ quan nào được giao giám sát quá trình này. Tài sản thu được thì nộp về kho bạc, trong khi đúng ra phải giao cho Bộ Tài chính”, ông Hòa nhấn mạnh và cho rằng cần thiết phải sửa đổi Luật Thi hành án dân sự.

Bất cập trong định giá tài sản

Phân tích về những bất cập liên quan đến định giá tài sản, luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cho rằng hiện pháp luật quy định giám định, định giá tài sản trong tố tụng hình sự chỉ áp dụng “khi xét thấy cần thiết”, không bắt buộc theo Điều 206 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Điều này khiến việc định giá phụ thuộc vào ý chí chủ quan của các cơ quan tiến hành tố tụng, không bảo đảm sự nhất quán.

Ngoài ra, thời điểm định giá và hiệu lực của chứng thư thẩm định giá hiện cũng tồn tại nhiều bất cập. Hiện nay, thời điểm định giá thường được xác định theo thời điểm cơ quan tố tụng yêu cầu. Cách làm này chưa hợp lý, đặc biệt khi thời điểm xảy ra vụ án cách xa thời điểm định giá. Điều này có thể dẫn đến chênh lệch rất lớn về giá trị tài sản, gây bất lợi cho người bị kết án.

Bên cạnh đó, quá trình xét xử thường kéo dài. Việc xác định thời điểm định giá là thời điểm sơ thẩm lần đầu hay phải định giá lại ở từng giai đoạn vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.

Về hiệu lực của chứng thư định giá, theo quy định hiện hành, mỗi chứng thư chỉ có giá trị trong 6 tháng. Về nguyên tắc, nếu hết hiệu lực thì phải định giá lại để tổ chức đấu giá. Tuy nhiên, trên thực tế, do đương sự gây khó khăn hoặc vì nguyên nhân khách quan, nhiều tài sản không được định giá lại đúng hạn.





Luật sư Phan Trung Hoài nêu quan điểm tại hội thảo. Ảnh: Huỳnh Thơ

Luật sư Phan Trung Hoài nêu quan điểm tại hội thảo. Ảnh: Huỳnh Thơ

Định giá ‘chênh nhau hàng trăm nghìn tỷ đồng’

Luật sư Hoài cũng chỉ ra nhiều bất cập trong phương pháp định giá hiện nay. Cụ thể, khi áp dụng phương pháp so sánh, đơn vị định giá phải khảo sát và thu thập thông tin về tài sản tương tự từ các phương tiện thông tin đại chúng, Internet… Điều này làm dấy lên nhiều băn khoăn về tính pháp lý và độ xác thực của các nguồn thông tin được sử dụng.

Trong một số trường hợp, chứng thư thẩm định giá không chỉ được thực hiện theo yêu cầu của cơ quan tố tụng hoặc thi hành án, mà còn theo yêu cầu của đương sự hoặc pháp nhân. Điều này dẫn đến việc cùng một tài sản nhưng có giá trị thẩm định rất khác nhau, dù đều do các đơn vị thẩm định nằm trong danh sách được Bộ Tài chính công nhận.

“Vậy việc xác định giá của bất động sản để bán đấu giá được giải quyết như thế nào?”, ông Hoài nêu vấn đề. Ví dụ, trong vụ án bà , có đến hơn 1.166 tài sản sử dụng để thế chấp cho các khoản vay. Trong đó, chỉ có hơn 726 mã tài sản được định giá và kết quả định giá của các công ty cũng chênh nhau lên đến hơn 193.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn rất nhiều tài sản là cổ phần cổ phiếu, tài sản hình thành trong tương lai không được xem xét định giá trong khi những tài sản này có giá trị rất lớn.

Đề xuất cơ chế riêng khi xử lý tài sản chưa rõ về pháp lý

Tại hội thảo, một số chuyên gia đề xuất cần có cơ chế xử lý tài sản đang hình thành trong tương lai và tài sản chưa hoàn thiện về pháp lý. Việc định giá tài sản luôn phải theo nguyên tắc là giá thị trường. Đồng thời, các chuyên gia kiến nghị cần thành lập hội đồng xử lý tài sản cho các vụ án lớn; hoàn thiện quy định về thu thập thông tin khách quan, xác định thời điểm định giá, và hướng dẫn cụ thể về định giá tài sản đặc thù, đảm bảo tính thống nhất và “có lợi cho người phạm tội”.

Theo luật sư Lê Hồng Nguyên, Uỷ viên ban thường vụ Liên đoàn luật sư Việt Nam, hiện nay do quy định chồng chéo của nhiều luật khác nhau nên việc xử lý những tài sản có pháp lý chưa hoàn thành thường bế tắc.

“Tôi cho rằng cần mạnh dạn khi giao cơ quan thi hành án xử lý tài sản là dự án chưa hoàn thành về pháp lý thì không cần phải tuân theo các quy định pháp luật khác nữa, mà việc phát mãi cứ thực hiện theo hiện trạng”, ông Nguyên nói, thêm rằng người nào mua trúng đấu giá những tài sản chưa hoàn thành về pháp lý hay tài sản hình thành trong tương lai thì có nghĩa vụ tiếp tục hoàn thiện pháp lý để thực hiện dự án.

Ngoài ra, ông Nguyên còn đề xuất cho tổ chức thừa phát lại được tham gia vào quá trình xử lý tài sản trong các vụ án kinh tế cũng như rút ngắn thời gian thi hành án đối với các tài sản phải thi hành.

Còn luật sư Nguyễn Thành Công, Đoàn Luật sư TP HCM thì kiến nghị cần thành lập trung tâm thông tin tài sản đấu giá. Các thông tin này được công khai cho tất cả người dân cùng biết trước khi đưa ra bán đấu giá, thu hồi tài sản.

Hải Duyên